VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng miền giữa nhà sản xuất và nhà phân phối

11/12/2019 08:31

Trong những năm qua thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh thành liên quan, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị của Thành phố thực hiện tốt hoạt động giao thương, kết nối cung - cầu và đã đạt được kết quả tích cực.  

1. Nhu cầu tiêu thụ và hệ thống phân phối hàng hóa của Hà Nội
Là trung tâm kinh tế - xã hội lớn nhất vùng Bắc Bộ, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn về hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn, có khả năng tập trung, phát luồng hàng, thúc đẩy và lan tỏa sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Bộ, trung du miền núi Bắc Bộ và các vùng, miền trong cả nước.

1.1. Nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội
1.1.1. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản:
Nhu cầu tiêu dùng của Thủ đô trong 1 tháng: Với khoảng 10,3 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Thành phố là rất lớn, Cụ thể: gạo 92.970 tấn (tháng Tết khoảng 95.700 tấn, tăng khoảng 3% so với các tháng thường); thịt lợn hơi 18.594 tấn (tháng Tết khoảng 22.300 tấn, tăng khoảng 18% so với các tháng thường); thịt bò 5.230 tấn (tháng Tết khoảng 6.153 tấn, tăng khoảng 15% so với các tháng thường); thịt gà, vịt 6.198 tấn (tháng Tết khoảng 7.400 tấn, tăng khoảng 18% so với các tháng thường); thủy hải sản tươi, đông lạnh: 5.165 tấn (tháng Tết khoảng 5.681 tấn, tăng khoảng 9% so với các tháng thường); thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm: 5.165 tấn (tháng Tết khoảng 6.400 tấn, tăng khoảng 21% so với các tháng thường); rau củ: 103.300 tấn (tháng Tết khoảng 123.700 tấn, tăng khoảng 17% so với các tháng thường); trứng gà, vịt: 124 triệu quả (tháng Tết khoảng 130 triệu quả, tăng khoảng 5% so với các tháng thường); quả các loại: 57.500 tấn (tháng Tết khoảng 65.550 tấn, tăng khoảng 15% so với các tháng thường)
Khả năng sản xuất đáp ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố trong 01 tháng: Gạo chỉ đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu; thủy hải sản đáp ứng 5% nhu cầu; Trứng gia cầm đáp ứng 66% nhu cầu; thực phẩm chế biến đáp ứng 25% nhu cầu; rau củ đáp ứng 65% nhu cầu; quả các loại đáp ứng khoảng 35% nhu cầu. Thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng  đủ nhu cầu trong điều kiện bình thường, tuy nhiên do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã gây thiệt hại cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, sản lượng thịt lợn xuất chuồng hiện khoảng 18.800 tấn/ tháng, nên dự báo nguồn cung thịt lợn thiếu hụt trong dịp Tết Nguyên đán, rất cần khai thác thêm thịt lợn và các sản phẩm thay thế khác (thủy hải sản, thực phẩm chế biến…) từ các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.

1.1.2. Nhu cầu cung ứng các sản phẩm của các doanh nghiệp Hà Nội:
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề với các nhóm sản phẩm đa dạng phong phú, có mặt hầu hết ở các tỉnh, thành phố và sẵn sàng cung ứng một lượng hàng hóa lớn cho địa phương trong cả nước:
Nhóm các sản phẩm công nghiệp: hàng dệt may (May 10, May Đức Giang...), da giầy, hóa nhựa và chế biến lương thực, thực phẩm (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát... ).

Nhóm các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp: mây tre đan; hàng chế biến lâm - nông sản thực phẩm (miến, bún, giò chả…); hàng dệt may (khăn, lụa, quần áo các loại); hàng thêu ren; hàng sơn mài, khảm trai; hàng điêu khắc đá, kim loại, gỗ, xương, sừng; hàng gốm sứ; hoa gỗ…

1.2. Hệ thống phân phối hàng hóa của Thành phố:
1.2.1. Về hạ tầng thương mại: Hiện nay, thành phố Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, 455 chợ, trên 1.000 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm... Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội phân theo ngành kinh doanh thì thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn (65% - 75%).
1.2.2. Các kênh tiêu thụ, phân phối:

Qua hệ thống các chợ: Các mặt hàng thiết yếu hầu hết được các thương lái thu mua, tập kết, tiêu thụ tại các chợ đầu mối, sau đó phân phối tới các chợ dân sinh, các cửa hàng kinh doanh và các bếp ăn tập thể.
Qua hệ thống siêu thị, cửa hàng chuyên doanh  trên toàn Thành phố: Các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm an toàn… phân phối thông qua các cửa hàng chuyên kinh doanh về thực phẩm trên địa bàn Thành phố được bao gói, có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng…
Qua kênh bếp ăn tập thể các trường học, khu công nghiệp để phục vụ nhân dân: Các doanh nghiệp đã tích cực khai thác thực phẩm an toàn đưa vào các bếp ăn tập thể.

Tiêu thụ qua các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: Mô hình được thành lập trên cơ sở các đơn vị sản xuất với hệ thống các cửa hàng thực phẩm an toàn được chứng nhận và tiêu thụ tại hệ thống các cửa hàng thực phẩm.

2. Chương trình kết nối giao thương hàng hóa các địa phương với Hà Nội
2.1.Các hoạt động chủ yếu:
Trong 10 tháng năm 2019, Sở Công Thương Hà  Nội đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố triển khai các chương trình: (1) Thông tin, tổ chức 10 đoàn doanh nghiệp Hà Nội ( gần 80 lượt các nhà phân phối)  tham gia các hoạt động, diễn đàn, hội nghị xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh: Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Nghệ An, Hà Giang và Quảng Ninh, Hòa Bình...; (2) Hỗ trợ các địa phương tổ chức 09 tuần hàng trái cây, nông sản tại Hà Nội như: Vải thiều Lục Ngạn- Bắc Giang, Nhãn lồng- Hưng Yên, trái cây, nông sản an toàn tỉnh Sơn La, Hồng không hạt, nông sản an toàn tỉnh Bắc Kạn, Cam Cao Phong và nông sản tỉnh Hòa Bình…; (3) Tham gia tổ chức kết nối, tiêu thụ trái cây, nông sản các tỉnh Nam Bộ; hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm Gà đồi Yên Thế- tỉnh Bắc Giang; (4) Tổ chức Hội nghị Kết nối, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản an toàn thành phố Hà Nội năm 2019; (5) Các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tổ chức Hội nghị các nhà cung cấp của BigC, Aeon...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: (1) Chủ động phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản, kết quả đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng nông sản Hà Nội và các tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường Hà Nội (tăng 184 chuỗi so với năm 2018); (2) Thực hiện các thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác với Hà Nội ; (3) Thỏa thuận hợp tác về “Sản xuất và tiêu thụ Rau an toàn” với 08 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Sơn La.;(4) Tổ chức 02 cuộc hội nghị về phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Quảng Ngãi, Lào Cai;

Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch Thành phố: Tổ chức Tuần hàng kết nối các sản phẩm vào Trung tâm thương mại AEON – Long Biên Hà Nội với tham gia của  80 doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội còn tổ chức các Đoàn công tác đi làm việc, triển khai hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố: Điện Biên, Lai Châu, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Hưng Yên, Nam Định, Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng...

2.2. Kết quả chương trình kết nối giao thương
Chương trình  liên kết vùng, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính chung trong giai đoạn 2018- 2019, thành phố Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội, đã có trên 350 sản phẩm, mã hàng mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ; các sở, ngành thành phố thường xuyên cung cấp danh sách các nhà sản xuất của các tỉnh cho các nhà kinh doanh - phân phối trên địa bàn thành phố để hỗ trợ kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất với phân phối; kết nối sản phẩm trái cây tới 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được cấp biển nhận diện; hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia các gian hàng giới thiệu sản phẩm thường xuyên tại Trung tâm triển lãm của Bộ NN&PTNT – 489 Hoàng Quốc Việt – Hà Nội và trên Trang thông tin Nông sản an toàn thành phố Hà Nội (Website: nongsanantoanhanoi.gov.vn hỗ trợ đưa thông tin khoảng 300 đơn vị, hơn 400 điểm bán hàng uy tín được hiển thị) nhằm hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương, kết nối nhà sản xuất - nhà phân phối – người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Nhiều nông sản thực phẩm các địa phương được các đơn vị Hà Nội hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu đã được doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, khách sạn kết nối tiêu thụ, quảng bá người tiêu dùng Thủ đô biết đến, ưu tiên lựa chọn, các sản phẩm được doanh nghiệp, siêu thị Hà Nội kết nối cụ thể: sản phẩm thành phố Hà Nội như: Bưởi diễn  Bắc từ Liêm, Phúc Thọ, ỨNg Hòa, Chương mỹ, cam canh, gà đồi Ba Vì, Gà mía Sơn Tây, Trứng Tiên Viên, Ba Huân, gạo Bảo Minh, Rau củ quả các  các loại, Ổi, phật thủ...; tỉnh Cao Bằng (thịt lợn hun khói, lạp sườn, măng, miến, mộc nhĩ...); sản phẩm tỉnh Hà Tĩnh (Quýt ngọt, cam...); sản phẩm tỉnh Quảng Nam (dầu đậu phộng, mè đen); tỉnh Sơn La (trái cây các loại: nhãn, mận, xoài, dâu tây, chanh leo; thịt lợn gác bếp; rau củ các loại...) sản phẩm tỉnh Yên Bái (Gạo các loại: Séng cù, nếp Tú Lệ, tẻ đỏ; cam Văn Chấn; thịt trâu, lợn gác bếp, măng khô...); tỉnh Lạng Sơn (na Chi Lăng, măng ớt, quế, hồi...); tỉnh Bắc Giang (vải thiều Lục Ngạn, Gà đồi Yên Thế, Mỳ chũ...); tỉnh Hòa Bình (cam Cao Phong, măng, miến, cá sông Đà, bưởi đỏ Tân Lạc...); tỉnh Lâm Đồng (rau, củ các loại; hồng treo gió; hoa các loại...); tỉnh Cà Mau (thủy sản, phồng tôm các loại); các loại gia vị: Quế, hồi, chẳm chéo, bột tôm... của các tỉnh Lạng Sơn, Điện Biên, Thừa Thiên Huế..., tỉnh Đồng Tháp (xoài cát hòa lộc, bưởi, cam các loại, các sản phẩm tôm, cá , hoa quả sấy khô...), tỉnh Ninh Thuận (thanh long, nho, nước mắm, các loại thủy hải sản sấy khô..).

Tổng lượng sản phẩm của một số địa phương tiêu thụ qua các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương nhân kinh doanh của Hà Nội trong năm 2019, cụ thể: Tỉnh Bắc Giang: 27.795 tấn sản phẩm các loại, giá trị đạt 1.272 tỷ đồng (trong đó, sản phẩm có thương hiệu là vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế giá trị đạt 1.063 tỷ đồng); Tỉnh Quảng Ninh kết nối, tiêu thụ lượng sản phẩm, chủ yếu sản phẩm thủy hải sản với giá trị trên 2.000 tỷ đồng; Tỉnh Ninh Thuận kết nối, tiêu thụ được 350 tấn sản phẩm, giá trị đạt khoảng 19,8 tỷ đồng....

Ngoài ra có thêm 200 nhà cung cấp mới của các địa phương đã kết nối sản phẩm các địa phương tiêu thụ tại kênh phân phối trên địa bàn Thành phố: Hệ thống Vinmart kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 19.000 tấn, giá trị đạt 240 tỷ đồng; Đặc biệt Tết 2019 đã hỗ trợ tỉnh Hà Giang tiêu thụ trên 20 tấn cam  không lấy lãi để tiêu thụ hết trong dịp Tết; BigC Thăng Long kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 4.600 tấn, giá trị đạt 89 tỷ đồng; Saigon Co.op Hà Nội kết nối lượng hàng hóa các tỉnh ước đạt 1800 tấn, giá trị đạt 37 tỷ đồng; hệ thống Hapro kết nối ước đạt 11,4 tỷ đồng; các hệ thống phân phối khác ước đạt 150 tỷ đồng.

3. Đánh giá về chương trình kết nối giao thương
Các hoạt động liên kết, giao thương thời gian qua đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực giữa các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội với các sở, địa phương của các tỉnh, thành phố. Hỗ trợ các địa phương các kinh nghiệm tổ chức kết nối, tiêu thụ nông sản, qua đó các địa phương chủ động trong tổ chức hoạt động quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ nông sản của tại địa phương một cách bài bản, đúng mùa vụ nông sản, đúng hướng, đúng mục tiêu và hiệu quả.

Sản phẩm của các địa phương sau khi được hỗ trợ, quảng bá sản phẩm tại các tuần hàng và kênh phân phối của Hà Nội đã được nhiều người tiêu dùng trong cả nước biết đến thông qua các kênh truyền thông; các sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận cao, sản lượng bán ra tăng từ 20%-30%; giá thành cao vẫn được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói thân thiện, chất lượng sản phẩm… để đưa vào kênh phân phối hiện đại (nhãn, mận, xoài tỉnh Sơn La, gạo đặc sản Lào Cai, Yên Bái, cam sành Hà Giang, Tuyên Quang…); không những tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội mà còn có nhiều cơ hội để đưa vào hệ thống phân phối tại nước ngoài: Nhật (AEON), Hàn Quốc (Lotte), Thái Lan (BigC)….

Ngoài việc kết nối, tiêu thụ nông sản thực phẩm vào kênh phân phối không chỉ phục vụ thị trường Hà Nội , các doanh nghiệp  còn hỗ trợ hoạt động xuất khẩu các địa phương thông qua các nhà phân phối nước ngoài tại Hà Nội và triển khai tuần hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối nước ngoài (hệ thống AEON- Nhật Bản; Lotte- Hàn Quốc; Chợ đầu mối nông sản Rungis- Pháp...).

Các hoạt động giao thương cũng thúc đẩy việc phát triển doanh nghiệp tư nhân của các hộ sản xuất khi muốn tham gia vào chuỗi cung ứng hoặc đưa hàng vào hệ thống bán lẻ hiện đại; đồng thời góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân hàng tháng, năm; thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa - doanh thu dịch vụ nhất là tổng mức bán lẻ trên thị trường…

Qua các hoạt động liên kết cung- cầu hàng hóa, xu hướng tiêu dùng đối với nông sản của người tiêu dùng Thủ đô được các nhà bán lẻ nhận định là chuộng nông sản, sản phẩm hàng hóa trong nước sản xuất với chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo, ưu tiên lựa chọn là những sản phẩm có thương hiệu các địa phương, sẵn sàng chấp nhận mức giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, đây là cơ hội để các nhà cung cấp các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội.
 
                                                                                                                                        -----------******----------
 
Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 12/2019 còn có những thông tin đáng chú ý như:
 
Môi trường kinh doanh
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 

Thị trường - Ngành hàng                                                          
Logistics - Giải pháp kết nối và nâng cao giá trị hàng nông sản

Chống gian lận thương mại hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay 

Người Việt - Hàng Việt                                                                     
Kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng miền giữa nhà sản xuất và nhà phân phối 

Quốc tế - Hội nhập
Nghiên cứu xây dựng mạng lưới phân phối cho sản phẩm công nghiệp Việt Nam tại thị trường ASEAN – Kỳ II: Thực trạng mạng lưới phân phối một số sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường ASEAN 

Trên đường phát triển
Long An: Đẩy mạnh thu hút đầu tư để phát huy thế mạnh và đổi mới tăng trưởng

 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
 
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn;                 0913535939   (tuanvq.vtic@gmail.com)
- Mrs Việt Hằng;        0989153746  ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM


 

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.118.217