VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Cán cân thương mại từ đầu năm đến hết 15/11/2019 vẫn đạt thặng dư 9,18 tỷ USD.

11/12/2019 08:27

KINH TẾ TRONG NƯỚC
Trong ngày 18/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và cho vay tối đa đối với đồng nội tệ. Theo đó,  từ ngày 19/11, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kì hạn và có kì hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kì hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được điều chỉnh giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Sau khi điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi và cho vay tối đa đối với đồng nội tệ từ ngày 19/11, trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN thay thế thông tư 36/2014 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, giới hạn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm dần trong vòng 3 năm tới, từ mức 40% hiện nay xuống 37% từ 1/10/2020; 34% từ 1/10/2021 và 30% từ 1/10/2022. Thông tư 22 này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Với thông tư này, có thể thấy lộ trình quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn đã nới hơn với 3 bước giảm và thời hạn hiệu lực trễ hơn 3 tháng so với dự thảo ban đầu.

Như vậy, sau khi hạ đồng loạt các lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 và bơm ròng liên tục 6 tuần gần đây, việc hạ trần lãi suất huy động và cho vay từ ngày 19/11/2019 cộng với việc gia hạn thời gian quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thể hiện rõ hơn chủ trương điều hành nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp của NHNN. Với hàng loạt các động thái “mạnh tay” của NHNN, dự kiến cần một thời gian để thực sự kéo giảm được mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng, sau khi một phần tiền gửi dịch chuyển sang các ngân hàng nhỏ và giai đoạn cao điểm cuối năm qua đi.

Trong lĩnh vực thương mại, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 11/2019 (từ 1 đến 15/11/2019) đạt 22,09 tỷ USD, giảm 10,7% (tương ứng giảm 2,65 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 10/2019. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 229,82 tỷ USD, tăng 8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 220,64 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng cán cân thương mại hàng hóa trong nửa đầu tháng 11/2019 thâm hụt 26 triệu USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2019 vẫn đạt thặng dư 9,18 tỷ USD.

KINH TẾ THẾ GIỚI
Trong hai tuần cuối tháng 11/2019, kinh tế toàn cầu được hỗ trợ nhờ kỳ vọng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm được ký kết trong năm 2019 sau khi Tổng thống Donald Trump ngày 26/11 tuyên bố cuộc đàm phán thỏa thuận giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đã gần hoàn tất. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 giữa hai nước tiếp tục tăng cao trở lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký dự luật Dân chủ và nhân quyền Hồng Kông vào ngày 28/11/2019.

 Bất ổn kéo dài trong quan hệ thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc cộng với nhu cầu trong nước và thế giới suy yếu đã tác động mạnh lên những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong tháng 10/2019, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng 9/2019 và dưới mức dự báo trung bình tăng trưởng 5,4% được đưa ra trước đó. Ngoài ra, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 10/2019 cũng giảm tốc xuống mức thấp thứ hai trong 16 năm qua, chỉ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 7,8% trong tháng 9/2019. Đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998. Với diễn biến này, dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm tốc xuống còn 5,8% trong quý IV/2019 so với mức tăng trưởng 6% trong quý III/2019. Để thúc đẩy tăng trưởng, trong tuần đầu tháng 11/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn 1 năm từ 3,30% xuống 3,25%. Trong ngày 18/11, PboC tiếp tục hạ lãi suất của các hợp đồng mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày từ 2,55% xuống còn 2,5%. Đây là lần đầu tiên PBoC có động thái cắt giảm lãi suất từ năm 2016 đến nay và cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách của nước này đã sẵn sàng hành động để thúc đẩy đà tăng trưởng đang giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cả hai đợt hạ lãi suất này mở ra khả năng PBoC sẽ giảm lãi suất cho vay nhằm tạo thêm nguồn tín dụng cho các lĩnh vực kinh tế của nước này.

Mặc dù kinh tế giảm tốc nhưng Trung Quốc vẫn là điểm đến của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, nguồn vốn FDI vào Trung Quốc trong 10 tháng năm 2019 đã tăng 6,6% so với cùng kỳ một năm trước đó lên 752,41 tỷ NDT (107,58 tỷ USD). Tính riêng trong tháng 10/2019, lượng vốn FDI đổ vào Trung Quốc đã tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước lên 69,2 tỷ NDT (9,68 tỷ USD) và được dự báo sẽ duy trì ổn định trong quý IV/2019. Số liệu FDI lạc quan có thể coi là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế Trung Quốc trước diễn biến kém khả quan về sản lượng công nghiệp, bán lẻ và xuất khẩu của nước này.

Bất ổn của căng thẳng thương mại và kinh tế toàn cầu suy yếu cũng tác động mạnh mẽ lên kinh tế Nhật Bản. Theo số liệu chính thức do Chính phủ Nhật Bản công bố, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý III/2019 chỉ đạt 0,2%, giảm khá mạnh từ mức tăng 1,8% ghi nhận trong quý II/2019 và thấp hơn mức dự báo tăng 0,8% trước đó. Trong tháng 10/2019, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tiếp tục giảm 9,2% so với tháng 10/2018, đánh dấu tốc độ giảm mạnh nhất trong 3 năm qua và làm dấy lên lo ngại nền kinh tế phụ thuộc thương mại này có thể rơi vào suy thoái. Diễn biến này buộc Chính phủ Nhật Bản trong thời gian qua liên tục phải đưa ra chính sách nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy đà tăng trưởng tương đối vững chắc với tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III/2019 đã được điều chỉnh lên 2,1% so với cùng kỳ năm 2018, vượt mức ước tính sơ bộ trước đó là 1,9%. Trong đó, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng 2,9% và xu hướng này dự kiến sẽ còn kéo dài trong bối cảnh thu nhập của các hộ gia đình vẫn đang gia tăng trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang duy trì ở mức thấp với 3,6%. Trong tháng 10/2019, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 0,3% so với tháng trước, cải thiện đáng kể so với mức giảm 0,3% trong tháng 9/2019 và cao hơn so với mức dụ báo tăng 0,2% trước đó. Tuy nhiên, lĩnh vực chế tạo vẫn chứng kiến sự suy yếu với sản lượng tại các nhà máy đã giảm 0,6% trong tháng 10/2019 – mức giảm cao nhất kể từ tháng 5/2018. Trong quý IV/2019, với những dấu hiệu chậm lại của thị trường lao động cộng với những khó khăn của lĩnh vực chế tạo và ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, dự kiến tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý IV/2019 sẽ giảm xuống còn 1,4%, đưa tốc độ tăng trưởng GDP trong cả năm 2019 của Mỹ đạt 2,3%, chậm hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 2,9% trong năm 2018.
 

Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 
Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.149.270