Xuất khẩu tôm đón cơ hội từ EVFTA
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã mang đến triển vọng cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong những tháng cuối năm 2020.
Cơ hội cho tôm Việt
EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường EU, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có FTA với EU, nhất là hàng hóa nông sản. Theo đánh giá bước đầu, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.
Trong tháng 8/2020, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019
Thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn.
Từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó, mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực… EVFTA đi vào thực thi, doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn các thủ tục pháp lý liên quan sang EU.
Riêng với sản phẩm tôm, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU đã tăng mạnh ở mức 2 con số, sau khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực. Cụ thể, trong tháng 8/2020, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, trong ngày 11/9 đã diễn ra lễ xuất khẩu lô sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam đi một số nước EU theo Hiệp định EVFTA. Là doanh nghiệp có lô hàng tôm xuất khẩu đầu tiên sang thị trường EU được hưởng mức thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Thông Thuận Group - cho biết, EU chiếm 45% cơ cấu thị trường tôm xuất khẩu của doanh nghiệp, tiếp đến là Nhật Bản chiếm 35%; Mỹ chiếm từ 10-15%, còn lại là các thị trường khác. Với quy trình sản xuất theo một chuỗi khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Thông Thuận Group đáp ứng đầy đủ về chủng loại sản phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình sản xuất khắt khe của quốc tế.
Đối với thị trường EU, công ty có đầy đủ các chứng chỉ: GLOBAL GAP, ASC, BRC, BAP 3 SAO, IFS, BSCI, SEDEX, BAP 4 SAO tạo ra nguồn sản phẩm thủy sản xuất khẩu chất lượng cao; được khách hàng các nước tin tưởng, thị trường luôn tăng trưởng.
Ông Trương Hữu Thông cho hay, khi Việt Nam tham gia EVFTA, các đơn hàng của công ty tại thị trường EU cũng tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ tthống. Tính tới ngày 31/8/2020, doanh thu hoạt động xuất khẩu của toàn hệ thống đạt gần 70 triệu USD. Tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD trong đó xuất vào EU khoảng 4,5 USD. Dự kiến trong năm 2020 doanh số xuất khẩu vào EU của Thông Thuận group đạt khoảng 45 triệu USD.
Thích ứng thị trường, tận dụng cơ hội từ EVFTA
EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Chứng nhận ASC là một ví dụ. Đây là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm. Hiện nay, hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC. Hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam đã và đang được nhân rộng để đáp ứng yêu cầu thị trường EU.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm thủy sản còn EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hàng năm. Điều đó cho thấy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông sản vào thị trường EU là vô cùng lớn.
Riêng với mặt hàng tôm, ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh của Việt Nam đang được hưởng mức thuế 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, so với mức thuế GSP (là mức thuế ưu đãi của các nước phát triển dành cho nước đang phát triển) 4,2% được áp dụng trước đó, tạo ra nhiều lợi thế với tôm của Thái Lan, Ấn Độ... Còn tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm khi EVFTA có hiệu lực.
Nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà xuất khẩu của EU cũng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã có tác động nhiều tới xu hướng của các nhà nhập khẩu và thói quen tiêu thụ tôm của người dân EU. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm mạnh trong khi nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi ít hơn trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền, sản phẩm đóng gói tăng. Người EU ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh. Đây cũng là những khuyến cáo cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, tận dụng cơ hội từ EVFTA, thúc đẩy xuất khẩu tôm vào thị trường này.
EU hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 4 của Việt Nam (chiếm đến 13,3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm nước ta), sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục tăng dù vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19.
Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn
-
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ vào Australia đạt 29,89 tỷ AUD vào tháng 7/2020, tăng 7% so với tháng 6/2020 và là mức cao nhất trong 4 tháng trở lại, do nhu cầu trong nước tiếp tục phục hồi sau tác động của đại dịch COVID-19 bất chấp làn sóng dịch bệnh thứ hai ở bang Victoria.
-
Trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu các mặt hàng bông, sợi và nguyên phụ liệu cho công nghiệp dệt, may da giày tăng mạnh khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc chịu ảnh hưởng vì dịch
-
Tháng 7/2020, nhập khẩu hàng hóa vào Peru giảm 23,7% so với một năm trước xuống còn 2,713 tỷ USD, chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tư bản giảm 26,9%, hàng tiêu dùng giảm 8,9% và hàng hóa trung gian giảm 44,4%.
-
Theo số liệu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, sản xuất công nghiệp đã tăng mạnh trở lại. Sản lượng, hàng tồn kho giảm.