VITIC
Thị trường trong nước

Xu hướng tích cực của sản xuất công nghiệp năm 2023

19/01/2024 09:06

Năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao, nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao; thương mại, tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tiếp tục suy giảm; hàng rào bảo hộ, phòng vệ thương mại gia tăng… kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng sự phối hợp của các bộ, ngành và địa phương mà sản xuất công nghiệp diễn biến theo xu hướng tích cực, đặc biệt kể từ quý III/2023.


Biểu: Tốc độ tăng giá trị tăng thêm (VA) của sản xuất công nghiệp các quý và năm 2023 (%)

Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023[1], làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,45%, làm giảm 0,12 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 4,03%, làm giảm 0,15 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,36%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm

Trong quý II/2023 ngành công nghiệp mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II/2023 vẫn đạt được ở mức 0,86% so với cùng kỳ năm trước[2]. Trong đó, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,02%; ngành khai khoáng tăng 0,75%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,7%.

Từ quý III/2023 hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 4,51% so với quý III/2022[3]. Trong đó, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,59%; ngành khai khoáng giảm 5,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,12%.

Sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước[4]. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%[5], đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.

Một số ngành công nghiệp trọng điểm luôn giữ mức tăng qua các quý so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất, chế biến thực phẩm (quý I/2023 tăng 3,2%; quý II/2023 tăng 6,8%; quý III/2023 tăng 8%; quý IV/2023 tăng 9,1%; tính chung cả năm 2023 tăng 6,1%); sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (0,6%; 8,9%; 10,3%, 17%; 9,5%); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (10,9%; 3,9%; 11,6%, 25,3%; 13,2%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (3,3%; 4,1%; 15,1%, 11,9%; 8,3%). Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành chiếm quyền số cao nhất trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, tốc độ tăng của nhóm ngành này trong năm 2023 không ổn định. Trong những tháng đầu năm chỉ số sản xuất của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học luôn đạt thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt trong tháng 3 chỉ số sản xuất của ngành này giảm tới 11,4%. Kể từ tháng 8/2023 mới đạt mức tăng trưởng dương và đạt cao nhất vào tháng 12/2023 là 8%. Qua đó cho thấy những tín hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất cũng như xuất khẩu đối với các sản phẩm của ngành này, điều này góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống thu nhập cho người lao động, trực tiếp làm tăng giá trị sản xuất, gián tiếp thúc đẩy phát triển ngành liên quan, nâng cao trình độ lao động, nâng cao trình độ sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế. Tăng trưởng kim ngạch trong xuất khẩu máy tính, điện tử và linh kiện đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh cũng như thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Trong nhóm ngành khai khoáng, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên là ngành chiếm quyền số cao nhất, đây là một trong những ngành cốt lõi của sản xuất công nghiệp, ngành dầu khí cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp quan trọng khác. Tuy nhiên, trong năm 2023 ngành này chưa thực sự phát triển và được khai thác hết tiềm năng. Đặc biệt từ tháng 7/2023, chỉ số sản xuất của ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh và đến tháng 12/2023 giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do các dự án mỏ khí lớn vẫn còn chậm trễ trong các giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn này liên quan đến việc thu xếp vốn và hoàn tất đàm phán thương mại.

Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn như sau: Bắc Giang tăng 20,3%; Quảng Ninh tăng 14%: Hải Phòng tăng 13,2%; Hải Dương tăng 8,3%; Đồng Nai tăng 5,3%; Bình Dương và Thái Nguyên cùng tăng 5%; Thanh Hóa tăng 4,8%; thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi cùng tăng 4,3%; Cần Thơ tăng 3,8%; Hà Nội tăng 3%; Bà Rịa-Vũng Tàu tương đương năm trước; Vĩnh Phúc giảm 0,4%; Đà Nẵng giảm 2,5%; Bắc Ninh giảm 11,3%; Quảng Nam giảm 25,3%.

Một số sản phẩm công nghiệp năm 2023 tăng cao so với năm trước: Đường kính tăng 30,9% (quý I/2023 tăng 10%; quý II/2023 tăng 142,3%; quý III/2023 tăng 245,2% và quý IV/2023 tăng 9,7%); phân hỗn hợp NPK tăng 18,6% (các quý tăng lần lượt là 9,4%; 13,4%; 27,9%; 26,6%); thép cán tăng 12,7% (các quý tăng/giảm lần lượt là -7,4%; 7,2%; 22%; 31,1%); thuốc lá điếu tăng 10,1% (các quý tăng lần lượt là 6,3%; 8,8%; 13,2%; 11,9%); vải dệt từ sợi tự nhiên, vải dệt từ sợi nhân tạo và sữa tươi cùng tăng 7,5%; sơn hóa học tăng 7,1% (các quý tăng lần lượt là 3,5%; 7%; 14,5% và 3,4%); alumin tăng 5,6% (2,5%; 3,1%; 8,5%; 8,4%); ti vi tăng 4,8% (-1,8%; 27,5%; 8,2%; -10,6%). Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Xe máy giảm 12,6% (quý I/2023 giảm 13,4%; quý II/2023 tăng 1,7%; quý III/2023 giảm 13,9% và quý IV/2023 giảm 21,2%); ô tô giảm 12,3% (-19,6%; -19,3%; -16,4%; 6,2%); điện thoại di động giảm 9,9% (-10,8%; -24,8%; -3,7%; -0,5%); thép thanh, thép góc giảm 8,9% (-22,8%; -17,5%; -1,8%; 12,1%); khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 7,4% (-3,5%; 4,6%; -12,6%; -18,7%). Trong số các ngành công nghiệp, sản xuất thép thanh, thép góc là một trong số những ngành công nghiệp chủ lực nhưng còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi. Sản lượng thép thanh, thép góc ở cả 3 quý năm 2023 so với cùng kỳ năm trước đều giảm, các tháng đầu năm giá thép liên tục giảm do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu. Cho đến quý IV/2023 sản xuất thép thanh, thép góc mới dần phục hồi và sản lượng tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thép và giá thép có thể tăng trở lại trong các tháng tới đây khi đầu tư công được đẩy mạnh và tác động lan tỏa đối với các ngành sản xuất, nhưng đà tăng có thể khiêm tốn. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, dự báo cung cầu để tận dụng cơ hội, tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,1%). Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Dệt tăng 23,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 14,6%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 10,8%; sản xuất thuốc lá tăng 10,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 8,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 5,3%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm 2022: Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 21,9%; sản xuất máy móc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 21,1%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 12,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,9%; sản xuất thiết bị điện giảm 7,9%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 7,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 6,9%;…

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/12/2023 ước tính giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so cùng thời điểm năm trước (thời điểm 31/12/2022 tăng 13,9%). Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với mức tăng chung: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 106,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 52,3%; sản xuất xe có động cơ tăng 50,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 44%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 35,8%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 35,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 24,6%; sản xuất kim loại và sản xuất đồ uống cùng tăng 19,8%;…Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số tồn kho giảm: sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 32,8%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 24%; dệt giảm 20,1%; sản xuất trang phục giảm 15,8%; sản xuất thuốc lá giảm 13,7%; in, sao chép bản ghi các loại giảm 12,3%; sản xuất máy mọc thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 11,3%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác giảm 5,8%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 5,4%; sản xuất cao su và plastic giảm 0,5%.

Khái quát lại, sản xuất công nghiệp năm 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ vào sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương giúp cho sản xuất công nghiệp dần có những xu hướng tích cực. Trong thời gian tới, để hoạt động sản xuất công nghiệp được thúc đẩy hơn nữa thì cần phải có những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ sản xuất công nghiệp, tháo gỡ khó khăn và phát triển sản xuất.

[1] Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 8,37%; 7,40%; 3,81%; 4,14%; 8,38%; 6,05%; 3,84%; 8,88%; 8,13%; 4,48%; 5,72%; 7,29%; -0,73%.

[2] Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp quý II so với cùng kỳ năm trước các năm 2019-2023 tăng lần lượt là 8,31%; 0,13%; 9,18%; 9,32% và 1,56%.

[3] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III các năm 2011-2023 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 9,28%; 8,17%; 4,85%; 6,59%; 9,29%; 7,90%; 9,93%; 9,45%; 9,38%; 2,38%; -4,60%; 10,69%; 4,51%.

[4] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp các quý năm 2023 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: -0,73%; 0,86%; 4,51% và 6,86%.

[5] Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo các quý năm 2023 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: -0,45%; 0,46%; 5,59%; 7,97%.

 

Nguồn: Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.836.173