VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Vĩnh Phúc: Thu hút các dự án thông minh, hình thành cụm liên kết ngành điện tử công nghệ cao

16/06/2022 09:01

Cùng với việc tiếp tục đề ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm đưa Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, mới đây, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Công thương và Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tổ chức lễ khởi động chương trình hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh, mở ra cơ hội phát triển các ngành công nghiệp nói chung, cụm liên kết ngành điện tử công nghệ cao nói riêng trên địa bàn.

Nhờ những chính sách mang tính đột phá, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, trong đó ngành sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện đã và đang trở thành ngành công nghiệp chủ lực mới của tỉnh với số lượng và quy mô doanh nghiệp (DN) tăng nhanh và đóng góp ngày càng lớn về giá trị công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cũng như tạo việc làm cho nền kinh tế tỉnh.

Đến nay, ngành sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện đã thu hút được gần 200 DN đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho hơn 52.000 lao động và trở thành ngành có số lượng lao động đông đảo nhất trong các nhóm ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh.

Hiện, các DN sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện của tỉnh tập trung chủ yếu ở huyện Bình Xuyên và thành phố Vĩnh Yên, bao gồm các KCN Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II và Khai Quang.

Các DN FDI trong ngành khá đông đảo và chiếm gần 50% DN FDI toàn tỉnh, trong đó có đến 90 DN có quy mô lớn. Hầu hết các sản phẩm của các DN này đang được xuất khẩu hoặc cung ứng cho các tập đoàn điện tử lớn tại Việt Nam như Samsung, LG, Panasonic,...

Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty sản xuất máy tính, linh kiện điện tử trên thế giới phải đóng cửa, song đó lại là cơ hội để các DN trong tỉnh có thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội của người dân trong nước.

Nhiều DN chủ động vượt khó, không ngừng mở rộng quy mô SXKD như Công ty TNHH Haesung Vina, Công ty TNHH BHFlex Vina, Công ty TNHH Jahwa Vina,… Tuy nhiên, tỷ lệ DN trên địa bàn tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các DN FDI rất hạn chế; sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp...

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển một mạng lưới cụm liên kết ngành hữu hiệu sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, tăng năng lực cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề KT - XH khác.

Cùng với việc tiếp tục cải cách hành chính, tập trung hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn sau đại dịch Covid-19, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới trong các ngành công nghiệp công nghệ cao, trong tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Electronics tổ chức lễ khởi động chương trình hỗ trợ phát triển Nhà máy thông minh tại Vĩnh Phúc.

Tại buổi lễ, đại diện Cục công nghiệp (Bộ Công Thương), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH Samsung Electronics và 2 DN là Công ty TNHH DM VINA, KCN Bình Xuyên II (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử) và Công ty TNHH ACCURACY (chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí, linh kiện phụ trợ cho xe máy, ô tô và máy nông nghiệp) đã ký kết thỏa thuận hỗ trợ tư vấn phát triển nhà máy thông minh với tất cả các công đoạn sản xuất thông minh dựa trên việc mô phỏng trong không gian ảo từ khâu thiết kế, sản xuất, tự động nhận đơn hàng và tạo đơn hàng căn cứ theo tình hình thực tế.

Theo đó, từ ngày 4/5 - 31/12/2022, 2 DN này sẽ được các đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng, phát triển nhà máy thông minh, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất. Sự hợp tác này sẽ là tiền đề để tăng cường kết nối giữa các DN FDI với DN DDI trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển nhiều nhà máy thông minh tại tỉnh nói riêng, trên cả nước nói chung.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho chuyển giao công nghệ trên cơ sở hợp tác sản xuất giữa các DN FDI với DN sản xuất trong nước về công nghệ, quản lý, ứng dụng, kinh nghiệm sản xuất,…

Từ đó tạo hiệu ứng lan toả công nghệ, kỹ năng trong phát triển ngành điện tử và thiết bị điện; hình thành một cụm ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút các DN nội địa chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng các ngành có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận, trước hết là phục vụ ngành điện tử, thiết bị điện và cơ khí nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong chuỗi sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho thị trường trong và ngoài nước; tận dụng tối đa lợi thế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm cho các DN sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện...

Sở Công Thương Vĩnh Phúc/Báo Vĩnh Phúc
Link nguồn

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.134.173