VITIC
Xuất nhập khẩu

Việt Nam và Ấn Độ nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 20 tỷ USD

26/09/2024 09:43

Việt Nam và Ấn Độ là hai quốc gia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống trong nhiều thập kỷ qua, hiện nay hai nước đã nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện. Năm 2022 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ (1972 - 2022), dù trải qua nhiều biến động phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, nhưng quan hệ giữa hai nước vẫn luôn duy trì tình hữu nghị bền vững và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.


Ảnh minh họa: congthuong.vn

Thương mại được đánh giá là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ, liên tục đạt tăng trưởng đều đặn trong 25 năm qua. Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này; trong khi đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới và lớn thứ 4 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ. Với vị trí địa lý thuận lợi, Ấn Độ đang là cửa ngõ để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập và tiếp cận vào thị trường các nước Nam Á; ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng được coi là cửa ngõ để hàng hóa Ấn Độ thúc đẩy thâm nhập vào thị trường các nước ASEAN và các đối tác khác của Việt Nam. Hai nước đang nỗ lực sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt mục tiêu 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Về đầu tư, tính đến tháng 7/2024, Ấn Độ có 353 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,1 tỷ USD. Nhiều tập đoàn và công ty lớn của Ấn Độ đều đã có mặt tại Việt Nam, tham gia đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Cũng nhờ sự trao đổi và tham gia thường xuyên của các đoàn doanh nghiệp, tổ chức tại các hội chợ, triển lãm thương mại mà hoạt động hợp tác kinh doanh giữa hai nước đã được hỗ trợ rất nhiều. 

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 17)
ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam -  Ấn Độ đạt 14,36 tỷ USD, giảm nhẹ 4,68% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,50 tỷ USD, tăng 6,74% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 5,86 tỷ USD, giảm đáng kể 17,47%.

Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam –  Ấn Độ có nhiều biến động do những ảnh hưởng từ đại dịch Covid 19 và tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ năm 2020, kim ngạch thương mại hai chiều giảm đáng kể so với các năm trước đó, chỉ đạt 9,67 tỷ USD, giảm 13,66% so với năm 2019; đến năm 2021, kim ngạch bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu phục hồi. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ấn Độ gồm máy tính và hàng điện tử, điện thoại di động và phụ kiện; máy móc và thiết bị, thép và kim loại khác, hóa chất, giày dép, hàng may mặc, cao su, sản phẩm gỗ ... Ngược lại, Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như dệt may, da giày; dược phẩm; linh kiện, phụ tùng; thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc; khoáng sản…

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Ấn Độ trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD


Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo số liệu từ Trading Economics, nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 6,7% so với năm trước trong quý II/2024, chậm lại so với mức tăng 7,8% trong quý I và không đạt kỳ vọng của thị trường về tốc độ tăng trưởng 6,9%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Ấn Độ trong tháng 8/2024 tăng lên 3,65%, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2019 và cao hơn dự báo là 3,55%.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn, suy thoái thì nền kinh tế Ấn Độ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng bứt phá, đạt 7,3% vào năm 2023. Trong những năm qua, để hiện thức hóa giấc mơ “Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới”, nước này đã chú trọng thu hút đầu tư FDI, đẩy mạnh đầu tư cho nền sản xuất máy móc, dây chuyền sản xuất và cơ sở hạ tầng trong nước.

Năm 2014, Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 10 trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2027, nền kinh tế Ấn Độ có khả năng vượt qua Đức để vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, đặc biệt là sau khi Ấn Độ đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường ô-tô nội địa lớn thứ 3, sau hai thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Với hơn hai phần ba dân số trong độ tuổi lao động, nền kinh tế Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ và sản xuất nhiều hàng hóa hơn.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang  Ấn Độ trong giai đoạn 2013 – 2023


Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2013 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 2,35 tỷ USD, trong khi đó năm 2023 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 8,50 tỷ USD, tăng 6,74% so với năm 2022 và tăng rất mạnh 260,97% so với 10 năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 17,62%. Cả Việt Nam và Ấn Độ đều là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và đã có nhiều nỗ lực lớn để vượt qua và phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19. Cơ cấu ngành hàng của hai nước có sự bổ sung lẫn nhau cũng là một lợi thế giúp quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Ấn Độ phát triển nhanh chóng và tích cực trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc di chuyển giữa hai nước hết sức thuận lợi với các đường bay thẳng giữa các thành phố lớn, điều này đã tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau.

Trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 883,11 triệu USD, giảm 11,43% so với tháng trước đó nhưng tăng 15,22% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng so với 8 tháng đầu năm 2023 là 15,23%, đạt 6,26 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 20,82%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (chiếm tỷ trọng 17,21%) và Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 9,52%).
 
Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản chất lượng cao sang Ấn Độ như hoa quả chế biến; trái cây tươi (quả thanh long); chè; cà phê; gia vị; ngũ cốc và các loại hạt, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc; cá tra/ba sa… Đây là những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh, đồng thời cũng là những sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân Ấn Độ.
Về công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ có thể tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như: Điện tử, bán dẫn, công nghệ thông tin; luyện kim; vật liệu xây dựng; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến thực phẩm; dược phẩm. Đây đều là những ngành mà Ấn Độ có kinh nghiệm và thế mạnh phát triển, đồng thời Việt Nam có nhu cầu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Ấn Độ trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 8/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ  Ấn Độ đạt 489,47 triệu USD, giảm nhẹ 1,30% so với tháng trước đó nhưng tăng 10,26% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm là 7,03% so với 8 tháng đầu năm 2023, đạt 3,79 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 10,02%); Kim loại thường khác (chiếm tỷ trọng 7,42%) và Linh kiện, phụ tùng ô tô (chiếm tỷ trọng 6,71%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Ấn Độ trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong năm 2024, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Ấn Độ luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:

Tháng 4/2024, Tham tán, Trưởng văn phòng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng đã có buổi làm việc với Cơ quan phát triển sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến (APEDA), nhằm thúc đẩy hợp tác nông sản, chế biến thực phẩm giữa Việt Nam - Ấn Độ.

  • Tại buổi làm việc, ông Bùi Trung Thướng khẳng định quan hệ hợp tác đầu tư thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ cũng ngày càng được củng cố trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam - Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, thị trường của hai nước có sự bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có nhiều nông sản tươi như thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ; trong khi các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc;

  • Ông Bùi Trung Thướng đánh giá cao vai trò của APEDA và các hoạt động xúc tiến thương mại do APEDA tổ chức nhằm kết nối các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản Ấn Độ và Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng cũng chia sẻ với APEDA về các hội chợ triển lãm có quy mô lớn, uy tín của Việt Nam sắp diễn ra như Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa Quốc tế (Viet Nam International Sourcing 2024), Lễ hội Sâm và Hương liệu dược liệu quốc tế TP. Hồ Chí Minh 2024 và Hội nghị và Triển lãm xuất khẩu xanh năm 2024 (Ho Chi Minh Export Forum and Trade Fair 2024);

  • Ông Bùi Trung Thướng đề nghị APEDA tổ chức các đoàn doanh nghiệp Ấn Độ vào Việt Nam để kết nối với doanh nghiệp, tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam và mong muốn APEDA chia sẻ về các hội chợ, triển lãm uy tín tại Ấn Độ, hỗ trợ các đoàn doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu thị trường Ấn Độ. Bên cạnh đó, cũng đề xuất EPEDA cần có ý kiến với Chính phủ Ấn Độ sớm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hạn chế sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong tương lai, tạo điều kiện cho thương mại song phương, nhất là trong lĩnh vực nông sản và chế biến thực phẩm; và đề nghị EPEDA hỗ trợ xác nhận tư cách pháp nhân đối tác Ấn Độ và đảm bảo quyền và lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp thương mại với các công ty Ấn Độ.

Tháng 8/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh, sự kiện quan trọng mang tên "Kết nối doanh nghiệp và đầu tư Việt Nam - Ấn Độ" đã diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Xin chào Việt Nam 2024 (Namaste Vietnam Festival 2024) dưới sự tổ chức của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ. Sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ, mà còn tạo ra những cơ hội hợp tác chiến lược cho cộng đồng doanh nghiệp của cả hai quốc gia. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng và tiềm năng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Sự kiện thu hút sự tham gia của các lãnh đạo cao cấp như ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh; ông Ravi Bhagat - Thư ký đặc biệt cho Bộ trưởng, Chính quyền bang Punjab, Ấn Độ, ông Devinder Pal Singh Kharbanda - Giám đốc Cơ quan xúc tiến đầu tư bang Punjab, Ấn Độ, Bà Shwetima Negi - Đại diện Invest India; ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thành phố Hồ Chí Minh; và ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cùng với đại diện chính quyền bang Punjab, Ấn Độ. Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực như nông sản, thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, và công nghệ thông tin cũng tham dự. Tại đây, các bên đã cùng nhau chia sẻ những thông tin quan trọng về môi trường kinh doanh và chính sách phát triển, các ý kiến đóng góp tạo ra nền tảng vững chắc cho sự hợp tác thương mại trong tương lai.

Tháng 9/2024, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức buổi Webinar trực tuyến với chủ đề "Tìm hiểu về Triển lãm Thương mại Quốc tế UP (UPITS) 2024" nhằm giới thiệu về triển lãm diễn ra từ ngày 25-29/9/2024 tại Bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 40 đại biểu từ các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại, các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Thương vụ nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc tham gia triển lãm trong chiến lược dài hạn của Việt Nam nhằm tăng cường sự hiện diện tại thị trường Ấn Độ, nơi có dân số 1,4 tỷ người và nhu cầu tiêu dùng đa dạng, phong phú. Ấn Độ đã và đang trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 15 tỷ USD. Trong khuôn khổ triển lãm, Thương vụ sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước và tại Ấn Độ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ trực tiếp và thảo luận các cơ hội hợp tác. Các doanh nghiệp tham gia sự kiện cũng sẽ có cơ hội tham dự các buổi giao thương, kết nối, gặp gỡ doanh nghiệp toàn cầu do Ban tổ chức UPITS sắp xếp, giúp tiếp cận thị trường Ấn Độ một cách sâu rộng hơn.

Thông tin chi tiết xem tại đây;



 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.835.717