VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể chỉ đạt được mức 1%,

28/03/2020 10:47
NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO
 
I. Kinh tế thế giới
Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức coi đợt bùng phát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) là đại dịch toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại nhiều khu vực và sự biến động mạnh của giá dầu trước kế hoạch tăng sản lượng của các nguồn cung dầu chủ chốt, trong tuần qua nhiều tổ chức tài chính tiếp tục điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 có thể chỉ đạt được mức 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,6% năm 2019 và là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009. Trong đó, IIF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ 2% xuống 1,3% và Trung Quốc từ 5,9% xuống 4%. Ngoài ra, IIF cũng cho biết, tỷ lệ nợ toàn cầu trên GDP trong quý III/2019 đã đạt mức cao kỷ lục, trên 322%, tương đương gần 253.000 tỷ USD. Nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan, bất kỳ nguy cơ đổ vỡ nào trong hệ thống tài chính đều có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng nợ mới.

Báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cũng cảnh báo, ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ bị thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD và giảm tốc xuống dưới 2% trong năm 2020 trước hàng loạt rủi ro đang hiện hữu.

Để hỗ trợ nền kinh tế, chính phủ và các ngân hàng trung ương buộc phải áp dụng hàng loạt chính sách nới lỏng như duy trì tỷ lệ lãi suất thấp hoặc đưa ra các gói kích cầu. Riêng trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giảm lãi suất cơ bản từ mức 0,75% xuống 0,25%/năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Trong khi đó, Nhật Bản tiếp tục thông qua gói cứu trợ khẩn cấp thứ hai có tổng trị giá lên tới 1.000 tỷ Yên (9,6 tỷ USD) để đối phó với dịch Covid-19, bao gồm 500 tỷ Yên để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của dịch Covid-19 và 430,8 tỷ Yên trong ngân sách của tài khóa 2019. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói cứu trợ khẩn cấp đầu tiên có tổng trị giá 500 tỷ Yên nhằm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các ngành du lịch và những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Australia cũng đã công bố gói hỗ trợ y tế trị giá 2,4 tỷ đôla Australia - AUD (tương đương gần 1,56 tỷ USD), đồng thời Chính phủ nước này cho biết sẽ sớm thông báo gói kích thích kinh tế bổ sung.

Riêng tại Mỹ, nền kinh tế hàng đầu thế giới đã chứng kiến đà tăng trưởng vững chắc trước khi Covid-19 lan rộng. Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 2/2020, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở mức 3,5%, giảm so với mức 3,6% trong tháng trước và đánh dấu mức thấp nhất của tỷ lệ này trong 50 năm gần đây.  Bên cạnh đó, tiêu dùng ổn định và thu nhập hộ gia đình cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá.  Tuy nhiên, kể từ giữa tháng 2/2020, Covid-19 đã bùng phát và lan rộng tại nước này. Trước diễn biến phức tạp của dịch, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cấm du khách từ châu Âu, ngoại trừ Anh, trong một tháng, bắt đầu từ 13/3, sau khi nước này đã có tới 1.188 ca mắc Covid-19 và 36 ca tử vong. Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ ngày 11/3 cho thấy, chỉ số CPI trong tháng 2/2020 chỉ tăng 0,1% do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại giảm mạnh. Chỉ số CPI là yếu tố đầu tiên phản ánh các tác động của Covid-19 tại Mỹ, theo đó giá năng lượng nói chung giảm 2%, trong đó giá xăng giảm 3,4% và giá dầu giảm 8,5%. Nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ thảo luận với Quốc hội Mỹ về kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế dưới tác động của Covid-19, như giảm thuế thu nhập và hỗ trợ người nhận lương theo giờ... Trong tuần trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng giảm lãi suất khẩn cấp và được kỳ vọng sẽ tiếp tục hạ lãi suất hơn nữa vào cuối tháng này.

II. Kinh tế trong nước
Diễn biến mới của dịch Covid-19 tại trong và ngoài nước tiếp tục tác động nghiêm trọng trên nhiều phương diện đến các lĩnh vực kinh tế Việt Nam, với những tác động chính vào tốc độ tăng trưởng, đầu tư và thương mại, đặc biệt làm gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng và hoạt động tiêu dùng giảm mạnh, thị trường hàng hóa bị ngưng trệ. Trong bối cảnh này, quy mô hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp rất khó có thể mở rộng, thậm chí bị thu hẹp, nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất giảm nên tăng trưởng tín dụng theo đó cũng giảm theo. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất cùng kỳ trong 6 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, Bộ Tài chính được giao khẩn trương trình Chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí; đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo có biện pháp bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ; đồng thời có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu dù chịu tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 song vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng khá. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong tháng 2/2020 đạt 20,85 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt 39,08 tỷ USD, tăng 8,4% (tương đương hơn 3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ghi nhận sự tăng trưởng 2 con số ở 3 mặt hàng chủ lực là điện thoại các loại và linh kiện (tăng 12,2%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 27,4%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (tăng 25,3%). Về phía nhập khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2020, cả nước nhập khẩu lượng hàng hóa đạt kim ngạch 37,26 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Cán cân thương mại trong 2 tháng qua thặng dư tới 1,8 tỷ USD.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh diễn biến tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu lan rộng, tính tới trung tuần tháng 3/2020 đã xuất hiện tại 108 quốc gia, vùng lãnh thổ, đặc biệt là tại Hàn Quốc và Nhật Bản - những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Do đó, những tác động của Covid-19 không chỉ khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại của Việt Nam với các thị trường khác. Nếu dịch bệnh kéo dài có thể tác động tiêu cực tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của cả năm 2020.

 
Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK


 
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.205.140