VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Trung tâm TTCN và TM giới thiệu Bản tin Đặc biệt Số 2 tháng 5/2019

10/06/2019 11:16

THÔNG TIN KINH TẾ VĨ MÔ VÀ THƯƠNG MẠI


KINH TẾ TRONG NƯỚC
Trong những tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam mặc dù đã đạt được một số khởi đầu thuận lợi và ghi nhận triển vọng tích cực ở một số lĩnh vực cơ bản, tuy nhiên nhìn chung, kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Lạm phát mặc dù đang ở dưới mục tiêu 4% trong năm 2019, tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát. Đó là dư địa của tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm còn lớn cộng với sức ép bởi việc tăng giá theo lộ trình của các mặt hàng thiết yếu mà Nhà nước đang quản lý như điện, xăng dầu, y tế hay giáo dục.  Trong khi đó, giá dịch vụ công năm 2019 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016-2020, giá thực phẩm có khả năng tăng mạnh hơn do nguồn cung giảm khi ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…

Đối với lĩnh vực ngân hàng, quy mô và tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đều có dấu hiệu tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2019. Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 3/2019, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống là 2,02%, tăng so với mức 1,89% trong cuối năm 2018 và 1,99% cuối năm 2017, tuy nhiên đã có sự cải thiện nếu so với 2,46% cuối năm 2016.

Trong lĩnh vực thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2019 đạt gần 158 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 4 tháng qua đạt 79,24 tỷ USD, tăng 6,5% (tương ứng tăng 4,82 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 19,1% trong 4 tháng đầu năm 2018. Thặng dư thương mại trong 4 tháng đầu năm nay cũng chỉ đạt 752 triệu USD, chênh lệch lớn nếu so với mức thặng dư 3,7 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng giảm tốc của hoạt động xuất khẩu là do thương mại toàn cầu suy yếu, số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng với những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng,

tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa, trong khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực kém khả quan trong bối cảnh cung vượt cầu, cộng với những thay đổi về chính sách nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.

Với kết quả này, để đạt được mức tăng trưởng 7%-8% theo chỉ tiêu Quốc hội giao (tương đương kim ngạch xuất khẩu đạt 263 tỷ USD) trong năm 2019, trong 8 tháng cuối năm 2019, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt gần 23 tỷ USD, cao hơn 16% so với mức bình quân trong 4 tháng đầu năm 2019. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng nếu đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung Quốc đang có xu hướng liên tục leo thang.

Trong những tháng tiếp theo, với sự hỗ trợ từ xu hướng ổn định của kinh tế vĩ mô, sự cải thiện của môi trường kinh doanh, khả năng xuất khẩu điện thoại và linh kiện sớm lấy lại đà tăng trưởng và nhiều ngành hàng có lợi thế so sánh như dệt may, đồ gỗ, thủy sản... sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, cộng với khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong năm nay, dự kiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong cả năm 2019 vẫn sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.

KINH TẾ THẾ GIỚI
Trong hai tuần qua, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trở lại và tiếp tục là yếu tố rủi ro hàng đầu của kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, từ ngày 10/5/2019, Mỹ đã chính thức áp mức thuế quan tăng từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, đồng thời ngày 13/5 đã công bố danh sách hàng hóa với tổng trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc sẽ tiếp tục bị áp thuế 25%.  Nếu Mỹ chính thức áp thuế lên danh sách này, thì hầu như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thuế ở mức cao. Đáp trả động thái này của Mỹ, phía Trung Quốc tuyên bố sẽ điều chỉnh tăng thuế từ 10% lên tối đa 25% với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6/2019.

Trong báo cáo được công bố vào ngày 21/5, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã cắt giảm dự báo của kinh tế thế giới, kêu gọi chính phủ các nước giải quyết các tranh chấp thương mại trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ liên tục leo thang có nguy cơ tác động mạnh vào tăng trưởng toàn cầu. Theo đó, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,3% xuống 3,2% trong năm nay và kêu gọi các chính phủ phải hành động khẩn cấp để tái tạo sự tăng trưởng mang lại lợi ích chung cho kinh tế toàn cầu. Đồng thời, OECD khẳng định cần phải giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua tăng cường hợp tác quốc tế và sửa chữa hệ thống các quy tắc quốc tế, gia tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số và các kỹ năng để đáp ứng các thách thức của tương lai. Ngoài ra, OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng lên 3,4% trong năm 2020. Trong đó, kinh tế Mỹ được dự báo tăng OECD dự báo tăng trưởng 2,8% trong năm 2019 và giảm xuống 2,3% trong năm 2020. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 6,2% trong năm 2019 và 6,0% trong năm tiếp theo. Trong khi triển vọng tăng trưởng của khu vực Eurozone không thay đổi ở mức 1,2% trong năm nay.

Trong khi đó, những số liệu vĩ mô mới nhất cho thấy diễn biến kém khả quan trong lĩnh vực sản xuất và thương mại của kinh tế Mỹ và Trung Quốc, phần nào cho thấy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chịu những ảnh hưởng của xung đột thương mại.

Tại Trung Quốc, sản lượng công nghiệp, doanh thu bán lẻ và đầu tư ở Trung Quốc trong tháng 4 đều giảm tốc mạnh hơn dự báo. Theo đó, sản lượng công nghiệp trong tháng 4/2019 tăng 5,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,5% cùng kỳ năm trước. Tổng doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 4/2019 cũng chỉ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, thấp hơn so với mức tăng 8,7% trong tháng 3/2019 và đánh dấu mức tăng trưởng chậm nhất của chỉ số này kể từ năm 2003 đến nay. Với diễn biến này, nhiều khả năng chính quyền Trung Quốc sẽ thực hiện một đợt kích thích tăng trưởng mới, khinước này đang rút lại các biện pháp hỗ trợ trong những tuần gần đây trong bối cảnh nền kinh tế có một số dấu hiệu phục hồi trong quý I/2019.

Tại Mỹ, trong lĩnh vực sản xuất, sản lượng công nghiệp trong tháng 4/2019 giảm 0,5% so với tháng trước sau khi tăng 0,2% trong tháng 3/2019 do sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô tiếp tục suy yếu. Trong lĩnh vực tiêu dùng, doanh số bán lẻ trong tháng 4/2019 giảm 0,2% so với tháng trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,7% trong tháng 3/2019 và chênh lệch đáng kể so với mức dự báo tăng 0,2% trước đó, ghi nhận tháng giảm thứ 2 trong 3 tháng gần đây. Trước đó, trong quý I/2019, chi tiêu tiêu dùng cũng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng thấp nhất trong 1 năm qua. Tuy nhiên, chỉ số niềm tin tiêu dùng Mỹ trong tháng 5/2019 vẫn tăng mạnh lên 102,4 điểm, cao hơn nhiều so với mức 97,2 điểm trong tháng trước và mức dự báo 97,5 điểm, đánh dấu mức cao nhất của chỉ số này trong 15 năm qua. Ngoài ra, lượng nhà mới xây của Mỹ trong tháng 4/2019 đạt mức 1,235 triệu căn, tăng 5,7% so với tháng trước và cao hơn so với mức dự báo 1,205 triệu căn. Trên thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 11/5/2019 đã giảm từ 228 nghìn đơn xuống 212 nghìn đơn, thấp hơn so với mức dự báo 220 nghìn đơn. Diễn biến này cho thấy mặc dù bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại nhưng nhìn chung “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn được duy trì ổn định.

Tại Nhật Bản, số liệu công bố ngày 20/5/2019 từ Văn phòng nội các Nhật Bản cho thấy,  kinh tế của nước này trong quý I/2019 tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng trưởng 0,5% so với quý IV/2018, đánh dấu quý tăng trưởng thứ 2 liên tiếp của kinh tế Nhật Bản. Đóng vai trò quan trọng trong mức tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản trong quý I là nhờ sự gia tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực nhà ở và đầu tư công. Mặc dù đã đạt được những kết quả tăng trưởng tích cực trong quý I, kinh tế Nhật Bản vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Trong đó, xuất khẩu của Nhật Bản trong quý I/2019 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do kinh tế nhiều nước có quan hệ thương mại với Nhật Bản đều giảm tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là nền kinh tế Trung Quốc. Nhập khẩu của Nhật Bản cũng giảm tới 4,6%, thể hiện nhu cầu trong nước yếu. Ngoài ra, kinh tế Nhật Bản có thể sẽ gặp nhiều
khó khăn trong tăng trưởng khi Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ từ mức 8% lên 10% vào tháng 10/2019 - yếu tố có thể làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và gây tổn hại đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

 

Chi tiết Bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)
 

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây;

 
Phòng TTXNK


 
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.197.243