VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm việc với Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam tìm hướng giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hương nhang sang thị trường Ấn Độ

08/10/2019 12:07
Tiếp tục công tác hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng giải quyết khó khăn do việc Ấn Độ hạn chế nhập khẩu mặt hàng hương nhang, sáng ngày 07/10/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã làm việc với ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam.

Ngày 31/8/2019 vừa qua, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ra Thông báo số 15/2015-2020 điều chỉnh chính sách nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm (mã HS 33074100 và 33074900) từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Theo chính sách điều chỉnh, để có thể nhập khẩu vào Ấn Độ, các doanh nghiệp nhập khẩu hương nhang và các chế phẩm khác phải xin giấy phép nhập khẩu và một Ủy ban liên Bộ sẽ xem xét việc cấp phép cho từng lô hàng. Thông báo có hiệu lực ngay ngày 31/8/2019 nhưng không kèm theo thông tin nào về các tiêu chí, điều kiện cấp phép.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nhập khẩu hương nhang tại Ấn Độ, cho đến nay, chưa có bất kỳ giấy phép nhập khẩu nào được cấp cho mặt hàng hương nhang. Mặc dù rất nhiều cuộc tiếp xúc, đề nghị từ phía các doanh nghiệp, các nhà nhập khẩu nhưng Bộ Công Thương Ấn Độ vẫn chưa có thông tin và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp có thể xin giấy phép nhập khẩu.

Trước biện pháp chính sách đột ngột, không thông báo trước của phía Ấn Độ và những tác động nghiêm trọng đối với ngành sản xuất và xuất khẩu hương nhang của Việt Nam, Bộ Công Thương và cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đã liên tiếp vào cuộc, làm việc với cơ quan chức năng các cấp của phía Ấn Độ nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã gửi công thư cho Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ đề nghị các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Đại sứ và Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã tiếp xúc và làm việc với nhiều cấp tại các cơ quan chức năng liên quan của Ấn Độ; Vụ Thị trường châu Á – châu Phi đã làm việc và đề nghị Đại sứ quán phối hợp, hỗ trợ trao đổi với các cơ quan liên quan phía Ấn Độ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Tiếp đó, sáng ngày 07/10/2019, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã làm việc với ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam để tiếp tục thúc đẩy giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hương nhang của Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giải thích với Đại sứ Ấn Độ về tính chất đặc thù của sản phẩm hương nhang sản xuất cho thị trường Ấn Độ và những thiệt hại nghiêm trọng do biện pháp chính sách của Ấn Độ gây ra. Theo đó, ngành sản xuất và xuất khẩu hương nhang của Việt Nam do không thể chuyển đổi sản xuất hương nhang cho thị trường khác, không thể tận dụng nguồn nguyên liệu, máy móc; đe dọa sự tồn tại của hơn 100 doanh nghiệp sản xuất hương nhang xuất khẩu và cuộc sống của hơn 2,5 vạn lao động. Theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp, căn cứ các hợp đồng đã ký trước 31/8/2019, có hơn 300 công hàng của các doanh nghiệp Việt Nam đang dưới dạng hàng tồn kho, một số công hàng hương nhang của Việt Nam đang mắc tại cảng của Ấn Độ.

Thông báo 15/2015-2020 do Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành đột ngột, có hiệu lực ngay, vi phạm nghĩa vụ thông báo trong WTO. Ngoài ra, bất cứ biện pháp chính sách nào cũng phải đảm bảo tính minh bạch, đặc biệt là nghĩa vụ công bố thông tin. Trường hợp Thông báo 15/2015-2020 được ban hành mà không có hướng dẫn cụ thể về cấp phép nhập khẩu khiến cho việc hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ giống như việc cấm nhập khẩu đối với mặt hàng hương nhang.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nói chung và thương mại nói riêng với phía Ấn Độ trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã có giữa hai nước. Các biện pháp chính sách cần dựa trên các thông lệ chung của các khuôn khổ hợp tác đa phương mà hai nước cùng là thành viên như WTO, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN Ấn Độ, cơ chế Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ; hạn chế tối đa việc áp dụng các rào cản thương mại, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hai nước, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là người nghèo, người tàn tật.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Đại sứ Ấn Độ dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề này, phối hợp cùng tìm cách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân Việt Nam, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà nhập khẩu của Ấn Độ. Theo đó, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đề nghị Đại sứ Ấn Độ trao đổi với các cơ quan liên quan của phía Ấn Độ và sớm có phản hồi đối với các đề xuất của Việt Nam:

- Thứ nhất, tạo điều kiện cho các công hàng đã đến cảng tại Ấn Độ được thông quan do hiện tại không thể đưa các công hàng này về Việt Nam, trong khi chi phí lưu kho tại Ấn Độ rất tốn kém, khiến các doanh nghiệp càng thiệt hại nặng nề.

- Thứ hai, cho phép thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày 31/8/2019 (với số lượng hàng hóa khoảng 300 công hàng) do các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đã tiến hành sản xuất theo hợp đồng, hiện đang lưu kho tất cả số hương nhang này và không thể tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu đi bất kỳ nước nào khác do tính đặc thù của mặt hàng hương nhang xuất khẩu sang Ấn Độ như đã nói ở trên.

- Thứ ba, cân nhắc việc gỡ bỏ biện pháp chính sách này của Ấn Độ để không tiếp tục vi phạm các quy định của WTO cũng như tuân thủ đúng tinh thần của Hiệp đinh Thương mại hàng hóa ASEAN Ấn Độ.

Phản hồi đề xuất của Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam rất chia sẻ về những tác động nghiêm trọng do biện pháp chính sách của phía Ấn Độ gây ra đối với doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hương nhang. Đại sứ cho biết từ những buổi làm việc trước với phía Bộ Công Thương, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội đã liên hệ với các cơ quan để chuyển các đề nghị của phía Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ sẽ báo cáo trực tiếp Chính phủ Ấn Độ về những nội dung của buổi việc với Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và cho biết sẽ sớm có hướng giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ phản hồi đối với 03 đề xuất mà Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nêu ra.

Vụ Thị trường châu Á – châu Phi/Bộ Công Thương
Tin cũ hơn
  • 80% mặt hàng thép "đụng" phòng vệ thương mại
    Việc nhiều nước trên thế giới đang áp dụng các biện pháp bảo hộ sản xuất thép là thách thức đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp thép Việt phải liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh, trụ vững trên trường quốc tế và ngay tại "sân nhà".
  • Tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giầy
    Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề xuất tổ chức Hội nghị toàn quốc các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành dệt may, da giầy Việt Nam và tình hình xây dựng Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giầy Việt Nam đến năm 2030.
  • Dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 từ 3,3 – 3,5%
    Qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 – 3,5%.
  • Khóa họp thứ 16 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani về hợp tác kinh tế
    Ngày 04 tháng 10 năm 2019 tại Bucharest, thủ đô của Rumani đã diễn ra Khóa họp lần thứ 16 của Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Rumani về hợp tác kinh tế (UBHH), dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Việt Nam
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.194.614