VITIC
Thị trường trong nước

Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ

25/09/2023 08:06

Thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu.

Tỷ lệ nội địa hóa của các ngành sản xuất đang được cải thiện

Chia sẻ tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/9, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 doanh nghiệp và các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa,… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Hiện nay các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của của mình thông qua đào tạo cho đội ngũ quản lý cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất để cải tiến quá trình sản xuất.

Theo số liệu, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện chúng ta có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

“Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn”- ông Phạm Tuấn Anh cho hay.

Tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ

Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng. Ngoài ra nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ. Mặc dù trong thời gian vừa qua các Bộ, ngành, địa phương cũng đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia.

Chia sẻ thêm về khó khăn của công nghiệp hỗ trợ hiện nay, ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Công ty Cổ phần Hanel Xốp Nhựa (Hanel Plastics) bày tỏ, trong ba năm gần đây đã có những khó khăn hiện hữu như dịch chuyển chuỗi cung ứng, trong khi đó cạnh tranh thế giới rất là lớn. Đó là dịch chuyển chuỗi cung ứng, cạnh tranh thế giới rất là lớn, như đối với Samsung hút bụi, Samsung điện tử đã cung cấp sản phẩm được khoảng 5 năm, sau đó họ chuyển nhà máy từ Quế Võ (Bắc Ninh) vào trong miền Nam thì Hanel Plastics cũng không thể đi theo được vì công ty quy mô bé. Hay Samsung Display trước đó đầu tư khá lớn (khoảng 4 tỷ USD) ở Yên Phong và Quế Võ (Bắc Ninh), chúng tôi cũng cung cấp được khá tốt cho họ, nhưng vừa rồi họ đã dừng.

Đây là những biến động của chuỗi cung ứng. Họ có thể đầu tư vào, có thể di chuyển, nhưng doanh nghiệp nội địa thì vẫn phải tiếp tục “chiến đấu”- ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.

Mặc dù có những khó khăn, song theo ông Nguyễn Quốc Cường, trong thời gian tới, Nhà nước, Bộ Công Thương thúc đẩy thu hút đầu tư nhiều, sẽ có sự chuyển dịch. Doanh nghiệp vẫn có nhiều cơ hội, như các hiệp hội giới thiệu rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối với những tập đoàn như Boeing hay Airbus.

Quan trọng nhất là phải có sự liên kết trong nước, ở đây vai trò của Hiệp hội, Bộ Công Thương rất là quan trọng”- ông Cường cho hay.

Thực tế, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao được  năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau. Ông Phạm Tuấn Anh thông tin, riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài xúc tiến đầu tư, chúng tôi sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

“Trong chương trình đầu tư công giai đoạn 2021-2024, Bộ Công Thương cũng được giao nguồn vốn để xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại hai đầu của đất nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi xác định đây là 2 công trình rất quan trọng, như cánh tay nối dài của Bộ Công Thương trong hỗ trợ các doanh nghiệp”- ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh,

Thông tin thêm về Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Nghị định số 111 được ban hành từ năm 2015, đến nay đã 8 năm. Với những biến động mới trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ trong bối cảnh hiện nay thì chắc chắn là cần thiết phải sửa đổi Nghị định 111, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao sửa đổi Nghị định này từ năm 2020, tuy nhiên trong quá trình sửa đổi cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Bộ Công Thương vẫn kiên quyết và kiên trì sửa đổi, thuyết phục các cơ quan có liên quan để sớm trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

“Điểm mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 111, đó là việc cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã bổ sung rất nhiều các sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay, hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp”- ông Phạm Tuấn Anh thông tin.

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.200.362