VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí phát triển

31/08/2022 10:44

Hiện nay, Việt Nam có trên 500 doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7000 doanh nghiệp cơ khí của cả nước. Thị trường chính của các doanh nghiệp trong ngành là các lĩnh vực sản xuất xe máy, máy móc công- nông nghiệp, ô tô.

Linh kiện kim loại sản xuất trong nước hiện đã đáp ứng được 85-90% nhu cầu cho sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành CNCNC hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho ngành xe máy được đánh giá là tương đối phát triển với năng lực cung ứng đạt mức cao. Do dung lượng thị trường lớn, các doanh nghiệp lắp ráp FDI tại Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà cung ứng FDI đầu tư theo và xây dựng được quan hệ hợp tác với các nhà cung ứng trong nước. Tương tự ngành xe máy, công nghiệp sản xuất linh kiện kim loại cho máy móc nông nghiệp, máy động lực và máy xây dựng tương đối phát triển ở Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa khá cao.

Công nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí cho ngành ô tô, thiết bị đồng bộ và công nghiệp công nghệ cao hiện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường của các sản phẩm này là các ngành hạ nguồn nêu trên chưa phát triển đủ mạnh để tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển CNHT.

Đáng chú ý, cơ khí chế tạo trong nước hiện nay cũng đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ôtô con, xe tải, xe khách; sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong đó, phải kể đến một số doanh nghiệp điển hình trong lĩnh vực ô tô như: Vinfast, Thành Công, Thaco. Ngoài ra, điểm sáng trong ngành cơ khí có thể kể đến là ngành chế tạo thiết bị điện, với việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV- 250MVA, vận hành an toàn tại trạm 220kV (Thái Nguyên) đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện, đóng góp thiết thực có hiệu quả vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, làm đối trọng để các hãng nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20%-30% khi đấu thầu tại Việt Nam, góp phần làm giảm nhập siêu cho đất nước.


Ảnh: Minh họa

Có thể nói, thời gian qua, ngành cơ khí đã từng bước làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, và nâng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm trước đây phải nhập hoàn toàn đã từng bước được thay thế bằng sản phẩm do chính ngành cơ khí trong nước chế tạo. Điều này được thể hiện ở việc, các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã làm được công nghệ, sản xuất được các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy điện; dây chuyền thiết bị đồng bộ cho các nhà máy công nghiệp.

Theo các doanh nghiệp cơ khí điện, trong bối cảnh khó khăn, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn vừa là thách thức đối nhưng cũng lại mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước trong việc tăng thị phần nội địa. Từ thực tế phát triển này của thị trường, các doanh nghiệp trong ngành cũng đã liên kết lại để hình thành chuỗi cung ứng máy móc Việt Nam với triển vọng phát triển thị trường rất lớn. Có thể kể đến như dự án liên kết phát triển cung ứng máy xuất khẩu khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ y tế với nhu cầu cung ứng lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Điểm đáng lưu ý là để giúp nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ đã nỗ lực cùng nhau thông qua việc chia sẻ đơn hàng, giảm giá gia công lẫn sản phẩm... Chính vì thế, giai đoạn vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước đã vươn lên khẳng định vị trí của mình. Không ít doanh nghiệp để thể hiện rõ năng lực tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI). Qua đó, hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm cơ khí.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển sản xuất các loại linh kiện cơ khí ở Việt Nam là hạn chế về nguồn cung ứng vật liệu sản xuất, đặc biệt là thép chế tạo là một cản trở lớn. Các hãng sản xuất sản phẩm cơ khí cuối cùng cũng như doanh nghiệp CNHT vẫn phải nhập khẩu thép chế tạo phục vụ nhu cầu sản xuất linh kiện, thiết bị. Bên cạnh đó, thị trường các sản phẩm hạ nguồn chính (ô tô, thiết bị đồng bộ, công nghiệp công nghệ cao) còn kém phát triển cũng đã hạn chế khả năng phát triển của lĩnh vực này.

Để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện cơ khí phát triển, trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo đồng thời lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn đi kèm với khuyến khích phát triển CNHT cho những lĩnh vực đó.


 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.202.156