VITIC
Nước ngoài

Quy định với cá ngừ nhập khẩu vào Bắc Âu

28/06/2022 16:48

Vì cá ngừ tươi được đánh bắt tự nhiên, người mua châu Âu nói chung cũng như Bắc Âu nói riêng yêu cầu các sản phẩm cá ngừ tươi xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được kiểm soát (IUU). Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổng hợp những quy định với cá ngừ nhập khẩu vào Bắc Âu để doanh nghiệp tham khảo.


Yêu cầu bắt buộc

 Chống đánh bắt bất hợp pháp
 
Vì cá ngừ tươi được đánh bắt tự nhiên, người mua châu Âu nói chung cũng như Bắc Âu nói riêng yêu cầu các sản phẩm cá ngừ tươi xuất khẩu không được đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo hoặc không được kiểm soát (IUU). Điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu phải đảm bảo rằng sản phẩm của họ không bị đánh bắt bất hợp pháp và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với cá ngừ tươi. Vì cá ngừ tươi được coi là một sản phẩm tinh tế, cần được bảo quản và giao hàng đúng cách, nên các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm ngay từ khi được đánh bắt, bảo quản, đến khi bán đều phải được đáp ứng.
 
Do đó, cần sử dụng một Chương trình chứng nhận đánh bắt, đây là điều kiện bắt buộc để xuất khẩu sang EU. Tất cả các thông tin được nêu trong Phụ lục I của luật IUU của châu Âu đối với cá ngừ tươi, và phụ lục II đối với thăn cá ngừ.
 
Giấy chứng nhận đánh bắt không chỉ được sử dụng để kiểm tra xem sản phẩm có đến từ nghề cá hợp pháp và mà còn để đảm bảo không có lao động nô lệ nào được sử dụng.
 
Tiêu chuẩn về nhãn và bao bì
 
Các yêu cầu về nhãn tiêu chuẩn đối với cá và hải sản phải được tuân thủ để xuất khẩu cá ngừ tươi sang Bắc Âu. Cá ngừ cần được đóng gói bằng vật liệu an toàn và liệt kê tất cả các thành phần có trong sản phẩm trên bao bì, bao gồm các chất phụ gia được sử dụng để xử lý như tạo màu và chất ổn định.
 
Nhãn phải cung cấp thông tin chính xác về việc thu hoạch và sản xuất thăn cá ngừ, ngoài tên thương mại và khoa học của loài. Đối với các loài đánh bắt tự nhiên, cũng cần phải bao gồm phương pháp đánh bắt cụ thể và khu vực của Tổ chức Nông lương (FAO) nơi cá ngừ được đánh bắt. Điều này cho phép các nhà nhập khẩu xác định cách thu hoạch cá ngừ và ngư cụ nào đã được sử dụng.
 
Theo Quy định (EU) 1379/2013, bao bì thăn cá ngừ phải ghi rõ sản phẩm đã được chế biến như thế nào (nấu sẵn, đông lạnh) và nhãn phải được cung cấp trên sản phẩm hoặc trong tài liệu thương mại đi kèm hàng hóa.
 
Hàm lượng kim loại và mức dư lượng tối đa
 
Cá và các loại hải sản khác là những yếu tố đóng góp quan trọng nhất vào lượng thủy ngân vô cơ mà người dân châu Âu tiêu thụ. Cá ngừ là nguyên liệu chính góp phần vào việc tiêu thụ metyl thủy ngân. Đó cũng thường là lý do tại sao các sản phẩm cá ngừ bị thu hồi hoặc bị gắn cờ đỏ trong RASFF. Mức dư lượng tối đa (MRL) của thủy ngân đối với cá ngừ là 1,0mg/kg. MRL cho biết lượng tối đa được phép trong sản phẩm, như được thiết lập theo Quy định (EC) 1881/2006 (xem Phần 3.3 của Phụ lục). Hàm lượng thủy ngân được lưu ý nhất trong sản phẩm cá ngừ, nhưng các chất cấm khác cũng cần được quan tâm.
 
Chính phủ nước xuất khẩu phải đệ trình một kế hoạch với sự đảm bảo việc giám sát các chất tồn dư và các chất không được phép. Kế hoạch phải bao gồm chi tiết về cơ cấu của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu không thuộc EU, các loại chất liên quan đến thăn cá ngừ (như thủy ngân), và phải cung cấp đủ đảm bảo về việc giám sát MRL.
 
Làm màu cho cá ngừ là bất hợp pháp ở EU
 
Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp gian lận thương mại đã sử dụng thêm màu đỏ cho thăn lưng cá ngừ. Ở EU, việc sử dụng bất kỳ phẩm màu nào cho cá ngừ là bất hợp pháp. Tạo màu cho cá ngừ có nghĩa là thêm màu đỏ để che dấu sự suy giảm độ tươi của cá ngừ. Ở trạng thái tự nhiên, cá ngừ vây vàng tươi (loại cá ngừ tươi được tiêu thụ phổ biến nhất ở châu Âu) có màu hơi đỏ hoặc hơi nâu sau khi được đánh bắt, cắt và chuẩn bị để phân phối.
 
Một báo cáo của Ủy ban châu Âu có đề cập "hành vi gian lận này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, những người tin rằng họ đang mua cá ngừ tươi, mà còn có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, vì các sản phẩm bị xử lý bất hợp pháp có thể chứa một lượng lớn histamine gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng”.
 
Các yêu cầu bổ sung
 
Chứng nhận bền vững
 
Ở Bắc Âu, chứng nhận bền vững được chấp nhận rộng rãi nhất cho các loài đánh bắt tự nhiên, như cá ngừ, là chứng nhận của Hội đồng Quản lý Hàng hải (MSC).
 
Đầu tiên, quốc gia xuất khẩu phải tham gia vào Dự án Cải thiện Nghề cá (FIP). FIP là giai đoạn sơ bộ của việc đạt được chứng chỉ MSC. Trong một FIP, có thể kéo dài từ 6 đến 7 năm, các tổ chức liên quan nghiên cứu trữ lượng cá ngừ thực tế, dòng di cư, tình trạng trưởng thành và các thông số sinh học khác. Mục đích cuối cùng là lập biểu đồ điểm chính xác về khả năng đánh bắt (thời gian đánh bắt và hạn ngạch) mà không làm gián đoạn môi trường sống tự nhiên hoặc vòng đời của loài cá ngừ.
 
Chấm điểm
 
Đối với thăn cá ngừ tươi sống và đông lạnh được sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm, chất lượng thường dựa trên kích thước, độ tươi, hình dạng, hàm lượng chất béo, kết cấu và màu sắc. Người mua thường bày tỏ mong muốn của họ về cấp độ. Hạng AAA là hạng cao nhất, còn hạng A là hạng thấp nhất. Loại cao nhất thường được cung cấp cho các nhà hàng để kinh doanh sashimi, nhưng đối với thăn cá ngừ để đóng hộp, người mua có thể chọn loại thấp hơn.
 
Đối với thăn cá ngừ được làm chín và làm sạch trước thường được phân biệt theo loài cụ thể (ví dụ, cá ngừ vằn hoặc thăn lưng vây vàng) và liệu thăn cá ngừ được làm sạch một lần hay làm sạch hai lần. Tùy thuộc vào yêu cầu và quy cách của người mua, thăn cá ngừ có thể được làm sạch một lần hoặc làm sạch hai lần. Thăn được làm sạch một lần đã loại bỏ gân, xương và da. Thăn lưng vàng được làm sạch hai lần thường có chất lượng cao hơn vì chúng được làm sạch lần thứ hai, trên bàn mới và sạch hoàn toàn, giúp người thợ có thể nhìn rõ hơn về thăn lưng và những gì vẫn cần loại bỏ, như một số ít gân còn lại. Thăn được làm sạch hai lần chủ yếu được sử dụng trong các sản phẩm cá ngừ cao cấp.
 
Sau khi làm sạch, thăn xuất khẩu được đóng gói hút chân không và cấp đông trước khi vận chuyển đến tay khách hàng.
 
Yêu cầu về đóng gói
 
Cá ngừ tươi nguyên con thường được đóng gói trong bao polystyrene. Kích thước của gói có thể thay đổi tùy thuộc vào kích thước của cá ngừ. Thăn cá ngừ tươi thường được đóng gói polystyrene 10kg hoặc 20kg, tùy theo yêu cầu của khách hàng. Hơn nữa, thăn cá ngừ thường được đóng gói riêng lẻ và hút chân không. Người mua sẽ yêu cầu gói đá hay gel và cần kiểm soát nhiệt độ liên tục (gần 0 ºC).

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.206.174