VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Chú trọng phát triển công nghiệp hạ nguồn

14/10/2020 08:34

Thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh cho công nghiệp hỗ trợ (CNHT) sẽ tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng. Quan trọng phải đầu tư cho công nghiệp hạ nguồn, mang tính dẫn dắt là hướng đi khả thi giúp ngành CNHT bứt phá.

Định hình là ngành trọng yếu

Báo cáo do Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương chỉ ra: CNHT là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm và chất lượng nền kinh tế Việt Nam.


Các ngành công nghiệp hạ nguồn có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT

Do vậy, trong thời gian qua Bộ Công Thương đã có những tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngành công nghiệp hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Bộ Công Thương đang triển khai thành lập 3 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. “Các trung tâm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”- Báo cáo nêu rõ.

Bên cạnh đó, những năm qua doanh nghiệp CNHT phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

Một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên báo cáo cũng đề cập, trong số khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện trên toàn quốc thì chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Về năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam, Chính phủ đánh giá còn nhiều hạn chế. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT. Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn.

Tập trung phát triển công nghiệp hạ nguồn

Để phát triển ngành CNHT Việt Nam thời gian tới, giải pháp cần thiết là rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách mới phù hợp với các cam kết hội nhập để hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp phát triển; tiếp tục có các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư để đảm bảo các doanh nghiệp FDI có sự liên kết và chuyển giao công nghệ cũng như tạo ra những lan tỏa cho doanh nghiệp CNHT trong nước.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ nhắc tới là cần tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo. Năng lực các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trong nước chưa cao. Theo đó, giải pháp chung nhằm phát triển công nghiệp hạ nguồn, trước tiên Chính phủ cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước.

Các biện pháp cụ thể có thể tính đến là có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp hạ nguồn trọng điểm như ngành ô tô, điện - điện tử, dệt may, da giày trở thành các tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp CNHT trong nước phát triển; xây dựng chính sách về thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng nhập khẩu linh hoạt, phù hợp để giúp các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cắt giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh so với hàng hoá nhập khẩu, hướng đến các thị trường xuất khẩu ...

Báo cáo khẳng định, các ngành công nghiệp hạ nguồn có vai trò quan trọng trong việc phát triển CNHT, cũng như thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Ngành gỗ: Chuyển mình sau mùa dịch
    Theo phân tích của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, qua thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa qua, có thể xác định rõ ràng sản phẩm chiến lược và thị trường chiến lược để làm bệ đỡ cho sự phát triển bứt phá của ngành gỗ.
  • Phát triển bền vững ngành da giày: Doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu
    Từ nay đến cuối năm, ngành da giày được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khăn về đầu ra. Để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp (DN) trong ngành cần chủ động tái cơ cấu lại bộ máy, đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhằm gia tăng khả năng xuất khẩu (XK).
  • Giá lợn hơi tiếp tục giảm nhẹ
    Giá lợn hơi cuối tháng 9/2020 dao động ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg và tiếp tục giảm nhẹ trong đầu tháng 10/2020.
  • Đơn hàng xuất khẩu gỗ đã lấp đầy sang quí II năm 2021
    Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn khởi sắc.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.196.323