Nông sản Việt rộng đường xuất khẩu sang EU nhờ Hiệp định EVFTA
Thị trường EU đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng nông sản từ vùng nhiệt đới. Đây là lợi thế đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam. Đặc biệt, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, cơ hội lớn đã mở ra cho nông sản Việt, giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU.
Sau nhiều năm thực thi, EVFTA vừa là cơ hội vừa là thách thức cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng những yêu cầu khắt khe, từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ, đóng góp vào bức tranh xuất khẩu của đất nước.
Ảnh minh họa - Nguồn: Moit.gov.vn
Nhờ EVFTA với những quy định khắt khe, xuất khẩu nông sản Việt sang EU vài năm gần đây ghi nhận xu hướng tăng lên của các sản phẩm chế biến sâu để đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định mới. Theo thống kê, 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu cà-phê chế biến tăng trưởng bình quân 30%/năm, các sản phẩm chế biến từ cao su tăng 20%/năm, hạt điều chế biến tăng 43%/năm, trái cây chế biến tăng 15%. Để tận dụng ưu đãi thuế 0% từ hiệp định EVFTA đối với các sản phẩm chế biến (cà-phê, tiêu, điều, cao su, rau quả), các doanh nghiệp trong nước đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ chế biến nông sản.
Với số lượng còn hạn chế theo mùa vụ, một số loại trái cây như thanh long, chanh leo… cũng đã được đưa vào các siêu thị như Colruyt, Carrefour, Grand Frais. Gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Việt Nam đã lên kệ chuỗi siêu thị của Tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu nước Pháp E.Leclerc và hệ thống phân phối Carrefour. Ngoài hoa quả và gia vị, cá tra Việt Nam cũng đã được lên kệ tại các nhà bán lẻ EU như Albert Heijn và Jumbo ở Hà Lan; Tesco ở Anh và REWE ở Đức.
Hiệp định EVFTA quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ và các cam kết về hàng rào phi thuế quan (gồm: Rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), một số biện pháp phi thuế quan khác như phòng vệ thương mại; cơ chế giải quyết tranh chấp; thủ tục hải quan…). Trong đó, về SPS, đáng lưu ý đối với mặt hàng nông sản, EU duy trì một hệ thống cảnh báo nhanh, chỉ cần một lô hàng có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngay lập tức sẽ được thông báo trong toàn bộ EU và hàng hóa đó sẽ không thể tiếp tục lưu hành trong khu vực.
Để tận dụng hiệu quả của EVFTA, các doanh nghiệp nông sản Việt Nam cần tập trung tối đa nguồn lực để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, nhanh chóng tăng thị phần trong thị trường nhập khẩu nông sản của EU, trước khi EU triển khai ký kết FTA với các đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu tận dụng tốt con đường “cao tốc” mà EVFTA mang lại, đẩy nhanh quá trình hàng nông sản của Việt Nam thâm nhập vào các quốc gia thành viên EU, hàng hóa của Việt Nam sẽ có được tín nhiệm để đến với các thị trường khó tính khác.
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 09/09/2024, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Đại sự quán Australia tại Việt Nam tổ chức lễ công bố xuất khẩu chanh leo Việt Nam sang Australia. Chanh leo trở thành loại trái cây thứ 5 của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Australia sau xoài, nhãn, vải thiều, thanh long.
-
Trong những năm gần đây, tình hình xuất nhập khẩu và giao thương thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đã chứng kiến sự phát triển không ngừng và sự linh hoạt theo bối cảnh kinh tế toàn cầu. Số liệu về tổng kim ngạch thương mại song phương đã phản ánh rõ nét sự biến động và xu hướng trong mối quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia.
-
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt trên 3,8 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng xuất khẩu đạt gần 6,2 triệu tấn, tăng gần 6%. Giá xuất khẩu gạo bình quân 8 tháng đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%.
-
Trong 7 tháng đầu năm 2024, ngành xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã chứng kiến một sự phát triển tích cực khi tiếp cận thị trường CPTPP, khẳng định vị thế là một trong những nhà cung cấp cà phê hàng đầu thế giới.