VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh Đắk Lắk

02/12/2019 10:12

Tham luận tại hội nghị “kết nối các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực Miền Trung - Tây Nguyên năm 2019”

Đắk Lắk là một trong 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, nằm ở khu vực trung tâm của vùng. Với diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 13.125,37 km2, dân số trên 1,8 triệu người, gồm 49 dân tộc anh em sinh sống. Nông nghiệp có vai trò và vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Lắk. Là tỉnh có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, mạng lưới giao thông liên vùng tạo điều kiện cho Đắk Lắk mở rộng giao lưu với các tỉnh trong vùng và Duyên hải miền Trung, miền Đông Nam bộ và cả nước, tăng cường khả năng liên kết, hợp tác giữa Đắk Lắk với các tỉnh về mở rộng thị trường và hợp tác kinh tế. Tiềm lực kinh tế của Đắk Lắk đã có những bước phát triển mới: đang hình thành các Khu, cụm công nghiệp, noongnghieepj công nghệ cao , đô thị mới, cơ sở hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội được mở rộng, đời sống nhân dân đang từng bước được cải thiện.


Ông Ygiang Gry Niê nơng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tham dự Hội nghị

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh Đắk Lắk, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua phát triển tương đối đa dạng. Qua điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng sản xuất của các hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk có 140 sản phẩm thế mạnh, thuộc 06 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm Thực phẩm; nhóm Đồ uống; nhóm Thảo dược; nhóm Vải và may mặc; nhóm Dịch vụ văn hóa, du lịch nông thôn. Trong đó, có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng (nhóm Thực phẩm có 06 sản phẩm; nhóm Đồ uống: 04 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch có 01 sản phẩm); và 04 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở  hữu trí tuệ.

Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu; Đối với mặt hàng, như Gạo thị trường tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh, các tỉnh miền Trung, Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, tinh bột sắn được xuất khẩu sang Trung Quốc, ngoài ra các mặt hàng đồ uống như cà phê, các loại trà được bán rộng rãi trong và ngoài nước (cà phê, cao cao…) nhìn chung, các mặt hàng đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao.


Toàn cảnh Hội nghị

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, nhiều ngành nghề ở Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 12.024 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn thuộc 06 nhóm ngành nghề chính, gồm: chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, cơ khí nhỏ; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất chậu cảnh; xây dựng, vận tải, sửa xe gắn máy, các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn…. tạo việc làm cho 31.098 lao động và cho giá trị sản lượng trên 22.410,53 triệu đồng. Trong đó, tốc độ tăng trưởng của nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đạt cao nhất: 29,1%. Trên thực tế, bình quân mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn so với làm nông nghiệp, theo đó việc thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn sẽ thu hút được nhiều lao động nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trong vùng. Việc này còn có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, vì nếu các ngành nghề phát triển sẽ tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần hoàn thiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới.

Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn với mục tiêu phấn đấu tiêu chuẩn hóa 84 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh hiện có và các sản phẩm có nguồn gốc từ các địa phương trên địa bàn tỉnh; công nhận/chứng nhận 01-02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10-12 sản phẩm 3-4 sao cấp tỉnh, xây dựng 01-02 làng (thôn, buôn) du lịch sinh thái cộng đồng, làng (thôn, buôn) văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển và củng cố các tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP gắn với xây dựng 02 chuỗi giá trị và phát triển 3 -5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực giai đoạn tiếp theo, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, Hợp tác xã và doanh nghiệp, hàng năm mỗi huyện có ít nhất 3 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo OCOP, cũng cố ít nhất 20-30 tổ chức kinh tế sản xuất kinh doanh; đào tạo tập huấn 100% cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện xã) và các tổ chức có liên quan tham gia Chương trình.

Năm 2019, cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã và đang tham mưu các văn bản thực hiện như: Bộ tiêu chí xếp hạng sản phẩm sản phẩm (tạm thời), quy định nội dung mức chi hỗ trợ các hoạt động Chương trình; Bổ sung nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Lắk cho Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Đắk Lắk

Để thực hiện được các mục tiêu như đề án đã nêu đồng thời đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của địa phương đến tay người tiêu dùng trong nước và Quốc tế, tỉnh Đắk Lắk luôn chủ trương định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề của tỉnh trong việc nghiên cứu, phát triển, cải tiến sản phẩm, hàng hóa dịch vụ theo hướng ngày một đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Việc thiết kế, cải tiến từng dòng sản phẩm phải theo xu thế tiêu dùng của từng thị trường mà mục tiêu hướng tới.Công tác xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương được coi là giải pháp cơ bản thức đẩy quá trình phát triển chuỗi sản phẩm OCOP theo đó các sản phẩm dự thi đạt 3 sao trở lên sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại tại các cấp tương ứng nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó đạt mục đích tối cao của OCOP là thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng.

Các hoạt động chính trong công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP gồm: Xây dựng hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, gian hàng OCOP tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khu dân cư; quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng; tổ chức hội chợ sản phẩm OCOP; kết nối thị trường;…

VTIC

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.189.547