Những quy định mới của EU về xuất khẩu hàng nông sản
EU tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) từ các nông sản nhập khẩu vào thị trường này.
EU kiểm soát chặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, khi tham gia công ước bảo vệ thực vật quốc tế, Việt Nam phải áp dụng quản lý kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
EU tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) từ các nông sản nhập khảu vào thị trường này (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)
Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
Hiện nay việc tăng cường kiểm soát vi sinh vật, kiểm soát mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL), kiểm soát thuốc kháng sinh và phụ gia thực phẩm đang được EU áp dụng rất chặt chẽ.
Theo TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN&PTNT, hàng nông sản Việt Nam muốn giữ được thị trường EU thì người sản xuất cần cập nhật và điều chỉnh quy trình sản xuất, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các mức MRL ở mức thấp (0,01 ppm) để đáp ứng được quy định của EU trong thời gian tới. Mới đây, EU cũng ra các thông báo dự thảo quy định thay đổi MRL đối với 4 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, đó là: Zoxamide, Fenbuconazole, Penconazole và Acetamiprid do EU thông báo ý kiến thành viên WTO, theo đó tùy từng sản phẩm cụ thể, mức MRL có thể tăng hoặc giảm hoặc giữ nguyên. Trong đó, có nhiều mức MRL giảm sâu đối với từng sản phẩm cụ thể. Chi tiết mức độ thay đổi sẽ được cập nhật trên website của Văn phòng SPS Việt Nam.
Bất kỳ một thay đổi nào về quy định của thị trường EU cũng đều ảnh hưởng đến sản xuất của những đơn vị định hướng xuất khẩu sang thị trường này. Điển hình như việc quy định về MRL, có thể thuận lợi hơn nếu nới lỏng mức MRL hoặc sẽ phải kiểm soát chặt chẽ hơn nếu giảm mức MRL. Chính vì vậy sản xuất nông sản nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường này phải bám rất sát các thông tin quy định và áp dụng ngay vào quy trình sản xuất. Không chỉ sản xuất sản phẩm mà bao bì xuất khẩu cũng đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn đề ra của EU.
EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật. Nếu Việt Nam tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương, trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Hiện nay, Văn phòng SPS Việt Nam có những cập nhật và minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm (thay đổi mức MRL, quy định về phụ gia thực phẩm…), các quy định về đối tượng kiểm dịch… của tất cả các thị trường để giúp các bên liên quan đáp ứng tốt nhất các quy định này.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ba mặt hàng: Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu vừa được ký nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
-
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có thông cáo về việc phát hiện ra chất cấm Sibutramine có trong thành phần của 3 sản phẩm cà phê là KetoDiet Coffee của Malaysia, ChoCo Premix Coffee và V-SHOU Premium Coffee (chưa rõ xuất xứ). SFA khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hoặc sử dụng các sản phẩm này.
-
Năm 1971, Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt, không chỉ trong lĩnh vực chính trị và hợp tác đa phương, mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên.
-
Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) là một trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng trong khu vực châu Á.