Nhiều điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt Nam – Hàn Quốc trong năm 2023
Trong những năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục phát triển bởi cơ cấuxuất nhập khẩu của hai nước bổ sung cho nhau và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Hai nước đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Theo dữ liệu do Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 5/2/2024 cho thấy năm 2023, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc năm thứ hai liên tiếp mặc dù xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam đều giảm. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Hàn Quốc năm 2023 đạt 76,01 tỷ USD, giảm 12,2% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USD, giảm 3,34% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 52,5 tỷ USD, giảm 15,6% so với năm 2022.
Biểu đồ 1: Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam –Hàn Quốc giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 2: Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Hàn Quốc trong năm 2023 (Việt Nam xếp thứ 6)
Đơn vị tính: %
Nguồn: Trademap.org
Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 6 của Hàn Quốc, chiếm tỷ trọng 4,04% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hàn Quốc, cải thiện so với mức 3,65% trong năm 2022. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường gồm: Đài Loan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang Hàn Quốc trong tháng 01/2024
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Biểu đồ 3: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong lĩnh vực xuất khẩu, năm 2023 có 05 nhóm hàng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (4,83 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (3,51 tỷ USD); hàng dệt, may (3,05 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,76 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (1,25 tỷ USD).
Bước sang tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hàn Quốc đạt 2,3 tỷ USD, tăng 14,45% so với tháng trước đó và tăng 38,2% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, máy ví tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch xuất khẩu đạt 539,68 triệu USD, tăng 21,65% so với tháng trước đó và tăng 52,95% so với cùng tháng năm trước, chiếm tỷ trọng 23,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Hàn Quốc trong tháng đầu năm.
Biểu đồ 4: Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Hàn Quốc trong tháng 01/2024
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 52,51 tỷ USD, giảm 15,64% so với năm trước. Trong đó, có 8 nhóm hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (28,75 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (5,44 tỷ USD); xăng dầu các loại (3,22 tỷ USD); chất dẻo nguyên liệu (1,96 tỷ USD); vải các loại (1,53 tỷ USD); sản phẩm từ chất dẻo (1,39 tỷ USD); kim loại thường khác (1,29 tỷ USD); sắt thép các loại (1,1 tỷ USD)…
Bước sáng tháng 1/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Hàn Quốc tổng 4,2 tỷ USD, giảm 10,57% so với tháng trước đó nhưng tăng 7,16% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất với trị giá đạt 2,2 tỷ USD, giảm 18,51% so với tháng trước nhưng tăng 5,76% so với cùng tháng năm trước, chiếm tỷ trọng 53,33% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Hàn Quốc.
Bảng 2: Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Hàn Quốc trong tháng 01/2024
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Thời gian tới, quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa khi cả hai nước cùng tham gia và hưởng lợi nhiều lợi ích từ các FTA song phương và đa phương. Hơn nữa, cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có tính bổ sung rõ nét và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Thị trường Hàn Quốc hiện có xu hướng thực phẩm giản tiện thay thế bữa ăn gia đình với các sản phẩm ăn liền, dễ nấu, dễ ăn đang tăng trưởng nhanh chóng tại Hàn Quốc, nhất là 5 năm trở lại đây. Cùng đó là sự lên ngôi của sản phẩm tốt cho sức khoẻ, tăng sức đề kháng như sản phẩm organic, thực phẩm dành cho người già. Bên cạnh đó là xu hướng tiêu dùng sản phẩm thay thế thịt, bảo vệ môi trường với bao bì đóng gói hạn chế sử dụng nguyên liệu từ nhựa, mô hình quản trị ESG. Và những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định, quy trình kiểm dịch. Do đó, để sản phẩm xuất khẩu tiêu thụ tốt tại Hàn Quốc thì sản phẩm ngoài cần chất lượng, hương vị còn cần yếu tố bổ trợ như ổn định trong sản xuất, an toàn trong chế biến lưu thông, chữ tín trong cam kết. Có các yếu tố này, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong đàm phán và giữ đối tác lâu dài.
Theo Thương vụ Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, để tăng cường xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, nhất là các mặt hàng có thế mạnh của nước ta, thời gian tới, các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp cần dành thời gian nghiên cứu, phân tích thị trường Hàn Quốc để xác định rõ sản phẩm hướng tới phân khúc tiêu dùng nào, sản phẩm cần đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hệ thống PLS) tại thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có gửi thông tin sản phẩm, nhu cầu hợp tác thương mại, đầu tư với phía Hàn Quốc một cách thường xuyên, liên tục cho Thương vụ cũng như tham dự các hội chợ, hội thảo, hội nghị online/offline do Thương vụ tổ chức để Thương vụ có cơ sở trao đổi với phía Hàn Quốc và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Chi tiết xem tại đây;
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Ngày 25/02/2024 tại Abu Dhabi, UAE, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã tham dự phiên họp Bộ trưởng của Nhóm các nước xuất khẩu nông sản (Nhóm Cairns). Phiên họp thuộc chuỗi các sự kiện diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
-
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ, trong tháng 01/2024, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quan trọng.
-
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài của Bộ Công Thương diễn ra vào tháng 1/2024 vừa qua.
-
Ngày 22/02/2024, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), Bộ NN&PTNT và Trung tâm đổi mới Tentamus, Tập đoàn Tentamus (Đức) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về việc “Cung cấp kiến thức chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát an toàn thực phẩm cho các nhà xuất khẩu Việt Nam”.