VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Ngành da giày còn nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2022

06/06/2022 16:37

Sản xuất và xuất khẩu da giày trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt những con số khả quan, nhưng những bất ổn về nguồn nhân sự, nguồn cung nguyên liệu, sự chững lại của các đơn hàng… khiến xuất khẩu da giày sẽ phải đối mặt với những rủi ro trong những tháng cuối năm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 6/2022, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 4,6% so với tháng 5/2022 và tăng 12,4% so với với tháng 6/2021; sản lượng giầy, dép da ước đạt 29,2 triệu đôi, tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 2% so cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 13,1%; sản lượng giầy, dép da ước đạt 144,7 triệu đôi, tăng 6,3% so với 6 tháng đầu năm 2021.

Bảng 1: Tình hình sản xuất một số chủng loại giày dép (ĐVT: 1000 đôi)

Tên sản phẩm

Tháng 6/2022

So với T5/2022 (%)

So với T6/2021 (%)

6T/2022

So với 6T/2021 (%)

Giày, dép có đế hoặc mũ bằng da

27.078

25,13

-1,60

132.128

-7,18

Giày, dép thể thao có đế ngoài và mũ giày bằng cao su và plastic

38.511

-0,51

24,36

216.256

22,56

Giày, dép thể thao có mũ bằng da và có đế ngoài

50.610

3,98

-2,54

270.860

-7,40

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Hiệp hội Da giầy và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, kết quả kinh doanh của ngành da giày trong 6 tháng đầu năm 2022 được đánh giá là khá tốt. Đơn hàng đối với ngành da giày khá ổn định và kim ngạch xuất khẩu đạt gần 14 tỷ USD, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 11,79 tỷ USD,tăng 13,3% và vali, túi, cặp đạt 2,02 tỷ USD, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 10,99 tỷ USD, chiếm 79,56% toàn ngành da giày- túi xách Việt Nam.

Ngành da giầy trong nửa đầu năm đã có nhiều tín hiệu tích cực. Dù phải chống đỡ với dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng nhiều thời điểm gián đoạn, cùng sức mua suy giảm, song nhiều doanh nghiệp cũng đã có đơn hàng tới hết quý III/2022.Đơn hàng nhiều là tín hiệu rất tích cực, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp đang vực dậy sản xuất song các chi phí đầu vào (như logistics, nguyên phụ liệu, xăng dầu…) liên tục tăng đã làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh.

Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho biết, hiện đang chịu áp lực lớn do chi phi đầu vào ngày càng tăng. Có thời điểm, 1 container hàng xuất khẩu phải cộng thêm gần gấp đôi chi phí các loại so với bình thường.Trong khi đó, chính sách Zero Covid của Trung Quốc tiếp tục hạn chế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không nhập khẩu được nguyên phụ liệu đã không dám nhận đơn hàng.Dự báo, tăng trưởng những tháng cuối năm có thể chậm lại do thị trường có nhiều biến động bởi xung đột Nga- Ukraine khiến xuất khẩu sang thị trường này gặp khó khăn.

Dù ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực, song những bất ổn và lạm phát tăng cao tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Hiện tượng "mua quá mức" sau thời gian đại dịch rồi giảm dần, cũng làm gia tăng áp lực dư thừa dẫn tới khả năng cắt giảm đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Ở trong nước, những bất cập về chuỗi cung ứng cũng bộc lộ rõ nét. Nhiều doanh nghiệp da giày của Việt Nam gần như không đủ nguyên phụ liệu để sản xuất. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các chính sách nhằm tạo động lực lớn hơn thu hút đầu tư vào nguyên phụ liệu, lẫn cải thiện năng lực quản trị đang là những vấn đề cấp thiết.

Doanh nghiệp gặp khó khăn lớn khi nguồn cung nguyên phụ liệu bị thiếu, gián đoạn do nguồn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cũng như một số nước xung quanh hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu nguồn lao động cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản xuất kinh doanh của ngành trong 6 tháng qua.

Là một trong những ngành hàng dùng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam, ngành da giày cần hơn 1,4 triệu lao động, chiếm tỷ lệ trên 18%. Những năm gần đây, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19, ngành da giày phải đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động. Thiếu lao động, khó tuyển mới cũng là tình trạng của nhà máy Pou Yuen Việt Nam- doanh nghiệp gia công giày đông công nhân nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau dịch, công ty cần tuyển mới 8.800 lao động, nhưng đến nay chỉ lấp đầy được 65%. Chưa kể, mỗi tháng có 500-650 công nhân nghỉ việc.

Tương tự, Công ty TNHH MTV giày dép Vĩnh Phong, với nhà xưởng rộng 10.000 m2, cần khoảng hơn 1.000 lao động. Thế nhưng, sau hai năm nhà máy tuyển không đủ người, hiện chỉ có gần 300 công nhân đang làm việc. Nếu trước đây, một tuần nhà máy có thể tuyển 50 công nhân có tay nghề, giờ đây, cả tháng chỉ tuyểnđược 10 lao động.

Hội Da giày thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường lực lượng lao động đã qua đào tạo,đẩy mạnh liên kết với trường nghề để đào tạo cấp tốc, đồng thời hỗ trợ chỗ ở để kêu gọi lao động.Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tăng cường cơ giới hóa để tăng năng suất, tiết giảm nhân công. Thậm chí, trước khi xây dựng nhà máy, doanh nghiệp cần khảo sát trước nguồn lao động tại chỗ, liên kết với chính quyền để đặt hàng, đào tạo trước lao động.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

Với mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2022 đạt từ 23- 25 tỷ USD, nhưng từ nay đến cuối năm, ngành da giày nhận định tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Hiện nay tổng lượng tồn kho đối với mặt thời trang nói chung và mặt hàng giày dép nói riêng còn rất lớn.

Kết quả khảo sát từ doanh nghiệp và nhãn hàng, nhận định chung từ nay cho đến quý I/2023, nhiều khả năng các đơn hàng chững lại. Song song với đó, các mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam hiện có mức giá trung bình vào khoảng 16 USD, được đánh giá trung bình về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam (Lefaso), muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, trong thời gian tới, ngành da giày xác định cần phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng chất lượng để các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao hơn. Muốn sản xuất và xuất khẩu được những mặt hàng có giá trị cao hơn, ngành da giày cần nguồn nhập khẩu nguyên liệu có giá trị cao.

Với việc tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định FTA trong xuất khẩu, ngành da giày cũng mong muốn được tạo điều kiện để tận dụng những cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ quốc gia tham gia Hiệp định FTA. Đặc biệt như thị trường EU, có những nguồn nguyên phụ liệu giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn, cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới.

Từ thực tế và những khó khăn thách thức đặt ra, Lefaso kiến nghị,cácThương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành da giày về thông tin thị trường. Bởi các Thương vụ là kênh tiếp cận thông tin thị trường rất hiệu quả, nhanh chóng và cụ thể.

Theo Lefaso, sắp tới phía Đức sẽ ra đạo luật về thẩm định nghĩa vụ doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, dự kiến áp dụng từ ngày 01/01/2023. Đạo luật này sẽ tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất của ngành da giày khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Bên cạnh đó, EU cũng sắp ra đạo luật áp dụng đánh thuế carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường EU. Song đến nay, Lefaso chưa biết cụ thể kế hoạch triển khai như thế nào và các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng những thủ tục gì, nên rất mong muốn được cập nhật thông tin để chuẩn bị cho kế hoạch trong kỳ tới sản xuất sắp tới.

Nhận thấy trong hoạt động sản xuất và thương mại, việc kết nối thông tin là vô cùng quan trọng, Lefaso mong muốn tiếp nhận những thông tin từ nhiều thị trường để các doanh nghiệp có thể nắm bắt và triển khai được một cách nhanh chóng.

Lefaso cam kết sẽ gửi các báo cáo cập nhật hàng tháng của ngành đến hệ thống Thương vụ ở nước ngoài để nhận được sự hỗ trợ trong thời gian tới. Cùng với đó, Hiệp hội cũng mong muốn các Thương vụ tiếp tục tăng cường hoạt động quảng bá đối với ngành da giày. Bởi các đơn hàng của ngành da giày hiện nay đang phải chịu cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Bộ Công Thương nhận định, ngành da giày trong nước đã tận dụng tốt các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (nhất là Hiệp định CPTPP và EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu. Điển hình, giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O (chứng nhận xuất xứ) ưu đãi theo FTA trong năm 2021 khá cao, chiếm 95,92% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam. Do đó, mục tiêu năm 2022, tăng trưởng toàn ngành sẽ từ 10-15% so với năm 2021, đạt khoảng 23-25 tỷ USD.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập là một yêu cầu cấp bách đặt ra. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp da giày có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ. Để ngành da giầy phát triển bền vững, các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, đa dạng nguồn cung nguyên liệu nhằm tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại, đồng thời cần có chiến lược nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để cung cấp các sản phẩm mà thị trường cần.

Nhanh chóng tự chủ về nguyên liệu

Số liệu của Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam cho thấy, dù có nhiều điểm yếu nhưng những năm qua, các doanh nghiệp ngành da giày đã tăng tốc rất nhanh việc đầu tư phát triển nguyên phụ liệu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu.

Nhờ sự chuyển dịch đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong ngành, hiện tỷ lệ nội địa hoá nguyên liệu đạt 55% toàn ngành, cá biệt có những loại nguyên liệu nội địa, như giày vải đạt tỷ lệ nội địa hóa 100%, giày thể thao là 80%. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp da giày trong nước lập kỳ tích với với khoảng 1,2 tỷ đôi giày xuất khẩu năm 2020, đưa Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu da giày, khi chiếm tới trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu.

Theo Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, dù đạt được kim ngạch cao nhưng nhưng tỷ lệ nội địa hoá của ngành thấp, nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng rất lớn với trung bình khoảng 300 triệu USD mỗi năm.Trong cơ cấu giá thành sản phẩm giày dép, nguyên phụ liệu chiếm tới 68- 75%. Trong khi đó, điểm yếu có thể thấy chính là tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm này của doanh nghiệp Việt mới chỉ đạt 40- 45%.

Bên cạnh đó, dù toàn ngành có 129 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp. Các nguyên phụ liệu cho ngành mới chỉ tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ cung cấp đến từ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước của ngành da giày đạt 75- 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Việc xây dựng Chuỗi cung ứng hoàn chỉnh không đơn giản. Dù vậy, ngành da giày Việt Nam cần tích cực hoàn thiện các khâu sản xuất đầu chuỗi, từng bước phát triển các mắt xích nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu cho khâu may, đảm bảo khép kín chuỗi cung ứng.Doanh nghiệp da giày cũng cần chuẩn bị nguồn nhân lực cần thiết để có thể tiến dần lên các phương thức sản xuất cao hơn, cũng như các mắt xích mang lại giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế, marketing, phân phối...

Cùng đồng hành trong nỗ lực khôi phục sản xuất và xuất khẩu, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ ngay những nút thắt cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng các giải pháp dài hạn. Trong đó, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm dần phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, phát triển ngành thời trang trong nước.

Bộ Công Thương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Đồng thời, tập trung hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế sản xuất; xanh hóa ngành công nghiệp da giày.


 

Nguồn: Phòng Thông tin Công Nghiệp

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.197.530