Lưu ý các doanh nghiệp về phụ gia thực phẩm tại Singapore
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có thông cáo về việc phát hiện ra chất cấm Sibutramine có trong thành phần của 3 sản phẩm cà phê là KetoDiet Coffee của Malaysia, ChoCo Premix Coffee và V-SHOU Premium Coffee (chưa rõ xuất xứ). SFA khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua hoặc sử dụng các sản phẩm này.
Sibutramine là thành phần trong thuốc giảm cân và chỉ được phép sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ. Sibutramine đã bị cấm tiêu thụ tại Singapore kể từ năm 2010 do nguy cơ gây đau tim, đột quỵ và một số vấn đề về rối loạn hệ thần kinh trung ương cho người sử dụng.
SFA cảnh báo một số sản phẩm có chứa Sibutramine - Ảnh: Báo Công Thương
Theo Mục 15 của Đạo luật Kinh doanh thực phẩm của Singapore, việc phân phối thực phẩm không an toàn tại Singapore là bất hợp pháp. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào vi phạm bất kỳ điều khoản nào của Đạo luật này đều là phạm pháp và bị kết án với mức tiền phạt không quá 5.000 SGD; trường hợp bị kết án lần thứ hai hoặc các lần tiếp theo, mức phạt là không quá 10.000 SGD hoặc/và phạt tù không quá 3 tháng. SFA cho biết sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm khắc đối với bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp bán hay cung cấp các sản phẩm thực phẩm không an toàn, có pha trộn với các chất bị cấm.
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore là thị trường có yêu cầu cao, khắt khe về an toàn thực phẩm. Việc cập nhật, nắm rõ, chính xác các quy định của sở tại về thực phẩm là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất trong việc sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm sang thị trường Singapore.
Các chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu hay sản xuất để bán tại Singapore được quy định trong Quy định về thực phẩm của nước này (Food Regulation).
Để tiếp cận tốt thị trường, tăng thị phần và tạo uy tín thương hiệu sản phẩm đối với người tiêu dùng tại Singapore, Thương vụ khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam nên thường xuyên cập nhật thông tin và tuân thủ nghiêm túc các quy định của nước sở tại. Các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam nên thường xuyên tự kiểm tra thành phẩn trong sản phẩm của mình, đảm bảo chỉ dùng các phụ gia thực phẩm được phép và hàm lượng sử dụng nằm trong mức tối đa cho phép theo quy định của Singapore.
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Năm 1971, Việt Nam và Thụy Sĩ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, quan hệ giữa hai nước ngày càng bền chặt, không chỉ trong lĩnh vực chính trị và hợp tác đa phương, mà còn mở rộng sang hợp tác kinh tế, hỗ trợ kỹ thuật, thương mại, đầu tư và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước đã tạo tiền đề cho quan hệ thương mại và đầu tư không ngừng tăng lên.
-
Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) là một trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, thương mại giữa Việt Nam và Hồng Kông đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng trong khu vực châu Á.
-
Chiều ngày 7/8, “Hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Bangladesh và doanh nghiệp Việt” đã được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) tổ chức.
-
Ngày 05/8/2024, Hội nghị kết nối giao thương Việt Nam – Bangladesh đã được tổ chức tại thành phố Thái Bình. Đây là sự kiện do Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi và Đại sứ quán Bangladesh tại Việt Nam tổ chức.