VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Kinh tế trong nước đối mặt với khó khăn trước tác động của dịch Covid-19 cộng thêm yếu tố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn

10/04/2020 10:33

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Trong tuần cuối tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt tăng nhanh tại Mỹ và các nước châu Âu, khiến nhiều quốc gia ban hành lệnh đóng cửa biên giới, sân bay và hạn chế đi lại nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, kéo theo hàng loạt những ảnh hưởng dây chuyền và tiếp tục tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu, khiến nguy cơ kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái đang hiện ra ngày càng rõ nét. Trong thông báo mới nhất, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã nhận định những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể lớn hơn giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, đồng thời IMF kêu gọi các nền kinh tế tiên tiến cung cấp thêm hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp, và IMF sẵn sàng huy động toàn bộ khoản cho vay trị giá 1.000 tỷ USD để chống dịch Covid-19.

Trong báo cáo cuối tháng 3/2020, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 sẽ giảm 1,5% trong năm 2020, đánh dấu lần điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế thế giới lần thứ ba trong tháng của tổ chức này, thấp hơn rất nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 2,6% đầu năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng, khủng hoảng giá dầu cộng với biến động trên thị trường tài chính thế giới. Báo cáo của IIF cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế tại các thị trường phát triển giảm 3,3%, trong khi các thị trường mới nổi sẽ chỉ tăng trưởng 1,1%. Trong đó, IIF dự báo Mỹ và Khu vực Eurozone sẽ rơi vào suy thoái khi hai khu vực này suy giảm lần lượt 2,8% và 4,7% trong năm 2020.

Ngoài ra, tổ chức IHS Markit tuần qua cũng nhận định Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ suy thoái, dự báo tăng trưởng GDP thực tế của thế giới sẽ chỉ đạt mức 0,7% trong năm nay và kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,2%. Trong khi đó, JP Morgan dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 1,5% trong năm 2020 và tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5%, sẽ tăng lên 6,25% vào giữa năm, trước khi giảm xuống còn khoảng 5,25% vào cuối năm 2020, khi đà tăng trưởng kinh tế khởi động lại.

Tại Mỹ, để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, trong tuần qua chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump và Quốc hội nước này đã đạt thỏa thuận về gói kích thích 2.000 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của Covid-19. Nếu có hiệu lực, đây sẽ là gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Gói kích thích này sẽ tập trung hỗ trợ tài chính trực tiếp tới nhiều người Mỹ, nâng mức bảo hiểm thất nghiệp và ưu tiên hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ khác nhau, cùng với bổ sung nguồn lực cho các đơn vị y tế do dịch Covid-19 lan rộng.

Ngoài ra, tuần qua Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tuyên bố sẽ mua một lượng trái phiếu kho bạc và chứng khoán được thế chấp không giới hạn và mở ba cơ sở mới để mua nợ của các công ty, đánh dấu kế hoạch mua trái phiếu với quy mô lớn kỷ lục của tổ chức này sau hai lần hạ lãi suất liên tiếp trong tháng 3/2020 xuống sát mức 0%, cho thấy những biện pháp can thiệp chưa từng có vào nền kinh tế Mỹ của FED với mục đích duy trì tín dụng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, ngăn chặn nguy cơ suy thoái của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tại châu Âu, kinh tế toàn Liên minh EU đang đứng trước giai đoạn thách thức nhất mà EU phải đối mặt kể từ khi thành lập đến nay trong bối cảnh EU trở thành tâm điểm của dịch Covid-19 và hiện nỗ lực chống dịch của khu vực đang xuất hiện những bất đồng trong quan hệ nội bộ do các nước trong khối đều ưu tiên cho lợi ích quốc gia. Trong khi đó, kinh tế EU vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn sau quá trình Brexit và đang trong giai đoạn có nhiều bất đồng về thương mại với Mỹ. Để chống lại rủi ro do dịch Covid-19 gây ra, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tuyên bố quyết định triển khai chương trình thu mua tài sản tạm thời đối với chứng khoán khu vực công và tư với tổng giá trị lên đến 750 tỷ Euro (819 tỷ USD). Ngoài ra, ECB cũng công bố gói chính sách mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Gói hỗ trợ mới gồm chương trình thu mua tài sản ròng tạm thời có giá trị 120 tỷ euro trên cơ sở kế hoạch mua trái phiếu hàng tháng hiện nay. Trong tuyên bố mới nhất, Ủy ban châu Âu (EC) dự báo tăng trưởng kinh tế của Liên minh EU sẽ thu hẹp 1% trong năm nay do tác động xấu của dịch Covid-19. Trong khi đó, Ủy ban Nội bộ EC nhận định tỷ lệ thu hẹp lên tới 2,5%.

Trái với sự bùng phát và lan rộng tại khu vực Âu-Mỹ, dịch Covid-19 tại Trung Quốc được nhận định đang có những diễn biến tích cực với số lượng người nhiễm bệnh giảm mạnh qua từng ngày. Trong bối cảnh này, chính quyền Trung Quốc bắt đầu cho khởi động lại guồng máy kinh tế, tuyên bố giảm thuế để kích thích đầu tư, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng nhằm phục hồi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Tuy nhiên, tính chung trong quý I/2020, dự báo GDP Trung Quốc vẫn sẽ giảm tới 9% trong quý 1/2020, mức giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục.

II. Kinh tế trong nước
Kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn trước những tác động khó lường của dịch Covid-19 cộng thêm yếu tố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn... Trong bối cảnh dịch bệnh chưa được khống chế và đang tác động bất lợi đến nền kinh tế toàn cầu nói chung, trong nước nói riêng, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn. Trong diễn biến mới nhất, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch. Theo đó, các đối tượng thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ được gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất. Trong khi đó, Bộ Công Thương đã quyết định cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tình hình hiện nay. Đối với NHNN, cùng với quyết định giảm tất cả các mức lãi suất điều hành trong tuần trước đó nhằm tạo thêm nguồn lực tài chính cho các ngân hàng thương mại, nhất là ngân hàng lớn để khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới để hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN cũng đang thực hiện một số biện pháp như yêu cầu các ngân hàng thương mại miễn, giảm, trì hoãn và cơ cấu lại lãi suất cho các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch.

Trong lĩnh vực thương mại, theo xu hướng chung của thương mại quốc tế và khu vực, hoạt động ngoại thương của Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn trước diễn biến nghiêm trọng của dịch Covid-19. Ước tính, tăng trưởng xuất khẩu trong quý I/2020 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ năm 2019 lên 59,08 tỷ USD. Xuất khẩu chậm lại cũng kéo theo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm 1,9% so với quý I/2019, ước đạt 56,26 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại của Việt Nam trong quý I/2020 ước tính tiếp tục thặng dư 2,82 tỷ USD, cao hơn so với mức xuất siêu 1,46 tỷ USD của cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý II/2020 dự kiến sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực, nhất là trong bối cảnh Covid-19 đang lan rộng tại EU và Mỹ - hai đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. 

Để có thông tin đầy đủ của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.131.268