Hợp tác kinh tế, thương mại tiếp tục là điểm sáng trong mối quan hệ song phương Việt Nam – Thái Lan
Trong những năm qua, Việt Nam và Thái Lan đã không ngừng nỗ lực để cùng đưa mối quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ, thực chất trên mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác thương mại. Đặc biệt, năm 2023 vừa qua là cột mốc quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - Thái Lan khi hai nước kỷ niệm 10 năm đối tác chiến lược. Tính đến nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực khác nhau, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất, nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 2 lần, từ 9,42 tỷ USD năm 2013 lên đến 18,99 tỷ USD năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 8,4%/năm. Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt giá trị cao nhất vào năm 2022 với 21,61 tỷ USD, chủ yếu do kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan ở mức cao.
Nhóm các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Thái Lan bao gồm điện thoại, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, sắt thép các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện… Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan những mặt hàng như: máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, nguyên liệu, hàng điện gia dụng và linh kiện.
Việt Nam và Thái Lan đều là thành viên chủ chốt của ASEAN và cả hai đều tham gia tích cực vào các thỏa thuận thương mại đa phương như CPTPP. Những nền tảng này không chỉ cung cấp cơ hội cho việc mở cửa thị trường mà còn tạo ra một môi trường ổn định cho các doanh nghiệp đầu tư và hợp tác. Tuy nhiên, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia cũng đối diện với một số thách thức. Sự cạnh tranh trong việc xuất khẩu các mặt hàng như nông sản có thể dẫn đến sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hai bên. Mặc dù vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến động kinh tế hiện nay, quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn được đánh giá là có tiềm năng lớn cho sự hợp tác và phát triển bền vững trong tương lai.
Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam –Thái Lan giai đoạn 2020-2023
Đơn vị tính: Tỷ USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Có thể nói, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan mang lại nhiều điểm mạnh và lợi ích đáng kể cho cả hai quốc gia. Một số ưu điểm trong quan hệ thương mại hai nước có thể kể tới như:
- Sự bổ sung và đa dạng: Việt Nam và Thái Lan có nền kinh tế đa dạng và phát triển, điều này tạo ra cơ hội để hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Việc mỗi quốc gia có các ngành công nghiệp và nguồn lực tự nhiên riêng biệt tạo ra sự bổ sung lẫn nhau, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của cả hai trên thị trường quốc tế.
- Thị trường lớn và tiềm năng: Cả Việt Nam và Thái Lan đều có dân số lớn và thị trường tiêu thụ sôi động. Hợp tác trong lĩnh vực thương mại giúp mở rộng quy mô thị trường và tiếp cận với các khách hàng mới, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
- Vị trí địa lý chiến lược: Cả hai quốc gia đều nằm ở vị trí địa lý chiến lược, kết nối các thị trường lớn trong khu vực Đông Nam Á. Sự gần gũi địa lý tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa hai quốc gia, giảm thiểu chi phí và thời gian vận chuyển.
Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Thái Lan trong năm 2023 (Việt Nam xếp thứ 9)
Đơn vị tính: %
Nguồn: Trademap.org
Theo số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 9 của Thái Lan, chiếm tỷ 2,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Thái Lan, cải thiện từ mức 2,6% của năm 2022. Đứng đầu trong danh sách này là các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hoa Kỳ, Malaysia…
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Thái Lan năm 2023 đạt 18,98 tỷ USD, giảm 12,11% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD, giảm 4,29% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 2,03% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta ra thế giới; nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, giảm 16,29% so với năm 2022, chiếm tỷ trọng 3,61% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thế giới. Trong đó đứng đầu là những nhóm hàng như: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (1,01 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (924,74 triệu USD); dầu thô (744,46 triệu USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (715,99 triệu USD)…
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan trong giai đoạn 2013 – 2023
Đơn vị tính: Tỷ USD, %
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Riêng trong tháng 2/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Thái Lan đạt 568,5 triệu USD, giảm 22,6% so với tháng trước đó và giảm 13,11% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan đạt 1,32 tỷ USD, tăng 11,72% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong 2 tháng qua, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang Thái Lan lớn nhất, với kim ngạch đạt 236,21 triệu USD, tăng 19,77% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 17,83% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang Thái Lan.
Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Thái Lan trong hai tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Triệu USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Ở chiều ngược lại, trong năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Thái Lan đạt 11,8 tỷ USD, giảm 16,29% so với năm trước. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (1,71 tỷ USD); ô tô nguyên chiếc các loại (1,15 tỷ USD); hàng hóa khác (1,08 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (908,27 triệu USD)…
Trong tháng 2/2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Thái Lan tổng 743,5 triệu USD, giảm 15,99% so với tháng trước và giảm 27,04% so với cùng tháng năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan tổng 1,63 tỷ USD, giảm 8,78% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan với trị giá nhập khẩu đạt 189,63 triệu USD, giảm 38,52% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 11,65% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ Thái Lan.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2024
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan đã trở thành một điểm sáng trong bối cảnh thương mại quốc tế, với nhiều hoạt động được triển khai để thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia này. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự biến đổi của nền kinh tế thế giới, việc tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Một trong những hoạt động quan trọng nhất để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan là việc tăng cường giao lưu thương mại và đầu tư. Cả hai quốc gia đã thực hiện nhiều hoạt động giao lưu kinh doanh, triển lãm thương mại, hội nghị đầu tư và hội thảo chuyên đề để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai bên tìm hiểu và khai thác cơ hội hợp tác kinh doanh. Các sự kiện như Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam - Thái Lan, Triển lãm Thương mại Quốc tế Việt Nam - Thái Lan đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư từ cả hai quốc gia, tạo ra cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin và ký kết các thỏa thuận hợp tác mới.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là nhóm ngành nông, thủy sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự nắm bắt được thị hiếu, sở thích, thói quen tiêu dùng của người Thái nên khâu chế biến, bao gói chưa đáp ứng được nhu cầu, sự ưa chuộng của người tiêu dùng Thái Lan. Trong khi đó, kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị, mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói, cho nên doanh nghiệp Việt cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng; nhất là các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình và các điều kiện để xin giấy chứng nhận nhập khẩu từ các cơ quan chức năng; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm đảm bảo duy trì chất lượng trong quá trình vận chuyển. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường tham dự các hội chợ triển lãm nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác phù hợp, quảng bá thương hiệu trên cơ sở niềm tin sẵn có của người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh.
Ngoài ra, việc thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ của cả hai quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại. Qua việc tổ chức các cuộc họp, đối thoại và thảo luận, các bên có thể tìm ra các biện pháp cụ thể để tăng cường hợp tác, giải quyết các vấn đề thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trên thị trường đối phương.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải và logistics cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa hai quốc gia. Việt Nam và Thái Lan đã đầu tư mạnh mẽ vào cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển và cơ sở hạ tầng logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa hai quốc gia. Sự phát triển của các cảng biển, đường sắt và đường bộ kết nối Việt Nam và Thái Lan không chỉ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển mà còn mở ra cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường và tăng cường hợp tác thương mại.
Việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Cả hai quốc gia đã hợp tác trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên và giảng viên, tổ chức các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp nâng cao năng lực lao động và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp hai bên trên thị trường quốc tế.
Vào tháng 12/2023, nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản tại Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Thái lan Srettha Thavisin. Trong khuôn khổ cuộc gặp, lãnh đạo hai bên đã bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ láng giềng hữu nghị và Đối tác Chiến lược Việt Nam - Thái Lan, nhất trí phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược tăng cường Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2022-2027, phấn đấu đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Hai Thủ tướng cũng nhất trí sớm đưa kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 25 tỷ USD thông qua tạo thuận lợi hơn nữa cho thị trường hàng hóa; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hai bên có tiềm năng và thế mạnh, trong đó có hợp tác xuất khẩu gạo. Cùng với đó, chú trọng triển khai sáng kiến "Ba kết nối" trên cơ sở bảo đảm lợi ích và cùng có lợi, tập trung vào các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam; đề nghị Thái Lan chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch và phối hợp xây dựng các chương trình hợp tác kết nối 3 nước, 4 nước trong lĩnh vực này. Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Thái Lan ở khu vực và hai bên còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trong tương lai.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp
-
Từ ngày 1-5/10/2024 tại Trung tâm triển lãm El Kram, thủ đô Tunis, Tunisia, Festival quốc tế cà phê Tunisia lần thứ hai sẽ chính thức được tổ chức. Festival có diện tích 1.500m2, dự kiến đón hơn 5.000 khách tham quan.
-
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, lực bán tiếp tục áp đảo trên thị trường hàng hoá nguyên liệu thế giới ngày hôm qua (27/3). Sắc đỏ chiếm ưu thế đã kéo chỉ số hàng hoá MXV-Index giảm 0,24% xuống 2.217 điểm.
-
Trong thời gian từ ngày 18 - 21/3/2024, tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã diễn ra Hội chợ Thực phẩm và Đồ uống Quốc tế 2024. Hội chợ là nơi hội tụ của gần 2.900 doanh nghiệp lớn nhỏ chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng như các công nghệ chế biến và đóng gói sản phẩm đến từ tất cả các khu vực thị trường thế giới
-
Indonesia là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 30/12/1955. Đến năm 2013, hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược. Hiện nay, Việt Nam vẫn là Ðối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại khu vực Ðông Nam Á. Hai bên đã nỗ lực thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động triển khai quan hệ Ðối tác chiến lược giai đoạn 2019 – 2023, đẩy mạnh hợp tác đi vào chiều sâu với nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông, kết nối địa phương, giao lưu nhân dân; hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước cũng được tăng cường.