Hải Dương: Vải Thanh Hà thu hoạch sớm mất mùa nhưng được giá
Do thời tiết ít mưa trong thời gian đậu quả cộng với nắng nóng kéo dài nên vải sớm năm nay ngọt hơn nhiều năm trước, tuy nhiên, sản lượng chỉ bằng một nửa so với vụ vải sớm năm ngoái.
Người dân bán vải cho các cơ sở thu mua để xuất khẩu. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Thời điểm này, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, bắt đầu thu hoạch vải sớm.
Vải sớm của huyện tập trung chính tại xã Thanh Quang và khu Hà Đông. Vải sớm là các giống chính u trứng trắng, u trứng gai và u hồng.
Các nhà vườn tại xã Thanh Quang huyện Thanh Hà cho biết do thời tiết ít mưa trong thời gian đậu quả cộng với nắng nóng kéo dài nên vải sớm năm nay ngọt hơn nhiều năm trước. Tuy nhiên, sản lượng chỉ bằng một nửa so với vụ vải sớm năm ngoái.
Hàng năm đầu vụ, giá vải sớm bao giờ cũng cao hơn vải chính vụ và vải cuối vụ. Thời gian đầu mới thu hoạch giá vải lên tới 80.000-90.000 đồng/kg.
Thời điểm này giá vải đã hạ nhiều, giá vải u trứng trắng đạt từ 40.000-45.000 đồng/kg, vải u trứng gai từ 30.000-35.000 đồng/kg, vải u hồng gần 30.000 đồng/kg, tuy nhiên so với đầu vụ năm ngoái giá vải năm nay cao từ 30-50%.
Toàn bộ các hộ dân trong thôn đều thực hiện trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, những hộ không nằm trong vùng VietGAP theo quy định cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn trồng và chăm sóc, phun thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chính vì vậy chất lượng vải ngày càng ngon về chất lượng, đẹp về mẫu mã, giá thành cũng cao hơn những năm trước đây.
Người dân trồng vải đều bám sát theo quy trình kỹ thuật của tỉnh và huyện hướng dẫn từ thời điểm chăm sóc, ra hoa, chăm sóc quả đến các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và bệnh hại.
Tại các hộ gia đình, gốc vải được quét sạch lá, từng thời điểm sinh trưởng và phát triển của quả vai được bón những loại phân đều tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của trạm bảo vệ thực vật.
Vì vậy, quả vải ở thời điểm nhỏ có thể chống được sương mai, chăm sóc để quả vải chất lượng, mẫu mã đẹp xuất khẩu được sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ.
Hai Duong: Vai Thanh Ha thu hoach som mat mua nhung duoc gia hinh anh 2Chính quyền địa phương và người dân kiểm tra chất lượng vải tại vườn. (Ảnh: Tiến Vĩnh/TTXVN)
Những chủ thu mua vải sớm năm nay cũng cho biết sản lượng vải năm nay ít hơn mọi năm tuy nhiên giá vải năm nay cao hơn nhiều năm trước, giá vải giao động từ 30.000-50.000 đồng/kg tùy loại.
Vải thu mua đến đâu tiêu thụ hết ngay đến đấy không có tình trạng tồn đọng vải trong kho, nhiều nơi không có vải để thu mua.
Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, chia sẻ chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cho người dân thu hoạch vải, thu mua vải và xuất đi các nơi tiêu thụ.
Xã đã thành lập 4 tổ đi kiểm tra các vùng vải ở trên địa bàn xã, vải sớm năm nay chỉ đạt từ 20-40%, tổng diện tích vải của xã là 701ha, năm ngoái thu được 8.323 tấn nhưng năm nay dự kiến tổng các loại vải đạt trên 60% so với năm ngoái.
Xã cũng đã khuyến cáo nhân dân trồng vải thực hiện đúng theo quy trình chăm sóc, thu hoạch theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp để nâng cao chất lượng và giá trị quả vải.
Ngay từ đầu năm huyện Thanh Hà đã tổ chức nhiều hội nghị để xúc tiến tiêu thụ vải; trong đó, kết nối với doanh nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm vải thiều Thanh Hà đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Năm 2023, huyện Thanh Hà cũng quan tâm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ để xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà nhằm đem quả vải Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế.
Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, những thị trường quan trọng tích cực quảng bá hình ảnh, thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều Hải Dương cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác.
Tại Thanh Hà, thời gian thu hoạch vải sớm gồm u trứng trắng, u trứng gai bắt đầu từ nửa cuối tháng 5, u hồng từ đầu tháng 6, vải thiều chính vụ và Tầu lại từ giữa tháng 6.
Toàn huyện có trên 3.300ha; trong đó, 85 vùng sản xuất vải tập trung với tổng diện tích 969ha với quy mô diện tích 5 ha/vùng trở lên.
Toàn huyện có 39 vùng được công nhân đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.
Năm 2022, toàn huyện thu hoạch được 44.000 tấn vải các loại, giá trị đạt trên 1.360 tỷ đồng.
Đã bước vào vụ vải sớm, người dân trồng vải Thanh Hà đang rất phấn khởi khi bán được giá cao cho những quả vải đưa ra thị trường.
Mặc dù sản lượng có giảm hơn mọi năm nhưng vẫn hứa hẹn một vụ vải bội thu cho người dân nơi đây./.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
-
Với sự phát triển của công nghệ số và tinh thần nỗ lực tự tạo cơ hội, các đơn vị kinh doanh trong tỉnh đã đưa những sản phẩm truyền thống của quê hương Bắc Kạn đến nhiều miền đất mới.
-
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mận hậu ở Yên Châu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp người trồng mận làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
-
Để có nguồn tiêu thụ, gắn kết trong chuỗi giá trị, xoài Đồng Tháp được đưa lên sàn Thương mại điện tử đã và đang là kênh phân phối quan trọng, góp phần giới thiệu, kết nối tiêu thụ xuyên biên giới.
-
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích sản xuất vải thiều là 1.340ha, ước đạt khoảng 17 nghìn tấn, trong đó, xã Phúc Hòa chiếm 680ha chủ yếu là trồng vải thiều sớm.