Hà Nội: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng tăng khá
Trong 5 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn TP. Hà Nội tăng khá, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đạt 197,2 nghìn tỷ đồng
Cục Thống kê TP. Hà Nội cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 của Hà Nội ước đạt 62,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng mức doanh thu tháng 5/2023, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 40,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 5,7%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% và tăng 42,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 6,2%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 307,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 197,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức và tăng 11,2% (doanh thu nhiên liệu tăng 15%; đá quý, kim loại quý tăng 12,2%; lương thực, thực phẩm tăng 11,9%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 11,8%; phương tiện đi lại trừ ô tô con tăng 10,1%; ô tô con dưới 9 chỗ ngồi tăng 9,5%; hàng hóa khác tăng 20%); doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 38,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,5% và tăng 11,9% (dịch vụ lưu trú tăng 40,5%; dịch vụ ăn uống tăng 9,7%); doanh thu du lịch lữ hành đạt 7,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,3% và gấp 2,4 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 64,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,1% và tăng 5,1%.
CPI bình quân 5 tháng tăng 1,52% so cùng kỳ trước
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 của Hà Nội tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 5, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước, trong đó nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,27% do vào mùa nắng nóng, nhiệt độ trung bình tháng 5/2023 cao hơn nhiều so với tháng trước và cùng kỳ các năm trước nên sản lượng tiêu thụ điện, nước tăng đột biến dẫn đến bình quân giá điện tăng 2,23%; giá nước tăng 1,74%; nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,18%. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại tăng nhẹ từ 0,03 - 0,15%: May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; Văn hóa, giải trí, du lịch tăng 0,08%; Thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,06%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,03%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Ngược lại, có 3/11 nhóm hàng có CPI trong tháng 5 giảm so với tháng trước. Trong đó, nhóm giao thông giảm 2,81% do giá xăng, dầu tiếp tục điều chỉnh giảm 2 kỳ vào ngày 04/5 và ngày 11/5/2023 khiến bình quân trong tháng giá nhiên liệu giảm so với tháng trước; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,38%; Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,1% chủ yếu do giá các loại thịt gia cầm, thủy, hải sản và rau tươi, khô, chế biến giảm nên giá nhóm hàng thực phẩm giảm 0,24%.
Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI của Thành phố tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong đó: Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 5,26%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,34%; Đồ uống và thuốc lá tăng 3,53%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,82%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,41%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,47%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,36%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,0%.
Có 3/11 nhóm hàng có CPI bình quân 5 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ bao gồm: Giáo dục giảm 4,11%; Giao thông giảm 2,03%; Bưu chính viễn thông giảm 0,35%.
Trong khi đó, chỉ số giá vàng và USD trên địa bàn tháng 5/2023 diễn biến ngược chiều nhau, với chỉ số giá vàng tăng 1,62% so với tháng trước và tăng 2,74% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá USD giảm 0,04% và tăng 2,13%. Bình quân 5 tháng, chỉ số giá vàng tăng 0,78% so với bình quân cùng kỳ năm trước; chỉ số giá USD tăng 3,2%.
Nguồn: tuhaoviet.vn
-
Do thời tiết ít mưa trong thời gian đậu quả cộng với nắng nóng kéo dài nên vải sớm năm nay ngọt hơn nhiều năm trước, tuy nhiên, sản lượng chỉ bằng một nửa so với vụ vải sớm năm ngoái.
-
Với sự phát triển của công nghệ số và tinh thần nỗ lực tự tạo cơ hội, các đơn vị kinh doanh trong tỉnh đã đưa những sản phẩm truyền thống của quê hương Bắc Kạn đến nhiều miền đất mới.
-
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mận hậu ở Yên Châu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp người trồng mận làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
-
Để có nguồn tiêu thụ, gắn kết trong chuỗi giá trị, xoài Đồng Tháp được đưa lên sàn Thương mại điện tử đã và đang là kênh phân phối quan trọng, góp phần giới thiệu, kết nối tiêu thụ xuyên biên giới.