VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Giải pháp phát triển bền vững cho ngành mía đường trong tình hình mới

01/12/2020 14:30

(DNTM) Ngày 01 tháng 12 năm 2020, Bộ Công Thương và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp chỉ đạo, giao Cục Phòng vệ Thương mại và Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức tổ chức Hội nghị “Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới” nhằm thảo luận, trao đổi và tìm ra những giải pháp để đảm bảo phát triển ngành mía đường một cách bền vững, giúp tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng, nâng cao năng lực ngành sản xuất mía đường trong nước cũng như lợi ích bền vững cho người nông dân trồng mía.


Toàn cảnh Hội thảo

 Tham dự Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội nông dân Việt Nam, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cùng các đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành. Cùng tham dự còn có lãnh đạo nhiều địa phương, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh lĩnh vực mía đường và đại diện nông dân trồng mía trên khắp cả nước.
 
Sau khi Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan với các nước ASEAN từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trên cơ sở kiến nghị của ngành mía đường và ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 14 tháng 7 năm 2020 về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, bên cạnh những giải pháp căn cơ được đặt ra để đảm bảo phát triển ngành mía đường một cách bên vững như vấn đề nâng cao chất lượng giống mía, xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn, thực hiện cơ giới hóa trong trồng trọt và sản xuất cây mía,... thì các giải pháp quản lý về thương mại đối với sản phẩm đường mía cũng được đặt ra như theo dõi, triển khai điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý đường nhập khẩu trong tình hình mới.
 
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và mức thuế chỉ 5%, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì con số này đạt hơn 1,1 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2020; trong đó lượng đường mía nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan chiếm 87,67%. Ngoài ra, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.
 
Các ý kiến tại Hội thảo nhận định: Ngành mía đường đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức “kép”, đó là: Tác động của dịch Covid-19 và sự cạnh tranh gay gắt của đường nhập khẩu. Từ thực tiễn đó, đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp sản xuất đường và đại diện nông dân trồng mía đã cùng chia sẻ, thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ dây chuyền sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đường Việt Nam; đề xuất các giải pháp chính sách nhằm hỗ trợ nông dân trồng mía và các nhà máy đường.


Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin về các vụ việc điều tra áp dụng phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu

 Đối với nhóm giải pháp phòng vệ thương mại, từ trước khi bãi bỏ hạn ngạch thuế quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường Việt Nam theo dõi sát tình hình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đồng thời hỗ trợ ngành sản xuất trong nước chuẩn bị thông tin cần thiết để nộp hồ sơ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại trong trường hợp lượng nhập khẩu đường gia tăng quá nhanh gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Hiện nay, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu đầy đủ và hợp lệ của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đang thực hiện điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan; điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
 
Việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu được thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành đường cũng như quy định của WTO và các Hiệp định FTA. Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều tra, áp dụng các biện pháp này trên cơ sở quy định pháp luật, dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, coi trọng việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, xác định tác động kinh tế-xã hội của biện pháp, tính tới lợi ích dài hạn của nền kinh tế.
 

V.H
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.129.887