VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Giá xăng dầu trong nước đồng loạt giảm mạnh

21/03/2022 15:33

Thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 lại đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi OPEC chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2022 và kỳ điều hành ngày 21/3/2022 là: 121.912 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 10.340 USD/thùng, tương đương  giảm 7.82% so với kỳ trước); 125.842 USD/thùng xăng RON95 (giảm 9.908 USD/thùng, tương đương giảm 7.30% so với kỳ trước; 120.408 USD/thùng dầu hỏa (giảm 14.840 USD/thùng, tương đương giảm 10.97% so với kỳ trước); 122.338 USD/thùng dầu diesel (giảm 22.853 USD/thùng, tương đương giảm 15.74% so với kỳ trước); 625.090 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 22.757 USD/tấn, tương đương giảm 3.51% so với kỳ trước).

Biến động giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới 11/3/2022 – 21/3/2022

(Chi tiết tại bảng thống kê giá thành phẩm xăng dầu thế giới 10 ngày gần đây)

Tình hình dịch bệnh trong nước vẫn tiếp diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, theo chủ trương mới của Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đang được khôi phục trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-1.500 đồng/lít.  

Kỳ điều hành lần này, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 02 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây), mức chi Quỹ BOG cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300-1.500 đồng/lít) trong khi số dư Quỹ BOG đã gần hết (tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm). Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giảm chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập Quỹ BOG đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho Quỹ BOG và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; hạn chế tác động tiêu cực của giá xăng dầu đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.

Thực hiện các quy định, hướng dẫn, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và các cấp có thẩm quyền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính quyết định:

Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

- Trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu:

Trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập. 

- Chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: ngừng chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Giá bán xăng dầu

Sau khi thực hiện điều chỉnh mức trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

- Xăng E5RON92: không cao hơn 28.330 đồng/lít (giảm 655 đồng/lít so với giá hiện hành);

- Xăng RON95-III: không cao hơn 29.192 đồng/lít (giảm 632 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu diesel 0.05S: không cao hơn 23.633 đồng/lít (giảm 1.635 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu hỏa: không cao hơn 22.245 đồng/lít (giảm 1.673 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

- Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 20.423 đồng/kg (giảm 564 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước

 

 Thời gian thực hiện

- Trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu: áp dụng từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 3 năm 2022.

- Áp dụng mức giá bán đối với các mặt hàng xăng dầu: do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quy định nhưng không muộn hơn 15 giờ 00 ngày 21 tháng 3 năm 2022.

- Kể từ 15 giờ 00 ngày 21 tháng 3 năm 2022, là thời điểm Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ công bố tại Công văn này cho đến trước ngày Bộ Công Thương công bố giá cơ sở kỳ kế tiếp, việc điều chỉnh giá bán các mặt hàng xăng dầu do thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu quyết định phù hợp với các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 104/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, Thông tư số 103/2021/TT-BTC ngày 18 tháng 11 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Bộ Công Thương gửi tới các cơ quan thông tin đại chúng để kịp thời đưa thông tin, định hướng dư luận đồng thuận với chủ trương điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
 

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh đăng ký mã số xuất khẩu sang Trung Quốc
    Bộ Công Thương đôn đốc Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm phản hồi và cấp mã số đăng ký đối với danh sách doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của Việt Nam, đảm bảo cho hoạt động thương mại được ổn định.
  • Mặt bằng giá cơ bản được kiểm soát
    Hiện nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, song giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng sẽ tạo áp lực lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung, việc quản lý điều hành giá...
  • Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
    Toạ đàm “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” vừa được tổ chức đã góp phần khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm môi trường kinh doanh tiêu dùng an toàn lành mạnh và bình đẳng trong thời kỳ mới.
  • Chuyển đổi số - bước đột phá nâng giá trị nông sản
    Việc ứng dụng chuyển đổi số vào chuỗi giá trị nông sản sẽ làm thay đổi nhận thức của người sản xuất, đồng thời là bước đột phá để nâng giá trị nông sản, tăng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.194.053