Đưa sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP của Bắc Kạn vươn xa
Với sự phát triển của công nghệ số và tinh thần nỗ lực tự tạo cơ hội, các đơn vị kinh doanh trong tỉnh đã đưa những sản phẩm truyền thống của quê hương Bắc Kạn đến nhiều miền đất mới.
Từ củ nghệ, Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng.
Thành lập từ năm 2015, đến nay, Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà, tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn đã xây dựng thương hiệu mang đến cho khách hàng trong và ngoài nước những sản phẩm chất lượng được tinh chế, chiết xuất từ cây nghệ. Là loại cây truyền thống gắn bó với người dân trong tỉnh lâu đời, đến nay cây trồng này đã mang lại thu nhập cao, đồng thời góp phần đưa hình ảnh quê hương Bắc Kạn đến mọi miền.
Sau gần 08 năm hoạt động, với sự nỗ lực không ngừng, 11 sản phẩm của Công ty tham gia OCOP đều được đánh giá 4 sao và 3 sao; các sản phẩm đã đủ tiêu chuẩn lên sàn thương mại quốc tế… Số sản phẩm bán ra cho thu nhập năm sau cao hơn năm trước, xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng. Nhiều khách hàng nước ngoài đã đặt mua và quay lại sử dụng thường xuyên.
Chia sẻ về công tác quảng bá, đưa sản phẩm đến với khách hàng, bà Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà cho biết: Với công ty chúng tôi, chất lượng sản phẩm bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu. Công tác truyền thông có làm tốt đến đâu mà chất lượng sản phẩm không tốt thì cũng sẽ không thể tồn tại dài lâu và phát triển bền vững được. Việc giới thiệu sản phẩm được Công ty rất chú trọng. Nếu có cơ hội, chúng tôi đều tham gia các hội nghị, hội chợ, lễ hội… để quảng bá. Thời đại công nghệ số đang phát triển như hiện nay, công tác truyền thông qua mạng xã hội đang mở ra nhiều cơ hội. Chúng tôi đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, lập trang riêng để quảng bá và bán sản phẩm…
Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà hiện đang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh thương mại điện tử.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) Thiên An ở xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, chuyên sản xuất các sản phẩm mang đậm bản sắc truyền thống như: Thảo dược, gối thảo dược, quần áo, đồ trang trí thêu tay họa tiết dân tộc Dao… Những năm gần đây, HTX đã quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đầu tư thêm một số máy móc, trang thiết bị để chế biến, đóng gói sản phẩm. Vì vậy mẫu mã và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, được thị trường đón nhận.
Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An cho biết: "Khi mới thành lập, HTX chủ yếu bán hàng theo phương thức truyền thống kết hợp với tiêu thụ tại một số hội chợ ở địa phương, tuy nhiên chưa có nhiều khách hàng biết đến. Để sản phẩm đến được tay người tiêu dùng, chúng tôi đã mời cán bộ về mở lớp hướng dẫn kiến thức về công nghệ thông tin để quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng.
Hiện nay, các sản phẩm của Thiên An đã có mặt trên 4 sàn thương mại điện tử lớn, bao gồm: Tiki, Shopee, Voso và Postmart. HTX đã hoàn thiện được quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn. Các sản phẩm của HTX đều được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu rõ ràng, được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc và ứng dụng BlockChain để kiểm định chất lượng tất cả các khâu một cách hiện đại, đem lại sự tin tưởng cao cho khách hàng. Trang web của HTX hằng ngày có nhiều lượt truy cập; các kênh bán hàng trên trang thu hút được nhiều khách hàng trong và ngoài nước vào xem, mua hàng. Sau khi biết ứng dụng công nghệ thông tin, số lượng đơn hàng của HTX đã tăng, thu nhập của thành viên ngày một ổn định hơn.
Sản phẩm của HTX Thiên An tiếp cận với khách nước ngoài.
Hiện nay, để mở rộng thị trường cho các sản phẩm địa phương, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 8 đơn vị xây dựng website bán hàng, tiếp thị sản phẩm; hỗ trợ tập huấn cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ nhóm về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử... Qua đó, quảng bá rộng rãi sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước./.
Nguồn: Báo Bắc Kạn
-
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mận hậu ở Yên Châu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương, giúp người trồng mận làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
-
Để có nguồn tiêu thụ, gắn kết trong chuỗi giá trị, xoài Đồng Tháp được đưa lên sàn Thương mại điện tử đã và đang là kênh phân phối quan trọng, góp phần giới thiệu, kết nối tiêu thụ xuyên biên giới.
-
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có tổng diện tích sản xuất vải thiều là 1.340ha, ước đạt khoảng 17 nghìn tấn, trong đó, xã Phúc Hòa chiếm 680ha chủ yếu là trồng vải thiều sớm.
-
Doanh nghiệp điện tử trong nước đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn điện tử toàn cầu.