VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Dệt may Việt Nam thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ

29/11/2022 15:44

Trước áp lực giảm phát, lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá… ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ…

Doanh nghiệp chịu nhiều khó khăn, áp lực lớn

Trong nửa cuối năm 2022, tình hình xuất nhập khẩu ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khi Việt Nam đang nhập khẩu trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này, cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia nhập khẩu về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu...

Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang ở giai đoạn khó khăn và chịu áp lực rất lớn. Việc sụt giảm 25-27% các đơn hàng trong những tháng cuối năm 2022 do sức mua của toàn cầu giảm và có thể còn kéo dài đến quý 1/2023. Những đơn vị làm gia công chịu áp lực lớn hơn các doanh nghiệp làm FOB (tự chủ nguyên liệu) do FOB chủ động được thị trường, đầu vào, lãi suất ngân hàng tăng...

Hơn nữa với những đơn vị làm mặt hàng rẻ, giá thấp trước đây thì hầu như từ cuối quý 2/2021 đến nay đều hụt đơn hàng ở mức cao. Sản phẩm cao cấp dù không đảm bảo 100% như trước đây nhưng vẫn trụ vững được.

Bên cạnh đó, là những khó khăn về lao động. Số lao động trong ngành nghỉ việc có tỷ trọng thấp,mức giảm lao động của ngành từ 5-7%.

Tự chủ nguồn cung, giảm phụ thuộc thị trường quốc tế

Trước áp lực giảm phát, lạm phát, đồng tiền của các nước mất giá… ngành dệt may đã tìm ra đối sách đa dạng hoá thị trường. Doanh nghiệp đã chuyển đổi từ gia công sang phát triển mẫu, quản trị số, thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ…


Ảnh: Dệt may Việt Nam thúc đẩy giải pháp chuỗi cung ứng tự chủ (Nguồn: internet)

Nhờ những giải pháp trên, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu dệt may đạt gần 38 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2021,đây là nỗ lực rấtlớn của ngành.

Cũng trong 10 tháng qua, ngành dệt may đã xuất khẩu đi66 nước, vùng lãnh thổ. Đây là sự bứt phá của ngành trong phát triển thị trường. Số mặt hàng đang duy trì xuất khẩu từ 47-50 mặt hàng khác nhau.

Trong tổng số kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 38 tỷ USD thì có 29 tỷ USD là quần áo may mặc các loại. Ngoài sản phẩm may mặc, ngành dệt may Việt Nam cũng xuất khẩu vải với 2,13 tỷ USD, xơ sợi- 4,083 tỷ USD, phụ liệu may- 1,165 tỷ USD, vải địa- 747 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 42%, tiếp đến là Trung Quốc- 11%, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng chiếm 9%, thị trường khu vực ASEAN chiếm 6%, Nga 1%,còn lại là các thị trường khác. Quần áo may mặc các loại vẫn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, tới 29,1 tỷ USD. Thị trường Mỹ với 13,9 tỷ USD; các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)đạt hơn 4,7 tỷ USD; các nước EU- 3,63 tỷ USD; Hàn Quốc- 2,52 tỷ USD; Trung Quốc- 925 triệu USD.Đặc biệt, năm nay Trung Quốc cũng là thị trường lớn, với kim ngạch xuất khẩu gần 1 tỷ USD,

Với những kết quả này, ngành Dệt may vẫn tự tin với mục tiêu 42 tỷ USD cho cả năm 2022, tăng 3,8% so với năm 2021.

Mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD trong năm 2023

Trong giai đoạn 2023-2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa. Với quy mô dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là thị trường tiêu thụ dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Dù còn khó khăn, nhưng những dấu hiệu khởi sắc trong năm tới vẫn rõ nét, ngành dệt may hướng mục tiêu xuất khẩu năm 2023 khoảng 45-47 tỷ USD. Với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, là nền tảng tạo giải pháp đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt, năm 2023, một số FTA sẽ về đích mức thuế suất bằng 0%, đây chính là động lực thúc đẩy chuyển dịch đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam.

Sự chuyển dịch đầu tư từ các nước vào Việt Nam có bứt phá, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá mặt hàng… Ngoài ra, việc chủ động được nguyên phụ liệu trong nước càng ngày càng tăng. Hiện tỷ lệ nội địa hoá của ngành là 49%, mục tiêu đạt 50-51% giai đoạn 2023-2025.

Bên cạnh đó, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam.Đặc biệt là sự khuyến khích doanh nghiệp dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo (ODM), giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Để đạt các mục tiêu đặt ra trong năm 2023, trong bối cảnh hiện nay, Vitas cùng với Hiệp hội da giày và Túi xách Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành về việc giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, tiếp tục tìm các nguồn tài chính cho doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.

Đồng thời, với ngành hàng có xuất khẩu lớn như dệt may nên cân nhắc giữ lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ ổn định lao động.

Cần trợ lực để công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển

Tại Việt Nam, việc phát triển công nghiệphỗ trợ ngành dệt may vẫn còn đang gặp khó khăn. Nguyên nhân bởi rất khó triển khai các dự án dệt, nhuộm, do các địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Chưa kể, đây là ngành đòi hỏi nguồn lực lớn, bao gồm vấn đề công nghệ, đất đai, nhân lực kỹ thuật cao… mà nhiều địa phương chưa có đủ nguồn lực.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù là ngành xuất khẩu có trị giá lớn, hàng năm mang về kim ngạch trên 40 tỷ USD, nhưng ngành dệt may đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân công và nguyên phụ liệu giá rẻ như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Trong đó, đặc biệt là các nước thành viên của Hiệp định CPTPP.

Các doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khoảng 70-80% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may cả nước nói chung đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải. Nguyên nhân của vấn đề này là bởi khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất. Ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.

Việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa mới bảo đảm cho doanh nghiệp làm chủ sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Điều này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp dệt may phải tập trung phát triển theo chuỗi; kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị…


 

Nguồn: Phòng TTCN

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.130.162