Hội nghị có sự hiện diện của đồng chí Nguyễn Khắc Định, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Ngô Đông Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch HĐND; đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện toàn thể lãnh đạo các ban, ngành trong tỉnh. Phía Hàn Quốc có sự tham dự của ngài Đại sứ Park Noh Wan, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và gần 100 doanh nghiệp của Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong 30 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, hợp tác giữa hai bên đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong các lĩnh vực mới như an ninh kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu, quốc phòng, bên cạnh các lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển du lịch. Hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam tiếp tục tăng cường trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, kim ngạch thương mại giữa hai nước đang tăng nhanh trở lại sau đại dịch. Nếu dựa trên kim ngạch thương mại song phương cho đến hết tháng 5 năm nay (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước), thì có thể dự đoán rằng: mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương vào năm 2024 là có thể đạt được.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, kể từ khi Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 đến nay, quan hệ hợp tác giữa hai Bên đã có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Hai nước đã trở thành đối tác quan trọng bậc nhất của nhau; trong đó, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt trên 78 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm trước và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với hơn 9.340 dự án, tổng vốn đầu tư đạt gần 80 tỷ USD. Hiện nay, hai nước đang bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 và cùng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ song phương.
Trong khi đó, Thái Bình là tỉnh đồng bằng duyên hải Bắc Bộ, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); Có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy, đường biển và hàng không; Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có khả năng tay nghề cao; đặc biệt là một trong số ít địa phương của Việt Nam có Khu kinh tế với quy mô gần 31.000 ha, cùng với nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư. Đây là những lợi thế riêng, là nền tảng quan trọng giúp cho các Nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tìm kiếm, gặt hái được thành công khi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh lâu dài, ổn định tại Thái Bình.
Theo Bộ Trưởng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực. Để đạt được mục tiêu ấy, một trong các giải pháp quan trọng là phải thu hút được những doanh nghiệp có uy tín, năng lực về tài chính, công nghệ vào đầu tư tại tỉnh; đồng thời ưu tiên thu hút các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, thân thiện với môi trường và có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc với những ưu thế về văn hóa tương đồng, giàu kinh nghiệm đầu tư ở nước ngoài, có năng lực tài chính, công nghệ và quản trị tốt đang có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam để vừa duy trì, phát triển ổn định sản xuất, kinh doanh trước khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ngày càng hiện hữu trong khu vực và trên toàn cầu, vừa nhằm khai thác các cơ hội từ thị trường nội địa 100 triệu dân, cũng như hàng tỷ người tiêu dùng tại các thị trường mà Việt Nam là đối tác thương mại thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
“Có thể nói, đây chính là lúc, là nơi mà khả năng và nhu cầu của cả Hàn Quốc, Việt Nam và Thái Bình hội tụ; là thời điểm được xem là “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” để các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể gia tăng đầu tư vào địa bàn tỉnh, cũng như tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các đối tác Hàn Quốc và tỉnh Thái Bình, góp phần đưa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Bên lên tầm cao mới” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cấp uỷ, chính quyền tỉnh Thái Bình tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các hạ tầng khu kinh tế, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế (như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hóa chất, chế biến, chế tạo và điện tử) theo đúng quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Với vai trò là Bộ kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Lãnh đạo Bộ Công Thương sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa cho tỉnh Thái Bình và các đối tác Hàn Quốc trong quá trình triển khai các hoạt động hợp tác, đầu tư; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao Chính phủ; sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam. Cùng với sự nỗ lực, năng động của các cấp, các ngành tỉnh Thái Bình, sau Hội nghị này, Thái Bình sẽ thấy một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tỉnh trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Thái Bình có nhu cầu phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển của tỉnh Thái Bình, sự hợp tác, gắn bó và sự thịnh vượng chung của hai nước.
Trong khuôn khổ của Hội nghị, tỉnh Thái Bình đã công bố quyết định thành lập Tổ công tác xúc tiến đầu tư Hàn Quốc Korea Desk. Đồng thời, Thái Bình cũng tổ chức trao Giấy chứng nhận đầu tư, Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh với Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, thỏa thuận nguyên tắc cho thuê lại đất và cơ sở hạ tầng cho các công ty Hàn Quốc.
Nguồn: Moit.gov