VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu hàng hóa 5 tháng cuối năm

09/08/2019 09:22
(DNTM) Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu là 6-8% tăng trưởng so với năm trước.
                                                                    

Từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD. Ảnh minh họa
 
Theo như Bộ Công Thương đã dự báo khi xây dựng kế hoạch, kịch bản xuất nhập khẩu năm 2019, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại do giá của một số mặt hàng giảm sau khi đã đạt ở mức cao trong các năm 2017-2018, cụ thể như nhóm nông sản. Đi kèm theo đó là sự gia tăng các yếu tố rủi ro, thách thức do bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vấn đề Anh rời khỏi EU vẫn chưa được giải quyết, căng thẳng thương mại mới đây giữa Nhật Bản và Hàn Quốc hay rủi ro đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá trong thời gian tới sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ ngày 01 tháng 9 của Tổng thống Hoa Kỳ.
 
Đến nay có thể thấy hoạt động xuất nhập khẩu năm 2019 đang diễn ra sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu là 6-8% tăng trưởng so với năm trước.
 
Trong bối cảnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đạt được một số thành tựu đáng chú ý.
 
Quy mô xuất khẩu tăng trưởng cao, đạt mức chỉ tiêu Quốc hội giao
 
Theo số ước của liên Bộ, tính đến hết tháng 7 năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. 7 tháng đầu năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
 
Mức tăng trưởng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội là tăng trưởng xuất khẩu từ 7%-8% trong năm 2019.
 
Kết quả xuất khẩu của Việt Nam cũng là tích cực nếu so sánh với kết quả xuất khẩu của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của các nước hầu hết đều giảm hoặc chỉ đạt mức tương đương so với cùng kỳ. Theo số liệu từ WTO, xuất khẩu của Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1.171,2 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ; của Brazil đạt 109,8 tỷ USD, giảm 3,5%. Các nước trong khu vực mới chỉ cập nhật số liệu 4-5 tháng của năm 2019, nhưng nhìn chung đều chịu sự giảm sút của xuất khẩu: Thái Lan 5 tháng đạt 101,6 tỷ USD, giảm 3,1%; Singapore 5 tháng đạt 162 tỷ USD, giảm 3,3%; Malaysia 4 tháng đạt 78,4 tỷ USD, giảm 4,7%; Indonesia 4 tháng đạt 53,7 tỷ USD, giảm 8,7%.
 
Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước tăng mạnh
 
Kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước trong 7 tháng năm 2019 ước đạt 44 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018; cao hơn tốc độ tăng của khối doanh nghiệp FDI (tăng 5,6% so với cùng kỳ).
 
Khác với thời gian trước, động lực tăng trưởng của khối trong nước trong 7 tháng đầu năm 2019 không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xuất khẩu nhiều mặt hàng như gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm dệt may, sản phẩm chất dẻo,... của khối doanh nghiệp trong nước tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hội nhập kinh tế quốc tế đã thực sự tác động, tạo thuận lợi cho sản xuất và hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
 
Kết quả xuất siêu được tiếp tục duy trì
 
Từ đầu năm 2019, mặc dù có thâm hụt thương mại trong một vài tháng nhưng tính chung 7 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn giữ được xuất siêu. Mức thặng dư cán cân thương mại 7 tháng đầu năm là 1,79 tỷ USD.
 
Xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA và sang Hoa Kỳ đạt mức tăng trưởng cao
 
Trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt như xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 9,66 tỷ USD, tăng 8,9%; xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 9,12 tỷ USD, tăng 4,7%; xuất khẩu sang ASEAN đạt 12,92 tỷ USD, tăng 5,6%.
 
Một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt. Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 21,9%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 16,5%. Mexico tăng 23,43% (đạt 1,31 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 21,28%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,8%, dệt may tăng 24,63%, giày dép tăng 11,17%.
 
Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 27,51 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những mặt hàng chủ lực đều tăng cao như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 32,2% (đạt 2,25 tỷ USD); dệt may tăng 10,1% (đạt 7,03 tỷ USD); giày dép tăng 15,3% (đạt 3,18 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 77,1% (đạt 2,3 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 81,9% (đạt 4,18 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 52% (đạt 2,07 tỷ USD).
 
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng quá thấp
 
Xuất khẩu sang Trung Quốc 6 tháng năm 2019 chỉ đạt 16,68 tỷ USD, tăng 0,3% (tương đương mức tăng 42,7 triệu USD). Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng quá thấp một phần đến từ nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 không khởi sắc. Xung đột thương mại Mỹ-Trung làm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc không có đơn hàng mới, phải cắt giảm nhân công, tác động mạnh đến thu nhập và sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Ngoài ra, đồng NDT yếu đi cũng làm hàng hóa nước ngoài đắt lên tương đối.
 
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2019 của nước này đạt 990 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng Trung Quốc giảm nhập khẩu so với cùng kỳ có: gạo (1,27 triệu tấn, trị giá 665,9 triệu USD, giảm 28,7% về lượng và 30,7% về trị giá), cá đông lạnh (2,3 tỷ USD, giảm 9,5%), cao su thiên nhiên (1,07 triệu tấn, trị giá 1,44 tỷ USD, giảm 5,2 % về lượng và 3,7% về trị giá), các sản phẩm công nghiệp như xơ sợi, máy vi tính và linh kiện, thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh, giấy và các sản phẩm từ giấy, nhựa, sắt thép, kim loại thường khác.
 
Do vậy, không chỉ từ Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ nhiều nước đều giảm hoặc chỉ tăng nhẹ như từ Hàn Quốc giảm 14,6%, từ Nhật Bản giảm 6,4%, từ Đài Loan giảm 7% và từ Thái Lan tăng 0,5%.
 
Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU giảm so với cùng kỳ năm trước
 
Xuất khẩu sang thị trường EU 6 tháng đầu năm 2019 đạt 20,5 tỷ USD, giảm 0,6% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2018. Trong đó, 5 mặt hàng có sự sụt giảm xuất khẩu làm xuất khẩu chung vào EU giảm mạnh là:
+ Điện thoại các loại và linh kiện: đạt 6,26 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang các thị trường sau giảm: Áo, Đức, Hà Lan, Anh, Thụy Điển.
+ Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: đạt 2,19 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang Hà Lan giảm mạnh.
+ Sắt thép các loại: đạt 137 triệu USD, giảm 42,9% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang tất cả các thị trường đều giảm, một phần do giá thép trên thị trường giảm mạnh.
+ Cà phê: đạt 651 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm (do giá xuất khẩu cà phê giảm hơn 10% so với cùng kỳ).
+ Thủy sản: đạt 597,5 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ, do xuất khẩu sang các thị trường sau giảm: Hà Lan, Bỉ, Italy.
 
Tuy nhiên, ngoại trừ cà phê và thủy sản, xuất khẩu 3 mặt hàng còn lại, đặc biệt là điện thoại các loại và linh kiện tuy giảm ở thị trường EU nhưng đã tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Hoa Kỳ. Xuất khẩu sang thị trường EU cũng có một số nét tích cực từ các mặt hàng: máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, gỗ, giày dép, rau quả.
 
Xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mặt hàng điện thoại
 
Xuất khẩu dựa nhiều vào mặt hàng điện thoại nên khi xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện tăng không cao đã kéo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung chậm lại, cũng như làm kết quả xuất khẩu sang một số thị trường như EU, Trung Quốc giảm mạnh. Nếu như không tính mặt hàng điện thoại và linh kiện, xuất khẩu cả nước đạt 117,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ (cao hơn 1,1% so với mức tăng 7,5% của xuất khẩu khi tính cả mặt hàng điện thoại).
 
Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản giảm
 
Trong 7 tháng đầu năm 2019, có tới 6/9 mặt hàng xuất khẩu chính trong nhóm hàng nông sản, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm là thủy sản (ước 4,64 tỷ USD, giảm 1,9%), rau quả (ước 2,32 tỷ USD, giảm 0,3%), hạt điều (ước 1,77 tỷ USD, giảm 11%), gạo (ước 1,71 tỷ USD, giảm 14%), cà phê (ước 1,83 tỷ USD, giảm 18,7%) và sắn (ước 517 triệu USD, giảm 12,7%).
 
Tính chung nhóm hàng nông sản, thủy sản 7 tháng đầu năm, tác động giảm do giá đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu 1,22 tỷ USD, trong khi tác động tăng về lượng xuất khẩu chỉ giúp tăng 288 triệu USD, không đủ bù lại tác động do giá xuất khẩu giảm.
 
Có nhiều nguyên nhân làm xuất khẩu nông sản, thủy sản giảm như: (i) Tình trạng cung vượt cầu, tồn kho của thế giới ngày càng lớn của một số mặt hàng kéo giá xuất khẩu giảm trong khi lượng cũng không tăng; (ii) Chủ nghĩa bảo hộ diễn biến ngày càng rõ ràng, phức tạp hơn; (iii) Tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung tới xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cả một số thị trường khác; và (iv) Xuất khẩu vẫn còn khả năng tăng trưởng nhờ thị trường nước ngoài được mở rộng; tuy nhiên nếu không giải quyết được vấn đề về kiểm dịch động, thực vật, kiểm dịch vệ sinh an toàn chất lượng thì xuất khẩu nhóm hàng này cũng khó có đột biến.
 
Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu 5 tháng cuối năm
 
Theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các Bộ, ngành, tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, những đổi mới hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu; những cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tiết giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.
 
Việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
 
Tuy vậy, xuất khẩu những tháng còn lại của năm 2019 tiếp tục đối mặt với một số khó khăn, thách thức, cụ thể như:
 
Kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF đưa ra vào cuối tháng 7, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ ở mức 3,2%, giảm 0,4% so với năm 2018, trong đó tăng trưởng của Trung Quốc dự báo chỉ đạt 6%, của khu vực châu Âu là 1,3%, đều thấp hơn năm trước. Tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến chỉ đạt 2,4% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức 3,7% của năm 2018.
 
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Đặc biệt tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua vào Hoa Kỳ cũng đi kèm với rủi ro có thể sẽ chịu những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu, hạn chế thương mại từ phía Hoa Kỳ. 
 
Các nước tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe như EC siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc v.v... Trong khi đó, mặc dù vấn đề an toàn thực phẩm của nông sản Việt Nam tuy được cải thiện so với trước đây nhưng chưa thật sự bền vững. Năng lực chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng được với yêu cầu của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp.
 
Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.
 
Nguồn cung toàn cầu tiếp tục tăng, ngày càng nhiều nước tham gia cung ứng nông sản, trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dẫn đến cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản. Do vậy, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu.
 
Về thị trường xuất khẩu, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn đối diện với những khó khăn thách thức như: EU chưa bỏ thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam; truyền thông các nước Nam Âu (Rumani, Tây Ban Nha) tiếp tục bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam; các nước sản xuất đang gia tăng sản lượng sản xuất cá tra (Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Trung Quốc)
 
Dự báo cả năm 2019 xuất khẩu đạt khoảng 261-262 tỷ USD, tăng khoảng 7-7,5% so với năm 2018. Như vậy, từ nay tới cuối năm, bình quân mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2-23,4 tỷ USD.
 
Với những nỗ lực trong việc mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đẩy mạnh xuất khẩu của Chính phủ, các Bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp, xuất khẩu hàng hóa được kỳ vọng có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.
 
P.V
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.195.045