VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Cơ hội và những lưu ý cho ngành thuốc lá khi Việt Nam gia nhập CPTPP và EVFTA

21/10/2019 15:06

 Lộ trình cam kết của các nước CPTPP trong việc mở cửa thị trường thuốc lá và tiềm năng cho Việt Nam trong xuất khẩu thuốc lá

CPTPP ký ngày 8/3/2018 và bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/01/2019, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, việc 100 % dòng thuế đối với tất cả hàng hóa sẽ về 0% theo lộ trình 7 năm (với Việt Nam được kéo dài lộ trình 7 đến 10 năm) cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp. Các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp từ CPTPP có thể kể đến như: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… tuy nhiên lợi ích nhiều hay ít còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị của từng ngành, các doanh nghiệp và phụ thuộc vào điều kiện cũng như việc tổ chức thực thi cam kết hội nhập, cải cách để hướng tới tăng trưởng bền vững.

Khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại, mà còn tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường. Sở hữu trí tuệ hay mua sắm công cũng là những lĩnh vực Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác. Hiệp định CPTPP cũng sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.

Bảng 1: Cam kết về thuế mặt hàng thuốc lá và lộ trình cắt giảm thuế của các nước thành viên Hiệp định CPTPP

 

Thuế NK nguyên liệu thuốc lá

Thuế NK thuốc lá điếu (%)

Thuế nhập khẩu thuốc xì gà (%)

Lộ trình cắt giảm thuế NK về 0% (năm)

Hạn ngạch thuế quan thuốc lá nguyên liệu (tấn/năm)

Việt Nam

80 – 90%

135%

100 - 135%

Sau 21 năm cho thuốc lá nguyên liệu
Sau 16 năm cho thuốc lá điếu và xì gà

Năm 1 đến 20 500 – 975 tấn và bãi bỏ từ năm thứ 21

Nhật Bản

0%

0%

0%

0

Không có

Canada

2,5 – 8%

5,5%

8 – 12,5%

11

Không có

Úc

0%

0%

0%

0

Không có

New Zealand

0%

0%

0%

0

Không có

Mexico

45%

45%

45%

Ngay với thuốc lá nguyên liệu và sau 10 năm với thuốc lá điếu và xì gà

Không có

Malaysia

5%

5%

5%

16

Không có

Singapore

0%

0%

0%

0

Không có

Chile

6%

6%

6%

0

Không có

Peru

9%

9%

9%

1

Không có

Brunei

0%

0%

0%

0

Không có

(Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương)

Như vậy theo bảng trên thì hầu hết các nước lớn đều đã mở của hoàn toàn thị trường thuốc lá, trừ Mexico vẫn duy trì thuế nhập khẩu 45% và lộ trình cắt giảm lên đến 10 năm. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá của Việt Nam nâng cao năng lực đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thuốc lá sang các thị trường này. Ở chiều ngược lại, các nước thành viên CPTPP cũng không phải là các đối tác cung cấp nguyên liệu chính cho ngành thuốc lá và không xuất khẩu nhiều sản phẩm thuốc lá vào Việt Nam nên với chính sách bảo hộ tương đối cao đối với ngành thuốc lá với thuế suất thuế nhập khẩu cao lên đến 135%, lộ trình cắt giảm dài và là nước duy nhất thành viên CPTPP duy trì hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm đối với nguyên liệu thuốc lá nhằm tăng cường bảo hộ vùng trồng thuốc lá và người nông dân trồng thuốc lá, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu.

Như vậy, mở cửa thị trường CPTPP là cơ hội lớn cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thuốc lá Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các nước có quy mô dân số lớn như Nhật Bản, Mexico, Canada, Úc, Malaysia, Chile…., thậm chí như Singapore là nước có nền thương mại phát triển và là trung tâm đầu mối trung chuyển và logistics của khu vực và thế giới, nơi hầu hết các tập đoàn thuốc lá lớn trên thế giới đều có trụ sở cùng hệ thống kho bãi trung chuyển tại Singapore. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp thuốc lá liên doanh đang dần nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến và tiêu chuẩn hóa mẫu mã, hương liệu, chất lượng sản phẩm cũng như đăng ký các thương hiệu truyền thống, sử dụng các nhãn hiệu quốc tế nhằm đáp ứng thị hiếu không quá cao của người tiêu dùng trong khu vực thị trường thuộc Hiệp định này. Vì thuốc lá là sản phẩm đặc thù, nên các doanh nghiệp chú trọng hợp tác với các đối tác là tập đoàn thuốc lá lớn, có tên tuổi là chủ sở hữu của các nhãn hiệu nổi tiếng, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác thương mại có thế mạnh xuất khẩu sản phẩm thuốc lá. Đồng thời, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các Văn phòng Thương vụ, Trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các nước và các văn phòng dại diện thương mại, đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường sản phẩm thuốc lá, tăng cường công tác xác minh, giải quyết tranh chấp trong thương mại, quyền sở hữu và sử dụng nhãn hiệu sản phẩm.

Thị trường tiềm năng cho Việt Nam cho xuất khẩu thuốc lá khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thực hiện

EVFTA được ký ngày 30/6/2019, được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang EU, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng trung bình 5,2-8,1% giai đoạn 2019-2023; trên 11-15% giai đoạn 2024-2028 và 17,9-21,9% giai đoạn 2029-2033. Cắt giảm thuế quan theo FTA sẽ khiến giảm thu ngân sách ở mức cao trong năm đầu tiên khi hiệp định có hiệu lực và giảm dần trong các năm tiếp theo, mức tăng thu ngân sách sẽ tăng dần theo mức độ tác động của Hiệp định tới tăng trưởng. EVFTA mang lại cơ hội lớn đối với nhiều ngành: gạo, đường, thịt heo, lâm sản, thịt gia súc gia cầm, đồ uống và thuốc lá, dệt, may mặc, da giày, dịch vụ vận tải, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác.
Bên cạnh đó, một số ngành như các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm khoáng và phi kim loại, sản phẩm giấy... sẽ giảm xuất khẩu sang EU. Nhóm hàng Việt Nam được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị; điện thoại và linh kiện điện tử, thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá và hóa chất.

Bảng 2: Cam kết về thuế mặt hàng thuốc lá và lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam và EU trong Hiệp định EVFTA

 

Thuế NK nguyên liệu thuốc lá

Thuế NK thuốc lá điếu (%)

Thuế nhập khẩu thuốc xì gà (%)

Lộ trình cắt giảm thuế NK về 0% (năm)

Hạn ngạch thuế quan thuốc lá nguyên liệu (tấn/năm)

Việt Nam

30%

30%

100 – 135%

10 năm theo hạn ngạch đối với thuốc lá nguyên liệu và thuốc lá điếu
15 năm đối với xì gà

Chỉ áp dụng hạn ngạch đối với thuốc lá nguyên liệu và thuốc lá điếu

EU

18,4%

11,2%

26%

7

Không có

 Theo bảng trên thì EU đã mở cửa thị trường thuốc lá đối với Việt Nam và hiện duy trì mức thuế suất thấp với lộ trình cắt giảm 7 năm. Đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá của Việt Nam nâng cao năng lực đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thuốc lá sang thị trường các nước thành viên EU. Tuy nhiên,EU là thị trường rất khó tính nên các sản phẩm cần phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn bao bì, nhãn hiệu, hình ảnh cảnh báo… đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều nước trên thế giới đang ra sức ủng hộ chủ trương cắt giảm khói thuốc và các nước EU là các nước đi đầu trong xu thế này.

Một khó khăn nữa, các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá Việt Nam cần lưu ý là theo Hiệp định EVFTA, quy tắc xuất xứ đối với một số sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm “Thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá” (HS 24) - Lá thuốc lá chưa chế biến có xuất xứ thuần túy - Lá thuốc lá đã chế biến chỉ được sử dụng tối đa 30% nguyên liệu không xuất xứ cùng Chương 24 so với tổng nguyên liệu Chương 24 được sử dụng - Thuốc lá điếu phải làm từ lá thuốc lá đã chế biến có xuất xứ hoặc giới hạn tỷ lệ nguyên liệu không xuất xứ, tức là các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam phải sử dụng tối đa không quá 30% nguyên liệu thuốc lá không xuất xứ trong sản phẩm của mình, trong khi đó các nước thành viên EU không phải là các nước cung cấp chính nguyên liệu thuốc lá cho Việt Nam, sản xuất nguyên liệu trong nước hiện chất lượng chưa cao, đây có thể là khó khăn lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.

EVFTA sẽ cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam, việc chuyển giao kiến thức, nâng cao lực lượng lao động địa phương cho đến quyền lợi của người lao động và tác động đáng kể đến việc đến việc “phát triển bền vững và bảo vệ môi trường”.

Các rào cản đối với các doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực là vấn đề về sở hữu trí tuệ, sở hữu nhãn hiệu. Các doanh nghiệp Việt thường thiếu sự chuẩn bị về nguồn lực và bị động trong việc tìm hiểu thị trường mới. Luật Thương mại 2005 hiện chưa đáp ứng với những thay đổi này, khi hiện nay hai khái niệm là “nhượng quyền thương mại” và “quyền thương mại” chưa được quy định đầy đủ và trong một vài trường hợp còn quy định không thống nhất giữa các văn bản.

Nói vậy để thấy cuộc chơi EVFTA không hề đơn giản đặc biệt đối với mặt hàng nhạy cảm cao như thuốc lá, tuy nhiên không phải là không có cơ hội cho thuốc lá Việt Nam,nhất là đối với các nước như Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Cộng hòa Séc, Ba Lan…. là những nước có cơ cấu dân số tương đối lớn, thành phần dân cư đa dạng và thuốc lá được sử dụng nhiều, đặc biệt là thành phần dân số trẻ. Trước hết bản thân các doanh nghiệp thuốc lá cần phải nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến và tiêu chuẩn hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như đăng ký các thương hiệu, sử dụng các nhãn hiệu quốc tế nhằm đáp ứng thị hiệu cao và khó tính của người tiêu dùng tại các thị trường này, triển khai các chương trình nghiên cứu sản phẩm mới theo hướng cải tiến các mẫu thuốc lá điếu với nguyên phụ liệu chất lượng cao phù hợp. Trong đó, các mẫu thuốc lá điếu có kiểm soát hàm lượng Tar/Nic theo xu hướng sử dụng mới của người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài được đặc biệt chú trọng.

 

Phòng Truyền thông

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.134.884