VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Chợ truyền thống thay đổi để tồn tại, phát triển

24/11/2021 08:46

Trước sự gia tăng của hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại và các sàn thương mại điện tử (TMĐT), Ban Quản lý các chợ truyền thống đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng với đó là sự nỗ lực của bà con tiểu thương trong bảo đảm văn minh thương mại, thay đổi cả về hình thức lẫn chất lượng hàng hóa để thu hút khách hàng, tăng sức mua.

Mang nét đẹp, đặc sắc riêng của mỗi vùng miền, địa phương, từ xưa đến nay, chợ truyền thống vẫn được coi là địa điểm mua bán quen thuộc của người dân.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trên địa bàn tỉnh hiện có 81 chợ truyền thống; trong đó, có 3 chợ hạng I, 8 chợ hạng II, 70 chợ hạng III. Tuy nhiên, một số chợ được đầu tư xây dựng quá lâu, không được nâng cấp, khó bảo đảm được các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ, văn minh thương mại.

Chợ Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1990 nhằm phục vụ nhu cầu mua bán của người dân trong khu vực và các xã lân cận của huyện Tam Dương.

Chợ có 140 gian hàng và hầu hết đều được dựng tạm bợ bằng vật liệu thô sơ như tre, nứa, tôn… Do không có hệ thống thoát nước riêng nên nước thải từ khu chế biến, hàng tươi sống thường xuyên tràn lênh láng khắp lối đi.

Nhiều lối đi bên trong chợ khá chật hẹp, chưa được cứng hóa, khiến mỗi lần mưa nền chợ lại trở nên lầy lội, bẩn thỉu, nhếch nhác. Đây cũng là lý do khiến nhiều khách hàng ngại vào chợ mua sắm dù giá bán ở đây khá rẻ và thường không nói thách.

Trưởng ban Quản lý chợ Đồng Tâm Nguyễn Văn Tú cho biết: Để giải quyết tình trạng nước thải từ các sạp hàng tràn lên lối đi, Ban Quản lý chợ đã thuê đơn vị vệ sinh môi trường thu gom vận chuyển rác thải 2 lần/ngày; yêu cầu các tiểu thương nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Tuy nhiên, do chợ đã xuống cấp nên vấn đề môi trường khó có thể giải quyết triệt để. Để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động của chợ, rất mong các ngành chức năng bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp chợ.

Tương tự, sau hơn 30 năm đi vào hoạt động, chợ Phúc Yên (Phúc Yên) đang trong tình trạng xuống cấp với hơn 300 quầy hàng quá sập sệ, san sát, lối đi chật hẹp. Hệ thống sân, đường nội bộ của chợ có diện tích nhỏ hẹp; nền chợ nhiều chỗ bong tróc nên khi trời mưa nước đọng lâu gây ô nhiễm môi trường, khiến việc giao thương gặp nhiều trở ngại, sự sầm uất, sôi động mất dần theo năm tháng.

Trăn trở về hướng đi cho chợ truyền thống, Trưởng Ban Quản lý chợ Phúc Yên Hoàng Bích Thuận chia sẻ: "Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Chính vì vậy, để chợ truyền thống tìm lại được chỗ đứng, trước mắt, chúng tôi phải thực hiện tốt việc giữ gìn môi trường chợ; đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19; thường xuyên tuyên truyền, vận động tiểu thương nâng cao văn hóa ứng xử. Việc đầu tư xây dựng chợ mới khang trang, hiện đại sẽ sớm được thực hiện trong giai đoạn tới".

Nhịp sống hiện đại với sự phát triển nhanh chóng của mua sắm trực tuyến, những kênh bán lẻ hiện đại như: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đã khiến chợ truyền thống đang mất dần ưu thế, sức mua giảm rõ rệt. Ngoại trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các nhóm hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thời trang... ngày càng vắng khách.

Theo ông Mai Xuân Tợi, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên, để giữ chân và thu hút khách hàng, thời gian qua, Ban Quản lý chợ đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cũng như vấn đề VSATTP, chấn chỉnh hoạt động cân, đo tại chợ; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống cũng chủ động đổi mới tư duy, lề lối kinh doanh, tạo dựng niềm tin với khách hàng bằng những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý; thích ứng, tiếp cận với kênh bán hàng hiện đại thông qua mạng xã hội, các sàn TMĐT.

Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Vĩnh Yên cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc buôn bán chậm hơn rất nhiều. Để tăng doanh thu, tôi đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của mình trên mạng xã hội facebook và một số sàn TMĐT như: Shopee, Lazada…”.

Sở Công Thương Tỉnh Vĩnh Phúc/Báo Vĩnh Phúc
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.143.047