VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực Châu Mỹ

19/11/2024 11:06

Ngày 18/11, theo giờ địa phương tại thành phố Rio de Janeiro - Brazil, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực thị trường châu Mỹ.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại thành phố Rio de Janeiro, kết hợp với điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị theo hình thức trực tuyến tại trụ sở Bộ Công Thương, 23 Ngô Quyền, Hà Nội. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn có đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Cục Xúc tiến thương mại, Văn phòng Bộ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và một số đơn vị liên quan.

Tham dự Hội nghị trực tiếp tại điểm cầu Brazil có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các đơn vị chức năng thuộc Bộ cùng các Tham tán Thương mại và Trưởng Cơ quan Thương vụ khu vực châu Mỹ.

Phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau hơn 2 năm, kể từ Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ vào tháng 7/2022 tại Canada, hôm nay 18/11, tại Thành phố Rio de Janeiro, Brazil, Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Mỹ tiếp tục được tổ chức nhằm đánh giá kết quả công tác Thương vụ khu vực châu Mỹ thời gian qua và bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để cùng toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, chúng ta đã đi qua gần hết năm 2024 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ bên ngoài và các vấn đề nội tại của đất nước. Tuy nhiên, ngành Công Thương đã chủ động, sáng tạo, kịp thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp và đã thu được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Nổi bật là hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2024 đều đạt kết quả ngoạn mục, cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra và cùng kỳ năm trước; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công chế biến chế tạo tăng 9,6%; Thị trường trong nước duy trì mức tăng trưởng khá cao (8,5%); mặt bằng giá cả cơ bản ổn định; nguồn cung của các mặt hàng thiết yếu nhất là nguyên vật liệu đầu vào được bảo đảm. Xuất, nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch đạt kết quả kỷ lục 650 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu sang các thị trường lớn trong khu vực Châu Mỹ đều tăng trưởng mạnh (như Hoa Kỳ tăng tới 24,2%); cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu trên 23,3 tỷ USD, tạo dư địa thuận lợi cho nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của kinh tế đất nước.

Bộ trưởng ghi nhận, trong các thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có các Thương vụ khu vực châu Mỹ - địa bàn có những đối tác xuất khẩu chiến lược hàng đầu của Việt Nam, đồng thời cũng là khu vực Việt Nam đang ưu tiên nỗ lực mở rộng hợp tác về mọi mặt (chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại...). Các cán bộ Thương vụ đã chủ động tích cực nghiên cứu, tổng hợp tình hình thị trường và các quy định, cơ chế chính sách mới của các nước sở tại để tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo Bộ, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước có phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp; đồng thời, nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác song phương, không chỉ trong việc xúc tiến xuất khẩu, khai thác hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các hiệp định thương mại tự do và các cơ chế hợp tác song phương khác mà còn các hoạt động kết nối đầu tư, hỗ trợ hợp tác đầu tư, qua đó phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, tình hình kinh tế thế giới và khu vực đang có dấu hiệu khởi sắc, song dự báo tình hình thương mại toàn cầu tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới; đặc biệt là tại thị trường châu Mỹ - khu vực có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn tới thương mại và nền kinh tế của Việt Nam, nhất là sự thay đổi Chính phủ tại hàng loạt các quốc gia - là các đối tác lớn của chúng ta trong khu vực như Hoa Kỳ, Mexico, Braxin, Argentina..., kéo theo sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và thương mại quốc tế của các nước trong khu vực. Mặt khác, cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraina và ở nhiều khu vực khác trên thế giới cùng với xu hướng bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt sẽ mang tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước, bởi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (gần 200%).

Bối cảnh trên đòi hòi sự nỗ lực, kết nối mềm mỏng, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam - với vai trò là cánh tay nối dài của Bộ tại các địa bàn quan trọng ở nước ngoài (trong đó có khu vực châu Mỹ) với các đơn vị trong Bộ, cũng như với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp để các bên có thể cập nhật, chia sẻ nhanh nhất, chính xác nhất về thông tin thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan Quản lý Nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong các vụ tranh chấp, phòng vệ thương mại, cũng như xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta là thành viên.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Hội nghị Tham tán Thương mại lần này với sự tham gia của các Thương vụ, Chi nhánh thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại ở những địa bàn trọng yếu tại khu vực châu Mỹ và đại diện các đơn vị chức năng của Bộ, các đại biểu cần tập trung thảo luận, đánh giá sâu về 6 nội dung bao gồm:

Thứ nhất, những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là các nguyên nhân chủ quan), rút ra các bài học kinh nghiệm; đồng thời, đánh giá, nhận diện những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức tại thị trường châu Mỹ thời gian tới và những thay đổi trong chính sách của nước sở tại để tham mưu cho Bộ và Chính phủ có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời nhằm bảo đảm lợi ích cao nhất của quốc gia.

Thứ hai, đề xuất các giải pháp để tăng cường hiệu quả công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về thị trường và phổ biến thông tin thị trường tới các cơ quan chuyên môn của các Bộ, ngành có liên quan, các Hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương trong nước.

Thứ ba, đề xuất các biện pháp thúc đẩy công tác xúc tiến thương mại, đa đạng hóa thị trường, sản phẩm xuất khẩu và đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào các chuỗi phân phối tại khu vực châu Mỹ nhằm khai thác tối đa tiềm năng các thị trường và phát huy vai trò cộng đồng người Việt trong việc đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực logistics sang các thị trường trọng điểm tại châu Mỹ.

Thứ năm, tham mưu chính sách và giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác tại khu vực châu Mỹ. Tận dụng những cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban Hỗn hợp, các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện để đàm phán nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do đã ký và mở rộng đàm phán Hiệp định song phương với các đối tác có tiềm năng trong khu vực Châu Mỹ để thúc đẩy hợp tác thương mại, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, vấn đề thúc đẩy hợp tác với các nước châu Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch, việc phát triển các nguồn điện mới sử dụng nhiên liệu sạch, lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số cũng cần được quan tâm thảo luận trong khuôn khổ kỳ họp lần này.

Thứ sáu, đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí, điều kiện, quy trình nhận xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ thương vụ và những kiến nghị đề xuất khác có liên quan nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực thi công vụ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây là những nội dung rất quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành Công Thương, mà còn đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và đề nghị các Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn, tập trung thảo luận đánh giá, làm rõ 6 nội dung trọng tâm nêu trên; đồng thời, đề xuất, khuyến nghị các giải pháp, sáng kiến xây dựng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thật sự trở thành các cơ quan năng động - chuyên nghiệp - hiệu quả, phục vụ tốt nhất sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và kinh tế đất nước.

 

Nguồn: Moit.gov
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 35
    Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ngày 14 tháng 11 năm 2024, tại Lima, Pê-ru đã diễn ra Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 35 (AMM 35). Hội nghị do Ngoại trưởng Pê-ru Elmer Schialer và Bộ trưởng Ngoại thương – Du lịch Pê-ru Desilú León đồng chủ trì, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Kinh tế và Trưởng đoàn của 21 nền kinh tế thành viên APEC.
  • Việt Nam và Thụy Điển hiện thực hóa mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên tầm cao mới
    Sau 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, mối quan hệ gắn bó khăng khít không ngừng được củng cố, phát huy theo chiều sâu, hợp tác song phương ngày càng được đa dạng hóa trên nhiều lĩnh vực và Việt Nam ngày càng trở nên là điểm đến kinh doanh đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.
  • Thông tư về quá cảnh hàng hóa của Campuchia qua Việt Nam
    Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BCT ngày 8/11/2024 quy định về quá cảnh hàng hóa của Vương quốc Campuchia qua lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2014/TT-BCT ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
  • Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu các giải pháp để hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng
    Sáng 9/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 10, 10 tháng đầu năm, các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 11 và từ nay đến cuối năm.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.043.564