VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

5 giải pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân TP. Hồ Chí Minh

02/08/2021 09:44

Sau khi TP. Hồ Chí Minh siết chặt việc đi lại của người dân, mấy ngày gần đây tại nhiều địa bàn xuất hiện tình trạng thiếu hàng hóa thiết yếu cục bộ, để giải quyết khó khăn, Sở Công Thương Thành phố cho biết đã đưa ra 5 giải pháp khắc phục, đồng thời có hướng dẫn TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện “Phiếu mua hàng thiết yếu”.

Cấp bách triển khai 5 giải pháp cung ứng hàng hóa

Tại cuộc họp báo chiều 30/7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh thông tin: Trên thực tế nguồn hàng hóa tại các địa phương cung ứng cho Thành phố dồi dào tuy nhiên trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng nhiều người dân chưa tiếp cận được.

Phân tích lý do, ông Phương chỉ ra: Hiện Thành phố đã đóng cửa gần hết các chợ truyền thống (chỉ còn 27/237 chợ đang hoạt động) nên ở những khu vực đông dân cư, có ít siêu thị, cửa hàng tiện lợi việc cung ứng thực phẩm gặp khó khăn. Thêm vào đó, việc Thành phố không cho người dân ra khỏi nhà từ 18 giờ đến 6 giờ hôm sau nên tất cả các đơn vị phân phối, cung ứng thực phẩm cũng phải điều chỉnh khung giờ phù hợp, từ đó thời gian mua sắm của người dân cũng bị rút ngắn lại.

Trước tình hình trên, Sở Công Thương đang triển khai 5 giải pháp nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.

Thứ nhất, nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống đã tạm ngừng hoạt động. Theo đó, với hướng dẫn của Sở về mô hình mẫu triển khai mở lại chợ truyền thống, ông Phương cho biết mức độ an toàn cao hơn nhiều so với siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện nay. Do đó Sở đang tích cực làm việc với các quận huyện để đôn đốc tiến độ triển khai.

Thứ hai, với những chợ không tổ chức được điểm bán có thể tổ chức ở khu vực lân cận, với điều kiện địa phương phải hỗ trợ tham gia. Việc tổ chức này có thể huy động sử dụng đội ngũ tiểu thương chợ truyền thống đang tạm ngưng ra bán và Sở Công Thương sẽ giới thiệu nơi cung ứng hàng hóa.

Thứ ba, tăng cường lượng hàng hóa cung ứng ở các điểm bán hiện nay bởi nhiều điểm bán hiện không có kho dự trữ, khi người dân mua nhiều sẽ dẫn tới thiếu hàng. Ở phương án này, một số điểm bán đang áp dụng bổ sung nguồn hàng bằng xe hai bánh nhằm di chuyển thuận lợi.

Thứ tư, chuyển đổi phương thức bán hàng. Theo đó, trước đây các siêu thịm cửa hàng tiện lợi bán trực tiếp cho người dân qua phát phiếu thì nay sẽ chuyển sang bán hàng đăng ký trước và các hệ thống phân phối như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market đã có kế hoạch triển khai. Với hình thức này, người dân sẽ đăng ký trước thông qua giỏ hàng (combo) và đơn vị cung cấp sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ, thuận tiện hơn, số lượng nhiều hơn so với trước.

Thứ năm, tổ chức các điểm bán hàng lưu động cho một số địa bàn thực sự khó khăn. Hiện tại Sở Công Thương đã tăng đầu xe di động lên 50. Sở đang tiếp tục đang làm việc với các đơn vị tăng lên 100 xe phục vụ. Ở hình thức này, quận- huyện phải đứng ra đăng ký cho tiểu thương lấy hàng, chủ động bán, đồng thời địa phương phải tham gia giám sát nguồn hàng và giá cả.

Hướng dẫn sử dụng “Phiếu mua hàng thiết yếu”

Ngoài triển khai các giải pháp trên, nhằm kiểm soát, phân chia, điều phối số lượng người đến chợ, Sở Công Thương đã hướng dẫn thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân thông qua việc áp dụng “Thẻ ra vào chợ”. Tuy nhiên tình hình triển khai tại các quận, huyện chưa đồng bộ, phát sinh nhiều vấn đề cần điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu mua hàng của người dân được đáp ứng an toàn, đầy đủ, kịp thời. Do đó, ngày 30/7 Sở Công Thương đã có công văn 3736/SCT-QLTM, hướng dẫn thực hiện “Phiếu mua hàng thiết yếu” gửi UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện.


Mẫu phiếu mua hàng thiết yếu được Sở Công Thương hướng dẫn ngày 30/7

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị TP Thủ Đức và các quận, huyện rà soát quy mô dân số, số lượng điểm bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu; chủ động làm việc với hệ thống phân phối trên địa bàn như: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh hàng hóa lương thực - thực phẩm thiết yếu, chợ truyền thống, để đánh giá khả năng lượng hàng hóa cung ứng, năng lực phục vụ hàng ngày và có phương án phân bổ tần suất, địa điểm đi chợ, đi siêu thị của người dân.

Phân chia tần suất đến các điểm hàng hóa, lương thực - thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thông qua việc phát “Phiếu mua hàng thiết yếu”.

Sở Công Thương cũng lưu ý các địa phương phải nghiên cứu tích hợp mã QR code trên “Phiếu mua hàng thiết yếu”, để phục vụ khai báo y tế người ra vào điểm bán. Đặc biệt, “Phiếu mua hàng thiết yếu” cần thực hiện đầy đủ họ và tên, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Mỗi hộ dân chỉ cử 1 người đại diện mua hàng hóa thiết yếu tại các điểm bán, theo khung thời gian phù hợp (ghi rõ thời gian đi và địa điểm bán hàng gần nhất) để người dân tiệm mua sắm…

Đối với các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh, đơn vị quản lý chợ truyền thống phải cung cấp thông tin đầy đủ về khả năng cung ứng, năng lực quản lý, năng lực phục vụ hàng ngày cho chính quyền địa phương để phối hợp và có phương án phân bổ tần suất điểm đi chợ.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Khẩn trương xử lý tình trạng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái
    Trong khi sản lượng container nhập về bãi từ tàu biển vẫn tăng trưởng thì sản lượng container xuất theo đường bộ, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm trong bối cảnh TPHCM thực hiện giãn cách, dẫn đến số lượng container tồn tại bãi Cát Lái tăng cao, cảng có thể phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu...
  • "Tạo luồng xanh" để hàng Việt rộng đường ra biển lớn
    Sự thành công của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển năng lực thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia”, đặc biệt là chương trình hỗ trợ tiêu thụ trên 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử là cơ sở để các doanh nghiệp có những bước đi dài hơn nhằm tạo "luồng xanh" để hàng Việt rộng đường ra biển lớn.
  • Hà Nội: Không để khan nguồn cung lương thực trong và sau dịch
    TP. Hà Nội hiện có khoảng 10,33 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc. Theo tính toán về nhu cầu tiêu dùng và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, vẫn cần cung ứng nhiều loại nông sản từ các tỉnh bên ngoài Thành phố.
  • Thành lập tổ công tác về cung ứng, lưu thông nông sản phía Bắc
    Tổ công tác có nhiệm vụ phối hợp với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) chỉ đạo các Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan xây dựng các phương án duy trì sản xuất tại những địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.199.483