VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2020 ước tính giảm 13,3%

14/05/2020 10:51

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
 Tuần qua, những số liệu kinh tế vĩ mô mới được công bố tiếp tục cho thấy những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tăng trưởng GDP của hàng loạt nền kinh tế chủ chốt đều suy giảm.

Tại Mỹ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2020 đã giảm tới 4,8% do tác động của dịch Covid-19. Đây là mức giảm tính theo quý mạnh nhất kể từ quý IV/2008, chấm dứt hơn một thập kỷ tăng trưởng kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong bối cảnh đại dịch buộc các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm hạn chế đầu tư và mua sắm. Tuy nhiên, kết quả trong quý I chỉ là bước khó khăn khởi đầu của nền kinh tế Mỹ bởi phần lớn của quý I/2020 là quãng thời gian trước khi đại dịch Covid-19 buộc nền kinh tế Mỹ phải đóng cửa trên diện rộng và nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.

Trong tháng 4/2020, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã rơi xuống 86,9 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức 118,8 điểm trong tháng 3/2020 và đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này trong bốn năm qua. Trên thị trường lao động, số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong 5 tuần qua đã chạm kỷ lục 26 triệu, đồng nghĩa xóa bỏ mọi việc làm được tạo ra từ sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008-2009 đến nay. Theo dự báo của một số định chế tài chính, nhiều khả năng GDP trong quý II/2020 của Mỹ sẽ suy giảm từ 30% trở lên.

Tại châu Âu, kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm 3,8% trong quý I/2020 khi hoạt động kinh doanh đình trệ do các doanh nghiệp phải đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Đây là mức sụt giảm lớn nhất của kinh tế Eurozone kể từ năm 1995. Trong đó, kinh tế Pháp sụt giảm 5,8% trong quý I/2020, mức sụt giảm lớn nhất kể từ năm 1949; trong khi kinh tế Tây Ban Nha giảm 5,2% trong quý I/2020, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1970.

Tuy nhiên, số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone chỉ tăng nhẹ lên 7,4% trong tháng 3/2020, từ mức 7,3% trong tháng 2/2020, cho dù nhiều doanh nghiệp, nhà máy, cửa hàng phải ngừng hoạt động tạm thời trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát do hàng triệu lao động ở Eurozone đã và đang nhận được sự hỗ trợ thông qua các chương trình của các nước triển khai nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động. Mặc dù vậy, tương tự như Mỹ, số liệu trên có thể chưa thể hiện đầy đủ mức độ suy giảm kinh tế của Eurozone do phần lớn lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại ở các nước được áp dụng trong tháng 3/2020 - tháng cuối cùng của quý I/2020. Điều này được thể hiện rõ nét qua việc chỉ số PMI sản xuất tháng 3/2020 theo tính toán của IHS Markit đã giảm xuống còn 44,5 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa năm 2012. Trong đó, chỉ số đơn đặt hàng mới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 11 năm là 37,5 điểm.

Tại châu Á, cùng với mức giảm kỷ lục 6,8% của GDP Trung Quốc, GDP của Hàn Quốc trong quý I/2020 cũng giảm tới 1,4% - mức giảm trong quý sâu nhất kể từ quý 4 năm 2008 do các biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 đã khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ. Hàn Quốc được dự báo sẽ rơi vào đợt suy thoái kỹ thuật trong thời gian tới do dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu. 

Trước diễn biến khó khăn của kinh tế toàn cầu, hàng loạt ngân hàng trung ương tiếp tục đưa ra những biện pháp hỗ trợ tích cực. Trong tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo kế hoạch mở rộng chương trình tín dụng ưu đãi trị giá 500 tỷ USD, cho phép các thành phố và địa phương nhỏ bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ nhằm giảm thiểu các thiệt hại kinh tế. Ngân hàng này cũng cho rằng họ cần phải hỗ trợ mạnh mẽ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để ngăn tín dụng cạn kiệt, tình trạng sẽ kéo theo các vụ phá sản quy mô lớn và khiến thất nghiệp tăng cao hơn nữa.

Trong khi đó, ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cam kết mua trái phiếu không giới hạn, tăng gấp đôi lượng trái phiếu doanh nghiệp sẽ mua vào, điều chỉnh giảm kỳ vọng GDP và dự báo lạm phát sẽ duy trì dưới 2% trong ba năm tới. BOJ dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5% trong năm nay, tích cực hơn một chút so với dự báo giảm 5,2% của IMF.

II. Kinh tế trong nước
Trong khi đó, kinh tế trong nước cũng chứng kiến những ảnh hưởng rõ nét lên hầu hết các lĩnh vực cơ bản. Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp trong tháng 4/2020 ước tính giảm mạnh 13,3% so với tháng trước và giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm duy nhất của tháng 4 trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) trong bối cảnh tình trạng thiếu nguyên liệu nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất gây ảnh hưởng nặng nề đến ngành công nghiệp. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 10,7%; ngành chế biến, chế tạo giảm 11,3%; sản xuất và phân phối điện giảm 6,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải chỉ tăng 2% so với tháng 4/2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất công nghiệp sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 khiến phần lớn các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/4/2020 giảm 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 2,3%).

Hoạt động sản xuất giảm do cầu trong nước và nước ngoài đều sụt giảm. Tháng 4/2020, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 26% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,3%). Còn nếu tính chung 4 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%. Thậm chí, nếu trừ đi yếu tố giá cả, chỉ số này còn giảm tới 9,6% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 8,8%.

Trong lĩnh vực ngoại thương, trong tháng 4/2020, ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 18,4% so với tháng 3/2020 và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 19,7 tỷ USD. Tương tự, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 4/2020 đạt 20,4 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng 3/2020 và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến hết tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 82,93 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu .tăng 2,1%, ước đạt 79,89 tỷ USD.

Sức mua giảm đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4/2020 cũng giảm mạnh. CPI trong tháng 4/2020 giảm 1,54% so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất của CPI tháng 4 trong giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng của Covid-19 khiến giá xăng dầu giảm mạnh cả trên thị trường thế giới và trong nước. Trong khi đó, ở trong nước, việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg cũng khiến giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm. Trong đó, nhóm giao thông giảm nhiều nhất, với 13,86% sau 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 29/3/2020 và thời điểm 13/4/2020, làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 28,48% (tác động làm CPI chung giảm 1,18%).

Tuy nhiên, nếu tính bình quân, thì CPI 4 tháng đầu năm 2020 lại tăng tới 4,9%. Đây là mức tăng cao nhất của bình quân 4 tháng trong giai đoạn 2016-2020 và cao hơn so với mục tiêu lạm phát dưới 4% Quốc hội đặt ra. Trong đó, một trong những yếu tố chính kéo CPI bình quân tăng cao là do chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng mạnh tới 13,64%.

Trước tình hình khó khăn của kinh tế trong nước, hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang tiếp tục được triển khai nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, nhất là hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong diễn biến mới nhất, thực hiện công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn triển khai thực hiện giảm giá bán điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, vừa qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức triển khai thực hiện giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ ngày 16/4/2020. Động thái này được nhận định sẽ hỗ trợ giảm đáng kể chi phí sản xuất, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn để đưa sản xuất, kinh doanh phục hồi trở lại.

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu

- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.179.080