VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Trước những diễn biến dịch Covid-19 Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất

13/03/2020 15:15

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới
Tuần qua, mặc dù số ca nhiễm Covid-19 đã giảm mạnh tại Trung Quốc nhưng lại tiếp tục lan rộng ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đe dọa đến một loạt các nền kinh tế lớn trên thế giới. Từ châu Á, Trung Đông, châu Âu, đến Mỹ đều đã có những cảnh báo đỏ đối với dịch bệnh này. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo Covid-19 có nguy cơ trở thành đại dịch của thế giới, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ chịu những tác động lâu dài hơn so với ước tính ban đầu. Đến thời điểm này, bệnh dịch không chỉ gây gián đoạn đối với các chuỗi cung ứng ở Trung Quốc mà còn ở cả châu Á, đặc biệt tập trung ở những nền kinh tế hàng đầu là Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ. Ngoài ra, các ngành du lịch, giao thông, vận tải và bán lẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.

Trong tuyên bố mới nhất, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã nhận định, dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động kinh tế ở Trung Quốc và có thể đe dọa tới đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Kể cả trong trường hợp dịch nhanh chóng được kiểm soát, tăng trưởng tại Trung Quốc và thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động. Trong đó, Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1 điểm phần trăm và kiềm chế tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức 5,6% trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu 6% nước này đặt ra.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và đà tăng trưởng kinh tế đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, trong thời gian qua ngân hàng trung ương nhiều quốc gia đã chính thức nới lỏng chính sách tiền tệ như Trung Quốc, Mexico, Nga, Phillippin, Thái Lan, Brazil... Ngoài ra, nhiều ngân hàng trung ương lớn như của Nhật Bản, EU cũng khẳng định sẽ theo dõi chặt chẽ tác động về sự bùng phát của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và sẵn sàng thực hiện chính sách nới lỏng nếu cần thiết. Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường phân bổ tài chính để giúp giảm bớt áp lực cho chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trung Quốc cũng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chương trình kích thích tài chính gần đây, nhằm ổn định đà tăng trưởng, sau khi đã hạ lãi suất và bơm tiền USD vào các thị trường. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa ra các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp như đảm bảo việc làm cho người lao động thông qua các biện pháp, như bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp đào tạo nghề, giảm bớt chi phí tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trong khi đó, trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và những rủi ro vẫn đang hiện hữu rõ nét về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như tác động của việc Anh chính thức rời EU từ ngày 31/1/2020, hoạt động sản xuất và dịch vụ của một số nền kinh tế chủ chốt đã cho thấy sự suy yếu.

Tại Mỹ, các chỉ số quản lý sức mua (PMI) sơ bộ theo tính toán của Markit đều ghi nhận sự giảm tốc mạnh mẽ trong tháng 2/2020. Trong đó, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ đã giảm mạnh từ 53,4 điểm của tháng trước xuống 49,4 điểm, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2016 chỉ số này dưới ngưỡng 50 điểm và phản ánh triển vọng bất ổn của ngành dịch vụ của Mỹ. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất cũng chỉ đạt 50,8 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 51,9 điểm trong tháng 1/2020 và đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2019.

Tại Nhật Bản, chỉ số PMI lĩnh vực chế biến, chế tạo của Nhật Bản trong tháng 2/2020 chỉ đạt 47,6 điểm, thấp hơn rất nhiều so với mức 48,8 điểm trong tháng trước và cho thấy hoạt động sản xuất của Nhật tiếp tục bị thu hẹp. Đây là mức giảm mạnh nhất trong bảy năm qua của chỉ số này, trong bối cảnh tác động từ Covid-19 đã làm gia tăng nguy cơ suy thoái của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Trong khi đó, tại EU, hoạt động sản xuất của khu vực Eurozone trong tháng 2/2020 mặc dù tiếp tục bị thu hẹp với chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất theo tính toán sơ bộ chỉ đạt 49,1 điểm, tuy nhiên con số này đã cải thiện đáng kể so với mức 47,9 điểm trong tháng trước và cao hơn dự báo đạt 47,5 điểm. Ngoài ra, chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tiếp tục cho thấy sự mở rộng với 52,8 điểm, cao hơn so với mức 52,5 điểm trong tháng trước. Diễn biến này cho thấy sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất của toàn khu vực bớt nghiêm trọng hơn dự kiến trong bối cảnh hoạt động kinh tế bị đình trệ tại Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

II. Kinh tế trong nước
Trên thị trường tài chính, ảnh hưởng của Covid-19 đã cho thấy những tác động bước đầu đến hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống ngân hàng. Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP và 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 13,96% GDP và 8,74% tổng dư nợ. Cùng với sự sụt giảm của tín dụng, hoạt động ngân hàng cũng phải đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng do các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn.

Trước những diễn biến của dịch Covid-19 và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hàng loạt chính sách, giải pháp thiết thực và cụ thể nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng trong tuần qua, NHNN tiếp tục ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó nêu rõ về các yêu cầu trong việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong lĩnh vực thương mại, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng năm 2020 đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Với kết quả này, nhập siêu trong 2 tháng qua ước đạt 180 triệu USD.

 

Để có thông tin chi tiết của bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.139.154