VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Trung tâm TTCN và TM ra mắt Bản tin chuyên ngành Chuyên ngành Tổng hợp và Dự báo Số 23/2019

14/06/2019 16:59

NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG CHÚ Ý TRONG TUẦN VÀ DỰ BÁO

I. Kinh tế thế giới


Tuần qua, tâm điểm của kinh tế thế giới tiếp tục xoay quanh xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 1/6, Trung Quốc và Mỹ đã chính thức áp thuế tăng lên mức 25% đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc và 200 tỷ USD với hàng hóa ở chiều ngược lại. Đồng thời, chính quyền Trung Quốc cũng công bố sách trắng về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó nhận định rằng, cuộc chiến thương mại sẽ chỉ gây hại cho nền kinh tế của Mỹ và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp về các nguyên tắc cốt lõi của nước này.

Cùng với xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Mexico cũng có xu hướng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế 5% với tất cả hàng xuất khẩu của Mexico sang thị trường Mỹ, bắt đầu từ 3/6 và tăng dần lên 25% vào tháng 10/2019 nhằm đối phó với làn sóng nhập cư trái phép từ Mexico liên tục gia tăng trong thời gian gần đây. Nếu quyết định này của Mỹ có hiệu lực có thể sẽ khiến Mexico rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trong bối cảnh 80% các mặt hàng xuất khẩu của Mexico đều hướng vào thị trường Mỹ. Ngoài ra, việc phê chuẩn  Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) cũng sẽ đứng trước nguy cơ thất bại.

Trong khi đó, những chỉ số kinh tế vĩ mô mới nhất đã cho thấy những dấu hiệu suy yếu trong lĩnh vực sản xuất tại các nền kinh tế lớn.

Tại Mỹ, theo số liệu từ Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực chế tạo tại Mỹ đã giảm từ mức 52,8 điểm trong tháng 4/2019 xuống 52,1 điểm trong tháng 5/2019, đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2016 và cũng thấp hơn mức dự báo 53 điểm trước đó. Ngoài ra, chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất theo tính toán của IHS Markit cũng giảm từ 52,6 điểm xuống 50,5 điểm trong tháng 5/2019, cho thấy hoạt động chế tạo của nước này đang tăng trưởng chậm lại. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ trong tháng 4/2019 đã giảm 0,8% so với tháng trước, ghi nhận tháng giảm thứ 2 trong 3 tháng gần đây, củng cố rõ nét tình trạng khó khăn mà lĩnh vực sản xuất đang phải đối mặt. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng vào lĩnh vực kinh doanh trong tháng 4/2019 chỉ đạt 1,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong tháng trước, đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 1/2017 đến nay. Trong lĩnh vực xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ chốt của Mỹ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng thời tiết bất lợi và nguồn cung dư thừa trong bối cảnh Trung Quốc ngừng mua đậu tương và các sản phẩm khác do tranh chấp thương mại với Mỹ. 

Ở chiều ngược lại, sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ sau hai tháng liên tục sụt giảm được coi là một trong số ít những tín hiệu tích cực hỗ trợ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Theo số liệu của ISM, chỉ số PMI ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 5/2019 đã tăng lên 56,9 điểm, cao hơn so với mức dự báo 55,5 điểm, cho thấy sự vững mạnh về sản lượng, tuyển dụng và các đơn đặt hàng trong ngành dịch vụ nước này.

Tại Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số PMI ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ 50,1 điểm trong tháng 4/2019 xuống 49,4 điểm trong tháng 5/2019, thấp hơn so với mức dự báo đạt 49,9 điểm và cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đang thu hẹp lại do các đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh sau quyết định tăng thuế mới nhất của chính quyền Mỹ. Diễn biến này sẽ làm gia tăng áp lực khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích, nhằm bình ổn nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Tại Eurozone, chỉ số PMI sản xuất của toàn khu vực trong tháng 5/2019 đã giảm từ 47,9 điểm xuống 47,7 điểm, đánh dấu mức thấp thứ 2 của chỉ số này trong 6 năm gần đây và cho thấy hoạt động sản xuất của khu vực vẫn tiếp tục bị thu hẹp. Trong khi đó, lạm phát của toàn khu vực trong tháng 5/2019 tiếp tục giảm mạnh xuống 1,2%, thấp hơn đáng kể so với mức 1,7% trong tháng trước và mức mục tiêu tăng 2%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp khu vực Eurozone cũng giảm xuống mức 7,6% trong tháng 4 so với 7,7% trong tháng 3 năm nay. Đây là tỷ lệ thấp nhất được ghi nhận trong khu vực này kể từ tháng 8/2008.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đầu tư và tín nhiệm toàn cầu sụt giảm cùng với những diễn biến kém tích cực của các nền kinh tế chủ chốt, hàng loạt các định chế tài chính lớn như IMF, OECD đã đồng loạt hạ dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu xuống thấp hơn so với những dự báo được đưa ra trước đó. Tuần qua, Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 từ mức 2,9% xuống 2,6%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 3% của năm 2018. Đồng thời, WB cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 ở mức 2,7%, thậm chí có thể giảm xuống 1,7% nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.

Ngày 5/6, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) cũng thông báo hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2019 và 2020 vì những "bất ổn" do cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ gây ra. Theo đó, IMF dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này chỉ tăng trưởng 6,2% trong năm nay và 6% năm 2020, giảm so với dự báo đưa ra trước đây, lần lượt là 6,3% và 6,1%.

II. Kinh tế trong nước

Kết thúc 5 tháng đầu năm 2019, kinh tế trong nước đã đạt được một số kết quả tích cực, đặc biệt là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã tăng lên mức cao kỷ lục với gần 54 nghìn doanh nghiệp cho thấy sự cải thiện trong môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc bước đầu tác động tới xu hướng chuyển dịch đầu tư sang thị trường Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam đạt 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, vốn FDI từ Trung Quốc đạt 2 tỷ USD và  riêng phần đăng ký cấp mới là 1,56 tỷ USD, tăng 450% so với con số 280 triệu USD cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 5/2019, ghi nhận lần đầu tiên Trung Quốc dẫn đầu về vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam.

Tuy nhiên, về thương mại, diễn biến khó lường từ kinh tế toàn cầu cũng như xung đột thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc gia tăng khiến kinh tế trong nước đang đứng trước nguy cơ nhập siêu trầm trọng hơn từ thị trường Trung Quốc, gia tăng cạnh tranh trên thị trường nội địa và hàng hóa xuất khẩu cũng có thể sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn. Trong khi đó, trong những tháng đầu năm 2019, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước do các động lực thúc đẩy tăng trưởng cả bên trong và bên ngoài đang yếu dần. Ngoài ra, lạm phát năm 2019 được sự báo sẽ trở nên khó kiểm soát hơn và có khả năng xấp xỉ ở mức mục tiêu kiểm soát 4% mà Quốc hội đặt ra. Vì vậy, trong giai đoạn này, các cơ quan quản lý cần thận trọng trong việc điều tiết cung tiền, lãi suất và tín dụng để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và kinh doanh.


MẶT HÀNG TRỌNG ĐIỂM                     

 
- Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha trong 4 tháng năm 2019 tăng 6,0% về lượng nhưng lại giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
- Tình hình sản xuất, giá gạo

Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện nay nhiều hộ đang thu hoạch lúa hè thu sớm. Tuy nhiên, năng suất lúa năm nay giảm và giá lúa đầu vụ cũng không cao như cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, lúa tươi loại thường được thương lái thu mua chỉ 4.200- 4.300 đồng/kg, lúa tươi hạt dài khoảng 4.500- 4.600 đồng/kg… giảm khoảng 800 đồng/kg trở lên so cùng kỳ năm 2018.

Tại Hậu Giang, gần 73.000 ha lúa Hè Thu cũng đang thu hoạch sớm. Năm nay thời tiết bất lợi, nắng nóng gay gắt khiến lúa chậm phát triển, nông dân tốn nhiều chi phí đầu vào, nhưng năng suất lúa không cao chỉ 450-550 kg/công, giảm gần 200 kg/công so với vụ hè thu năm 2018.
Tại các tỉnh khác ở ĐBSCL, nhiều nông dân cũng nhìn nhận giá thành sản xuất lúa vụ này cao bởi tăng số lần thuê bơm nước vào ruộng do nắng nóng, tăng thêm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Trong khi giá bán lúa cao nhất là 4.300 đồng/kg, những hộ canh tác năng suất thấp chỉ hòa vốn, thậm chí bị thua lỗ.

Tình hình xuất khẩu gạo

 
Theo số liệu thống kê, trong kỳ từ ngày 21/5 đến 4/6/2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 336,64 nghìn tấn, trị giá 145,83 triệu USD, so với kỳ trước đó (từ ngày 7/5 – 21/5/2019) tăng nhẹ 2,8% về lượng và 1,7% về trị giá.

Trong đó, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Philippin đạt 58,7 nghìn tấn, giảm 17,9% so với kỳ trước.
Ở chiều ngược lại, khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng 31,5%, đạt 49,3 nghìn tấn, Hồng Kông tăng 23,1%, UAE tăng 91,1%,… Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng tới 174,6%, đạt 35,97 nghìn tấn.
 
Đợt nắng nóng tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng tác động mạnh lên thị trường cao su khi thời tiết buộc các nhà vườn phải giảm khai thác mủ. Tỉnh Vân Nam là địa phương cung cấp 50% tổng sản lượng cao su của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá cao su.

Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), quý I/2019, sản lượng cao su tự nhiên trên thế giới giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 2,99 triệu tấn, do giá cao su xuống thấp nên các hộ nông dân tại một số thị trường chủ chốt hạn chế khai thác mủ. Đồng thời, sự bùng phát dịch bệnh rụng lá mới ở Indonesia cũng góp phần làm giảm sản lượng tự nhiên trên thế giới. Tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới cũng giảm nhẹ 0,4% xuống còn 3,38 triệu tấn trong quý I/2019.

Còn theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, tháng 4/2019, xuất khẩu cao su của Thái Lan đạt 363,29 nghìn tấn, trị giá 15,93 tỷ Baht (tương đương 498,07 triệu USD), giảm 31,1% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, Thái Lan xuất khẩu được 1,12 triệu tấn cao su tự nhiên (mã HS: 4001), giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 387,91 nghìn tấn, chiếm 34,7% tổng lượng xuất khẩu của Thái Lan. Lượng cao su tổng hợp (mã HS: 4002) xuất khẩu của Thái Lan đạt 565,22 nghìn tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018, Trung Quốc chiếm 87,6% tổng lượng xuất khẩu của Thái Lan, đạt 495,14 nghìn tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018.

- Tình hình xuất khẩu cao su của Việt Nam

Theo số liệu thống kê mới nhất, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong kỳ từ ngày 21/5 đến 4/6/2019 tăng mạnh 42,8% về lượng và 42,2% về trị giá so với kỳ trước (từ ngày 7/5 đến 21/5/2019), đạt 46,22 nghìn tấn, trị giá 69,38 triệu USD.

Trong đó, Trung Quốc chiếm 46% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam với khối lượng đạt 21,28 nghìn tấn, tăng 46,6% so với kỳ trước.

Ngoài ra, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông cũng tăng mạnh 34,9%, đạt 6,78 nghìn tấn. Tương tự, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng 160,7%, Anguila tăng 14,6%, Hàn Quốc tăng 66,5%, Ấn Độ tăng 23,8%...

Về chủng loại:

Cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất trong kỳ từ ngày 21/5 đến 4/6/2019, đạt 16,15 nghìn tấn, tăng 104,4% so với kỳ từ ngày 7/5 – 21/5/2019. Mặt hàng này chiếm 34,9% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ.

Đáng chú ý, lượng cao su SVR 10 trong kỳ này cũng đạt khá cao, đạt 14,95 nghìn tấn, tăng 18,4% so với kỳ trước.

Bên cạnh đó, khối lượng xuất khẩu của các mặt hàng cao su khác cũng tăng khá mạnh như: SVR 3L tăng 73%, Latex tăng 60,1%, RSS 3 tăng 51,8%...

Tuy nhiên, lượng cao su SVR CV60 xuất khẩu giảm 26,9% so với kỳ trước, cao su hỗn hợp giảm 13,1%, SVR CV50 giảm 21,8%...

Giá xuất khẩu các mặt hàng cao su trong thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6/2019 nhìn chung ít biến động so với kỳ trước. Theo đó, giá xuất khẩu cao su tổng hợp đạt bình quân 1.563 USD/tấn, giảm 2,2%; SVR 10 và SVR 3L ổn định ở mức 1.525 USD/tấn và 1.542 USD/tấn…

 
Chủng loại cao su xuất khẩu trong kỳ từ ngày 21/5 đến 4/6/2019
Tên hàng Kỳ xuất khẩu từ ngày 21/5 đến 4/6/2019 So với kỳ từ ngày 7/5 - 21/5/2019
Lượng (tấn) Trị giá (nghìn USD) Giá XKBQ (USD/tấn) Lượng Trị giá Giá XKBQ
Cao su tổng hợp 16.151 25.245 1.563 104,4 100,0 -2,2
SVR 10 14.953 21.314 1.425 18,4 18,3 -0,1
SVR 3L 7.459 11.504 1.542 73,0 73,1 0,0
Latex 2.012 2.171 1.079 60,1 56,0 -2,6
RSS3 1.568 2.428 1.549 51,8 53,0 0,8
SVR CV60 1.403 2.292 1.634 -26,9 -22,3 6,2
Cao su hỗn hợp 1.199 2.427 2.024 -13,1 -12,6 0,5
RSS1 461 734 1.593 7,3 7,0 -0,3
SVR CV50 378 612 1.619 -21,8 -21,9 -0,2
loại khác 329 197 598 48,9 49,5 0,4
SVR 5 165 247 1.493 103,1 84,0 -9,4
SVR 20 106 152 1.440 -85,5 -85,5 -0,4
CSR 10 40 60 1.500      
Tổng 46.224 69.383 1.501 42,8 42,2 -0,4
(Số liệu thống kê sơ bộ, chỉ dùng để tham khảo)

Chi tiết Bản tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
Địa chỉ: Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)
 

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây;

 
Phòng TTXNK
Tin cũ hơn
  • Trung tâm TTCN và TM phát hành Bản tin chuyên ngành TACN&VTNN Số 23/2019
    Trong số này có những tin chính như sau: Giá một số nguyên liệu sản xuất TACN tại một số sàn giao dịch thế giới - Nhập khẩu bột cá tăng mạnh - Nhập khẩu bột thịt xương từ EU tăng mạnh - Mỹ lên kế hoạch sử dụng xăng Ethanol nhằm hỗ trợ nông dân trồng ngô - Trung Quốc dự kiến tích trữ đậu tương Mỹ từ đợt mua trước vì căng thẳng thương mại leo thang - Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu lúa mỳ từ 30% lên 40% ...
  • Trung tâm TTCN và TM giới thiệu Bản tin chuyên ngành Sản phẩm gỗ và Hàng thủ công mỹ nghệ Số 23/2019
    Những thông tin đáng lưu ý trong bản tin: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Nhật Bản tăng mạnh - Tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tuần - Nhập khẩu khẩu gỗ nguyên liệu từ Mỹ tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2019 - Xuất khẩu mặt hàng gốm sứ mỹ nghệ trong kỳ - Thương mại nội thất nhà bếp thế giới dự kiến sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2022 - Thị trường gỗ và sản phẩm gỗ tại Trung Quốc ...
  • Trung tâm TTCN và TM ra mắt Bản tin chuyên ngành Nhựa, hóa chất Số 23/2019
    Bản tin có những nội dung chính như sau: Nhiều mặt hàng hóa chất nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc tăng mạnh - Tham khảo một số lô hàng hoá chất nhập khẩu - Tình hình nhập khẩu nguyên liệu nhựa - Nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu PE từ thị trường Hàn Quốc giảm mạnh - Tham khảo một số lô hàng sản phẩm nhựa xuất khẩu - Trung Quốc chuẩn bị khởi động nhà máy PP mới trong nửa cuối năm 2019 ...
  • Trung tâm TTCN và TM phát hành Bản tin chuyên ngành Tài chính, ngân hàng Số 23/2019
    Một số thông tin đáng lưu ý trong bản tin: Ngân hàng Nhà nước thu hẹp tín dụng ngoại tệ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang vay vốn bằng VND - Diễn biến tình hình tài chính, tiền tệ trong tuần và dự báo - Nhiều yếu tố tác động tích cực lên thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng cuối năm 2019 - Hiệu ứng từ các Hiệp định thương mại đang tác động tích cực đến ngành dệt may Việt Nam ...
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.122.046