VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Đường nhập khẩu không còn khả năng chi phối thị trường trong nước

27/01/2021 09:39

Một tín hiệu đáng mừng khi diễn biến thị trường đang có lợi cho sản xuất mía đường trong nước, đường nhập khẩu, kể cả nhập lậu không còn khả năng chi phối thị trường như trước đây. Tin vui cũng đến với người nông dân khi các nhà máy đường đang điều chỉnh tăng giá mua mía nguyên liệu đầu vào.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết, nửa đầu tháng 01/2021, lần đầu tiên trong những năm gần đây, mặt hàng đường nhập khẩu vào Việt Nam (gồm cả chính ngạch và đường nhập lậu) đã không còn khả năng chi phối thị trường trong nước. Đây là một tín hiệu tích cực đối với sản xuất trong nước, khi niên vụ mía đường 2020-2021 đã và đang đi nửa chặng đường.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, lãnh đạo VSSA, cho biết: Các yếu tố chính khiến đường nhập khẩu và đường lậu không có khả năng làm chủ và chi phối được thị trường đường trong nước ở thời điểm hiện nay, đó là: Thứ nhất, nguồn cung đường thế giới bị thiếu hụt và do tác động từ khủng hoảng logistics toàn cầu khi mức độ kiểm soát biên giới chặt chẽ đã được các quốc gia thực hiện để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Thứ hai, tác động tích cực từ việc Bộ Công Thương thực hiện điều tra áp dụng phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu, dự kiến sẽ sớm ban hành quyết định áp thuế chống bán phá đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu từ Thái Lan, chuỗi cung ứng đường nhập khẩu vào thị trường Việt Nam đang tạm thời gián đoạn.


Sản xuất đường tại Nhà máy đường TTC Biên Hòa. Ảnh: Cấn Dũng

Tình hình nêu trên đã giúp sản phẩm đường sản xuất trong nước giảm áp lực bị ép giá của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu, có thể tiêu thụ tốt hơn và giá đường trong nước cũng đã nhích lên. Giá đường kính trắng sản xuất trong nước nửa đầu tháng 1/2021 đã tăng so với những tháng trước và đạt mức dao động từ 13.500 đến- 14.500 đồng/kg tùy từng vùng, miền. Trong khi đó, sản phẩm đường cùng loại có nguồn gốc từ nhập khẩu, giá bán cũng dao động ở mức từ 13.600 - 14.400 đồng/kg, tùy theo vùng, miền, nên không còn khả năng chèn ép đường trong nước về giá.

Thị trường có lợi cho sản xuất đường trong nước, ngay lập tức trong thời gian gần đây, nhiều nhà máy đường đã công bố điều chỉnh tăng giá mua mía nguyên liệu cho người nông dân. Bà con nông dân trồng mía tại một số địa phương đang rất phấn khởi, vì giá mua mía nguyên liệu ở cả 3 miền đều tăng. Trong đó, giá mua mía nguyên liệu ở miền Nam và miền Trung đã tăng lên đạt mức bình quân 950.000 đồng/tấn tại ruộng, ở miền Bắc đạt mức bình quân 900.000 đồng/tấn tại ruộng.

Không những vậy, tại một số địa phương như Nghệ An, Sơn La và Kon Tum, bà con nông dân trồng mía còn vui hơn khi các nhà máy đường nơi đây gồm Công ty NASU, Sơn La, Kon Tum đã mạnh dạn áp dụng hình thức “thanh toán hồi tố”, tức là thực hiện giá mua mía điều chỉnh tăng ở thời điểm hiện tại áp dụng ngược trở về cả thời điểm tính từ đầu vụ ép mía khi chưa có thông báo điều chỉnh giá mua mía tăng. Tuy nhiên, VSSA cho biết, bà con nông dân một số nơi vẫn thắc mắc rằng, giá mua mía của các nhà máy ở một số vùng vẫn chưa được điều chỉnh tăng tương ứng theo giá đường trên thị trường.


Thu hoạch mía. Ảnh: Cấn Dũng

Ngày 25/01/2021, VSSA đã đưa ra khuyến nghị đối với các nhà máy đường, tùy vào hoàn cảnh thực tế tại địa phương, cần sớm xem xét, điều chỉnh tăng giá mua mía làm sao cho người nông dân trồng mía có thể bù đắp được đủ các chi phí đã bỏ ra, cộng thêm tối thiểu 10% lợi nhuận, để người nông dân có thể tồn tại và tiếp tục yên tâm đồng hành cùng các nhà máy, góp phần phục hồi diện tích trồng mía và phát triển ngành mía đường.

Ngoài ra, VSSA cũng khuyến nghị rằng, tùy vào tình hình tài chính cụ thể của mỗi đơn vị, các nhà máy đường nên xem xét “thanh toán hồi tố” giá mua mía điều chỉnh tăng áp dụng ngược về tới thời điểm từ đầu vụ ép cho nông dân để chia sẻ, đồng hành với người nông dân sau 3 vụ liên tiếp gặp khó khăn. Ngay sau khuyến cáo của VSSA, ngày 25/01/2021, Công ty cổ phần Mía đường 333 đã điều chỉnh giá mua mía sạch tại ruộng cho nông dân đối với mía có chỉ số chữ đường trên 8 CCS từ mức 950.000 đồng/tấn lên mức 1.000.000 đồng/tấn.

Một điều đặc biệt đáng phải lưu ý các nhà máy đường mua mía nguyên liệu của nông dân, là phải khách quan, công bằng, chính xác, trung thực khi đánh giá CCS. Bởi việc đánh giá CCS hiện nay, do chính các nhà máy thực hiện mà không thông qua một tổ chức trung gian độc lập nào có chức năng làm việc này. Mặc dù Trung tâm Phân tích CCS do VSSA đã thành lập và đi vào hoạt động gần đây, với mong muốn làm trung gian đánh giá CSS đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho người trồng mía, song ngay lập tức đã bị “chết yểu” rất sớm, lý do là không một nhà máy đường nào sử dụng dịch vụ trung gian này, mà các nhà máy vẫn tiếp tục tự thực hiện việc đánh giá CCS. Điều này, rất khó đảm bảo tính trung thực, minh bạch, chính xác, nghi ngờ nhà máy gian lận CCS của nông dân rất cao.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam, trong Top 10 giống mía phổ biến nhất đang canh tác tại Việt Nam hiện nay, trừ giống K88-92 và K94-2-483 (hay Suphanburi 7) có chỉ số CCS trung bình dưới 11 CCS, còn lại các giống mía khác đều có chỉ số CCS trung bình trên 11 CCS. Thế nhưng, nhìn vào bảng đánh giá CCS của các nhà máy đường mua mía của nông dân từ đầu niên vụ 2020-2021 đến nay, chỉ thấy Nhà máy đường NASUCO có chỉ số đánh giá CCS bình quân trên 11 CCS, còn lại hầu hết các nhà máy chỉ đánh giá chữ đường dưới 10 CCS.

Theo tính toán của các chuyên gia, các nhà máy đường chỉ cần đánh giá chữ đường tụt 1 CCS so với chất lượng thật của cây mía, là đã có thể ăn chặn được từ mồ hôi, nước mắt của nông dân khoảng 10% giá trị một tấn mía (tức khoảng từ 90.000-100.000 đồng/tấn theo giá hiện hành) mà không phải đầu tư vốn và công sức gì. Một nhà máy đường trong vụ chỉ cần ép được 100.000 tấn mía, đánh giá chữ đường gian lận tụt 1 CCS, đã có thể ăn chặn được của nông dân từ 9 - 10 tỷ đồng, nếu ép đạt 1 triệu tấn mía, ăn chặn được được từ 90-100 tỷ đồng/vụ mía - một con số thật khủng khiếp đối với nông dân.
 

Nguồn: Báo Công thương điện tử
Link nguồn

Tin cũ hơn
  • Thông tin điều hành xăng dầu ngày 26/1
    Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 tăng 361 đồng/lít, Xăng RON95-III tăng 340 đồng/lít, Dầu diesel 0.05S tăng 395 đồng/lít, Dầu hỏa tăng 350 đồng/lít, Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 350 đồng/kg.
  • Hàng Việt tự tin ra “biển lớn”
    Với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đã và sắp thực thi, hàng Việt đang có những lợi thế nhất định, tự tin ra “biển lớn”.
  • Không để xảy ra khan hàng, sốt giá trong dịp Tết
    Để không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021, ngoài việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7-22% so với năm ngoái, các doanh nghiệp phân phối cũng xây dựng chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online… nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng.
  • Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn trong khu vực và toàn cầu
    Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đưa Việt Nam thành một trong số không nhiều quốc gia trên toàn thế giới có tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.118.210