VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh: Không để gián đoạn sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng

20/06/2021 09:15
Ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
 
Nguồn hàng cung ứng ổn định, sản xuất lưu thông an toàn
 
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Công Thương, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương Thành phố cho biết, kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tới nay, hoạt động cung ứng, lưu thông hàng hóa cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố vẫn đảm bảo an toàn.

 

Theo lãnh đạo của Sở Công Thương, để đảm bảo vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Sở đã chủ động triển khai các giải pháp như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, tránh tình trạng tập trung đông người; có phương án cho lực lượng giao hàng an toàn. Chủ động phối hợp với địa phương để nắm bắt nhu cầu hàng hóa từng khu phố, từng phường; dự trù khả năng và các phương án cung ứng phù hợp tại các khu vực thực hiện phong tỏa cục bộ để xử lý dịch bệnh.
 
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 07/CT-BCT, Sở đã ban hành Kế hoạch chủ động ứng phó, trong đó dự liệu 4 tình huống và tập trung thực hiện các giải pháp như: Tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đánh giá và khắc phục các chỉ số đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; Tham mưu kế hoạch, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, tổ chức cung ứng ra thị trường; phối hợp cấp phép phương tiện vận chuyển, hỗ trợ lưu thông hàng hóa; Thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở thực hiện công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý; kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại, gây lũng đoạn thị trường; Phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ - Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cung ứng trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu để có phương án huy động, nhập khẩu và cung ứng hàng hóa thiết yếu trong trường hợp cần thiết.

 

Liên quan đến tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa, ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, gần đây việc quy định giãn cách thực hiện chống dịch tại các địa phương có ảnh hưởng tới lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm về chợ đầu mối nhưng về cơ bản nguồn cung vẫn đảm bảo, chủng loại đa dạng và đáp ứng đủ nhu cầu thiết yếu của người dân.
 
Bên cạnh đó, để chủ động tạo nguồn hàng cung ứng cho Thành phố, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các địa phương, vào ngày 17/6/2021, Sở Công Thương đã tổ chức cuộc họp giao ban trực tuyến với 22 tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ để trao đổi thông tin hai chiều, dự báo tình hình thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa các địa phương, thống nhất giải pháp hỗ trợ đảm bảo lưu thông, vận chuyển, cung ứng hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và 22 tỉnh/thành Đông - Tây Nam bộ.

 

Mặc dù vậy, ông Vũ cho biết hiện vẫn có một số vướng mắc liên quan đến quá trình lưu thông hàng hóa, nổi cộm là quy định tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính mới được vào địa bàn nhưng thời gian công nhận kết quả đó ở mỗi địa phương lại khác nhau (có nơi 24 giờ, có nơi 36 giờ nhưng có nơi là 70 giờ), dẫn tới việc tài xế đi từ TP. Hồ Chí Minh về một số địa phương có thời gian quá quy định xét nghiệm của địa phương này nên phải quay xe về, gây mất thời gian trong vận chuyển lưu thông hàng hóa. Từ đó, ông Vũ đề xuất Bộ Công Thương có kiến nghị để các địa phương thống nhất thời gian áp dụng giấy xét nghiệm.
 
Chủ động, quyết liệt hơn để không đứt gãy chuỗi cung ứng
 
Sau khi nghe các báo cáo của Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự chủ động và nỗ lực trong việc lên các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn và cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống.

 

Tuy vậy với những diễn biến mới, phức tạp của dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung vào 6 vấn đề chính.
 
Thứ nhất, Sở Công Thương cần phải nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn, xem họ cần gì và có thể giúp gì. Nếu trong thẩm quyền cần giải quyết ngay, còn vượt thẩm quyền thì kiến nghị lên cấp trên tháo gỡ.
 
Thứ hai, tăng cường các hoạt động kiểm tra, hướng dẫn doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tuân thủ quy trình sản xuất an toàn trong đại dịch như tinh thần của Bộ Công Thương qua các Chỉ thị 07, Chỉ thị 08/CT-BCT; Tổ chức lại các dây chuyền sản xuất hợp lý, bảo đảm giãn cách, tiêu độc khử trùng thường xuyên cả nơi ở và nơi sản xuất của người lao động; có biện pháp quản lý người lao động theo hướng ăn ở tập trung ở khu công nghiệp để tránh nhiễm dịch từ cộng đồng…
 
Thứ ba, có chỉ đạo hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kịch bản xử lý tình huống khi có người lao động là F0, F1, F2… để không lúng túng trong mọi tình huống. Bài học từ Bắc Ninh, Bắc Giang thì có trường hợp họ khoanh vùng, cách ly, xử lý ngay tại chỗ.
 
Thứ tư, tham mưu cho thành phố có chính sách ưu tiên và phối hợp tốt với các ngành, nhất là ngành y tế để khẩn trương triển khai tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là doanh nghiệp chủ lực, doanh nghiệp sản xuất vật chất và đơn vị lưu thông phân phối.
 
Thứ năm, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân theo từng cấp độ, nhất là người trong khu cách ly và thật chú ý vấn đề truyền thông để người dân yên tâm. Chú ý việc kết nối giữa nơi sản xuất với nơi cung ứng dịch vụ chứ không dừng lại ở kênh phân phối để chủ động tốt hơn nguồn hàng. Trong quá trình kết nối cố gắng kết nối với các địa phương, đơn vị có nhu cầu tiêu thụ nông sản, thủy sản tới vụ. Bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết, vừa góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân, vừa góp phần tiêu thụ nông thủy sản tới vụ cho bà con nông dân.
 
Thứ sáu, Sở cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp thành phố trên cơ sở thực tế, trúng, đúng và kịp thời; Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Đương nhiên trong lĩnh vực này Thành phố phải đi đầu; Phải tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng cả trong và ngoài Thành phố để bảo đảm lưu thông phân phối hàng hóa, bảo đảm việc xuất nhập khẩu ổn định theo Chỉ thị 07, 08 của Bộ. Và trong tất cả các nhiệm vụ vừa nêu ngành phải chú ý đến công tác truyền thông, từ thông tin gốc của ngành thì nên đăng tải rộng rãi trên các kênh thông tin để người dân biết. Biết đâu từ thông tin đầy đủ, kịp thời này họ biết nhu cầu của Thành phố, biết sự cần thiết các hàng hóa dịch vụ  thì các nhà sản xuất, cung ứng không phải trên địa bàn họ vẫn sẵn sàng tham gia.
 
Riêng đối với lực lượng quản lý thị trường, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý thị trường Thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm nêu trên.
 
Theo Bộ trưởng, những nhiệm vụ của ngành Công Thương cũng đồng thời cũng là nhiệm vụ của ngành Quản lý thị trường, chúng ta tìm xem chức năng của mình ở chỗ nào với tinh thần trách nhiệm nâng cao để cùng mục tiêu là khống chế dịch bệnh, duy trì sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ cho người dân.
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tăng cường các nghiệp vụ, góp phần ổn định thị trường để người dân cảm thấy yên tâm hơn. Bởi vì, theo Bộ trưởng, trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân không có việc làm, nếu hàng hóa dịch vụ bất ổn, xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái sẽ khiến người dân càng hoang mang hơn... Bộ trưởng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi găm hàng, nâng giá, ép giá, xử lý nghiêm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là hàng hóa thực phẩm, thuốc men, nhu yếu phẩm khác.
 
Bên cạnh đó, chú trọng kiểm tra xử lý trong kinh doanh các mặt hàng chiến lược như sắt thép, xăng dầu, đường, thuốc chữa bệnh, đặc biệt là thép và xăng dầu.
 
Tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng địa phương, cả trong thành phố và ngoài thành phố trong việc hỗ trợ, phát triển thị trường trong nước, nhất là tiêu thụ nông sản hải sản tới vụ cho người dân. Trong quá trình đó chúng ta phải hướng dẫn người nông dân có hướng tiếp cận với sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường chứ không sản xuất theo thói quen; Đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương kiểm soát tình hình kinh doanh trên môi trường điện tử, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo, trốn thuế.
 
Bộ trưởng yêu cầu cần chú ý đến hoạt động truyền thông của Cục QLTT Thành phố. Theo đó, cần cập nhật thường xuyên, kịp thời, chính xác trên trang điện tử của Tổng cục quản lý thị trường, trang quản lý thị trường thành phố và cung cấp thông tin cho Phòng Truyền thông của Văn phòng Bộ để đăng tải thông tin lên Cổng thông tin của Bộ, cũng như các báo nhằm lan tỏa thông tin đến cộng đồng.

 
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương
Link gốc: http://moit.gov.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/bo-truong-nguyen-hong-dien-lam-viec-voi-so-cong-thuong-tp-ho-chi-minh-khong-%C4%91e-gian-%C4%91oan-san-xuat-va-%C4%91ut-gay-chuoi-cung-ung-22934-16.html

 
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.120.501