VITIC
Báo cáo nghiên cứu

Báo cáo đánh giá cán cân thương mại của Việt Nam - Mỹ tháng 1/2019

26/04/2019 10:24
I. Tình hình kinh tế Mỹ
Kinh tế Mỹ trong quý III năm 2018 đã tăng trưởng thấp hơn so với ước tính trước đó, trong bối cảnh động lực của nền kinh tế cũng có dấu hiệu yếu đi trong quý IV/2018.
Theo số liệu điều chỉnh mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã được điều chỉnh từ mức 3,5% xuống còn 3,4% trong quý III/2018, do hoạt động xuất khẩu giảm 4,9% giai đoạn này.
Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ quý III/2018 đã giảm sâu hơn so với ước tính ban đầu, với mức giảm tới 8,1% - mức giảm lớn nhất kể từ quý I/2015. Xuất khẩu của Mỹ giảm mạnh chủ yếu do các chính sách thương mại “mạnh tay” của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đặc biệt là những biện pháp trả đũa thuế quan từ Trung Quốc, đã cản trở hoạt động xuất khẩu của Mỹ. Đồng USD mạnh cũng khiến hàng hóa Mỹ trở nên đắt hơn.

Một số chỉ tiêu kinh tế chính của Mỹ
- Hoạt động sản xuất
Tháng 1/2019, Chỉ số PMI của Mỹ đã giảm xuống 56,7 điểm từ mức 58 điểm trong tháng 12/2018 và thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 57,2 điểm. Chỉ số PMI ở mức thấp do tăng trưởng ngành dịch vụ kém trong bối cảnh lo ngại bởi các tác động tiêu cực của việc đóng cửa chính phủ Mỹ. Mặc dù vậy, tâm lý vẫn khá lạc quan do các điều kiện kinh doanh khá tốt.
 
Biểu đồ 1: Chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ trong năm 2017-2018
 
Nguồn: Tradingeconomics.com
 
- Lạm phát
Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ đã giảm xuống 1,9% trong tháng 12 năm 2018 từ mức 2,2% trong tháng 11/2018. Đây là tỷ lệ lạm phát thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2017, chủ yếu là do chi phí xăng dầu giảm.

 
Biểu đồ 2: Chỉ số CPI của Mỹ trong năm 2017-2018 (ĐVT: %)
Nguồn: Tradingeconomics.com

 
- Thị trường lao động
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng lên 4% trong tháng 1/2019 từ 3,9% vào tháng 12/2018.

 

- Hoạt động thương mại:
Thâm hụt thương mại của Mỹ đã thu hẹp xuống còn 49,3 tỷ USD vào tháng 11 năm 2018 từ mức 55,7 tỷ USD được điều chỉnh tăng trong tháng 10/2018. Đây là mức thâm hụt thấp nhất trong vòng 5 tháng gần đây. Thâm hụt hàng hóa giảm 6,7 tỷ USD xuống còn 71,6 tỷ USD. Thặng dư dịch vụ giảm 0,3 tỷ USD xuống còn 22,3 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 11/2018, giảm 0,6% so với tháng 10/2018 xuống  209,87 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa giảm 1,2 tỷ USD xuống 140,3 tỷ USD, chủ yếu do các lô hàng vật tư công nghiệp (-1,4 tỷ USD), cụ thể là các sản phẩm dầu mỏ khác (-0,6 tỷ USD) và vàng phi tiền tệ (-0,5 tỷ USD); hàng tiêu dùng (-0,9 tỷ USD), cụ thể là kim cương đá quý (-0,5 tỷ USD) và dược phẩm (-0,4 tỷ USD). Mặt khác, doanh thu tăng đối với hàng hóa vốn (1,4 tỷ USD), cụ thể là máy bay dân dụng (1 tỷ USD). Xuất khẩu dịch vụ giảm 0,1 tỷ USD xuống 69,5 tỷ USD do dịch vụ tài chính giảm 0,1 tỷ USD.
Theo dữ liệu chưa được điều chỉnh, xuất khẩu của Mỹ sang các thị trường giảm là: sang Trung Quốc (-5,1%), Canada (-4,7%), Mexico (-6,9%), EU (-3,2%) và Brazil (-25,2%), tuy nhiên xuất khẩu tăng sang thị trường Nhật Bản (4,2% ) và OPEC (15,3%).
Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 11/2018 giảm 2,9% xuống 259,18 tỷ USD, từ mức cao kỷ lục 266,88 tỷ USD trong tháng 10. Nhập khẩu hàng hóa giảm 7,9 tỷ USD xuống còn 211,9 tỷ USD, chủ yếu do hàng tiêu dùng (4,3 tỷ USD), cụ thể là điện thoại di động và các mặt hàng gia dụng khác (-2,3 tỷ USD) và tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ, tem và các đồ sưu tầm khác (- 0,4 tỷ USD); vật tư và nguyên liệu công nghiệp (3,4 tỷ USD), cụ thể là các sản phẩm dầu mỏ khác (-1,4 tỷ USD), dầu nhiên liệu (-0,8 tỷ USD) và dầu thô (-0,7 tỷ USD). Mặt khác, nhập khẩu dịch vụ tăng 0,2 tỷ USD lên 47,3 tỷ USD: du lịch (cho tất cả các mục đích bao gồm giáo dục) tăng 0,3 tỷ USD trong khi dịch vụ bảo hiểm giảm 0,1 tỷ USD.
Theo dữ liệu chưa được điều chỉnh, nhập khẩu hàng hóa của Mỹ giảm từ tất cả các đối tác chính: Trung Quốc (-10,9%), Canada (-9,1%), Mexico (-6,9%), EU (-7,4%), Nhật Bản (-0,8%), Brazil ( -24,8 phần trăm) và OPEC (-12,1%).
Thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc trong tháng 11/2018 đã giảm xuống còn 37,9 tỷ USD từ mức cao kỷ lục 43,1 tỷ USD trong tháng 10/2018. Khoảng cách thương mại cũng thu hẹp với tất cả các đối tác chính khác như: EU (15,1 tỷ USD từ 17,6 tỷ USD), Mexico (6,7 tỷ USD từ 7,2 tỷ USD), Nhật Bản (5,8 tỷ USD từ 6,2 tỷ USD), OPEC (0,8 tỷ USD từ 2,5 tỷ USD; không bao gồm Qatar) và Canada (0,7 tỷ USD từ 2 tỷ USD).
- Niềm tin tiêu dùng
Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã giảm xuống 91,2 vào tháng 1 năm 2019 từ 98,3 vào tháng 12/2018, nhưng trên mức ước tính sơ bộ là 90,7. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống.

 
II. Tình hình hoạt động thương mại Việt Nam – Mỹ
2.1. Về xuất khẩu:
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ trong năm 2018 đạt 47,5 tỷ USD, tăng 14,27% so với năm 2017, chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày... của Việt Nam sang Mỹ đều tăng trưởng mạnh ờ mức 2 con số. Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng... tăng từ 40 - 49% so với năm 2017.

 
Bảng 1: Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ  năm 2018
(ĐVT: nghìn USD)
Mặt hàng Năm 2018 So với năm 2017 (%) Cơ cấu năm 2018 (%) Cơ cấu năm 2017 (%)
Tổng 47.525.547 14,27 100,00 100,00
Hàng dệt, may 13.699.584 11,61 28,83 29,51
Giày dép các loại 5.823.372 13,90 12,25 12,29
Điện thoại các loại và linh kiện 5.411.173 46,13 11,39 8,90
Gỗ và sản phẩm gỗ 3.897.259 19,29 8,20 7,85
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 3.405.643 40,34 7,17 5,83
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2.863.931 -16,71 6,03 8,27
Hàng thủy sản 1.626.818 15,70 3,42 3,38
Túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù 1.321.207 -1,18 2,78 3,21
Phương tiện vận tải và phụ tùng 1.320.742 11,72 2,78 2,84
Hạt điều 1.210.661 -0,70 2,55 2,93
Sắt thép các loại 771.643 81,38 1,62 1,02
Sản phẩm từ sắt thép 503.118 39,10 1,06 0,87
Sản phẩm từ chất dẻo 487.468 29,46 1,03 0,91
Đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận 475.313 9,40 1,00 1,04
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm 393.391 34,76 0,83 0,70
Cà phê 340.222 -16,39 0,72 0,98
Kim loại thường khác và sản phẩm 327.672 27,02 0,69 0,62
Vải mành, vải kỹ thuật khác 178.354 15,96 0,38 0,37
Hạt tiêu 152.957 -30,88 0,32 0,53
Sản phẩm từ cao su 150.768 29,04 0,32 0,28
Hàng rau quả 139.947 37,10 0,29 0,25
Giấy và các sản phẩm từ giấy 105.487 23,99 0,22 0,20
Dây điện và dây cáp điện 95.316 20,72 0,20 0,19
Sản phẩm gốm, sứ 80.981 21,74 0,17 0,16
Sản phẩm mây, tre, cói và thảm 72.707 35,47 0,15 0,13
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 71.829 12,36 0,15 0,15
Dầu thô 68.424 -25,64 0,14 0,22
Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh 63.786 -3,34 0,13 0,16
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 57.235 25,34 0,12 0,11
Xơ, sợi dệt các loại 50.260 92,87 0,11 0,06
Cao su 48.494 -12,62 0,10 0,13
Thức ăn gia súc và nguyên liệu 43.218 50,04 0,09 0,07
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 42.851 1,84 0,09 0,10
Hóa chất 33.077 -5,91 0,07 0,08
Sản phẩm hóa chất 31.762 11,10 0,07 0,07
Gạo 11.909 -5,55 0,03 0,03
Chè 7.335 -7,44 0,02 0,02
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
 
2.2. Về nhập khẩu
Năm 2018, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ tăng mạnh 36,42% so với năm 2017, đạt 12,75 tỷ USD, chiếm % tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa từ tất cả các thị trường. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; bông; máy móc thiết bị phụ tùng là 3 mặt hàng có trị giá nhập khẩu cao nhất, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ. Trong năm 2018, trị giá nhập khẩu của 3 nhóm hàng này đều đạt trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập khẩu hai nhóm hàng liên quan tới kỹ thuật chỉ tăng nhẹ dưới 10%, thì nhập khẩu mặt hàng bông của Việt Nam từ Mỹ tăng 24,62%.
+ Nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng chủ lực Việt Nam nhập từ thị trường Mỹ, chiếm 23,92% tổng trị giá nhập khẩu, đạt 3,05 tỷ USD, tăng 9,57% so với năm 2017.
+ Nhập khẩu bông các loại tăng mạnh 24,62% so với năm 2017, đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 11,52% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ.
+ Nhập khẩu nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chỉ tăng nhẹ 3,87% so với năm 2017, đạt 1,04 tỷ USD, chiếm 8,21% tổng trị giá nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu cao đối với các nhóm hàng khác của Mỹ như thức ăn gia súc và nguyên liệu, sản phẩm từ kim loại thường khác, đậu tương, chất dẻo nguyên liệu, phế liệu sắt thép, kim loại thường khác, phương tiện vận tải khác, rau quả, hóa chất, lúa mì... Trong năm 2018, tăng trưởng trị giá nhập khẩu các mặt hàng này rất cao so với năm 2017, với tốc độ dao động từ trên 20%, thậm chí lên tới 242%. 
Ngược lại, năm 2018 Việt Nam đã giảm nhập khẩu một số mặt hàng từ thị trường Mỹ như vải nguyên liệu, dược phẩm, thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh, ô tô nguyên chiếc...
Bảng 2: Mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Mỹ năm 2018
(ĐVT: nghìn USD)
Mặt hàng Năm 2018 So với năm 2017 (%) Tỷ trọng năm 2018 (%) Tỷ trọng năm 2017 (%)
Tổng 12.753.408 36,42 100,00 100,00
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3.050.830 9,57 23,92 29,78
Bông các loại 1.469.104 24,62 11,52 12,61
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác 1.047.345 3,87 8,21 10,79
Thức ăn gia súc và nguyên liệu 681.531 142,93 5,34 3,00
Sản phẩm từ kim loại thường khác 565.285 2138,89 4,43 0,27
Đậu tương 546.646 65,23 4,29 3,54
Chất dẻo nguyên liệu 448.482 79,77 3,52 2,67
Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 412.836 15,96 3,24 3,81
Phế liệu sắt thép 368.818 99,72 2,89 1,98
Kim loại thường khác 341.918 242,16 2,68 1,07
Sản phẩm hóa chất 319.787 12,40 2,51 3,04
Gỗ và sản phẩm gỗ 317.065 24,03 2,49 2,73
Phương tiện vận tải khác và phụ tùng 307.306 62,95 2,41 2,02
Hàng rau quả 210.105 98,22 1,65 1,13
Chế phẩm thực phẩm khác 188.325 15,24 1,48 1,75
Hóa chất 176.308 28,56 1,38 1,47
Dược phẩm 131.842 -4,79 1,03 1,48
Sản phẩm từ chất dẻo 127.905 22,62 1,00 1,12
Sữa và sản phẩm sữa 121.873 51,50 0,96 0,86
Lúa mì 85.298 506,07 0,67 0,15
Thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh 71.324 -42,94 0,56 1,34
Hàng thủy sản 66.545 42,00 0,52 0,50
Sản phẩm từ sắt thép 59.298 15,63 0,46 0,55
Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh 54.253 22,09 0,43 0,48
Cao su 37.098 25,93 0,29 0,32
Ô tô nguyên chiếc các loại 34.318 -64,10 0,27 1,02
Nguyên phụ liệu thuốc lá 28.242 20,70 0,22 0,25
Sản phẩm khác từ dầu mỏ 27.954 -33,30 0,22 0,45
Vải các loại 27.048 -29,03 0,21 0,41
Sắt thép các loại 26.144 134,00 0,20 0,12
Giấy các loại 22.296 -2,13 0,17 0,24
Quặng và khoáng sản khác 22.252 48,84 0,17 0,16
Sản phẩm từ cao su 18.974 19,06 0,15 0,17
Dây điện và dây cáp điện 13.806 19,96 0,11 0,12
Đá quý, kim loại quý và sản phẩm 13.128 -3,85 0,10 0,15
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 12.420 -63,06 0,10 0,36
Linh kiện, phụ tùng ô tô 11.324 41,27 0,09 0,09
Phân bón các loại 10.952 -7,63 0,09 0,13
Sản phẩm từ giấy 9.986 9,62 0,08 0,10
Thuốc trừ sâu và nguyên liệu 9.494 21,29 0,07 0,08
Bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 9.151 49,34 0,07 0,07
Điện thoại các loại và linh kiện 7.240 -82,64 0,06 0,45
Dầu mỡ động thực vật 6.964 -9,88 0,05 0,08
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
 
III. Đánh giá và đề xuất giải pháp
3.1. Đánh giá và dự báo
Mỹ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong những năm qua. Điểm đặc biệt là Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường Mỹ với trị giá ngày càng lớn. Kể từ khi Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Mỹ (BTA) có hiệu lực, thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên 1,4 tỷ USD năm 2001 (năm trước khi BTA có hiệu lực) và chính thức đạt 60,2 tỷ USD vào năm 2018.
Tính riêng trong 2018, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa trị giá 47,5 tỷ USD sang thị trường Mỹ, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu Mỹ chỉ đạt 12,7 tỷ USD. Nhờ vậy, Mỹ đã trở thành thị trường lớn nhất mà Việt Nam xuất siêu trong năm 2018, đạt 34,7 tỷ USD, tăng 7,85% so với trị giá xuất siêu trong năm 2017.

 
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Cán cân thương mại của Việt Nam - Mỹ qua các năm
 
Chỉ tiêu Trị giá (tỷ USD) Tốc độ tăng trưởng (%)
N2018 N2017 N2018 N2017 N2016 N2015 N2014
Xuất khẩu 47,53 41,59 14,27 8,13 14,89 16,83 20,19
Nhập khẩu 12,75 9,35 36,42 7,36 11,70 24,05 20,09
Cán cân thương mại 34,77 32,24 7,85 8,35 15,86 14,81 20,22
Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan
Theo dõi hoạt động thương mại của Việt Nam - Mỹ trong những năm gần đây cho thấy xuất siêu của Việt Nam không ngừng được mở rộng, và tốc độ tăng trưởng xuất siêu đang có dấu hiệu chậm lại. Năm 2014, tăng trưởng xuất siêu của Việt Nam - Mỹ đạt 20,22%, thì năm 2015 đạt 14,81% và đến 2017 đạt 8,35% và sang năm 2018 đạt 7,85%. Tốc độ tăng trưởng xuất siêu của Việt Nam - Mỹ tăng trưởng chậm lại một phần do quy mô của hoạt động thương mại Việt Nam - Mỹ ngày càng lớn; thêm vào đó hoạt động nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Mỹ tăng nhanh hơn hoạt động xuất khẩu.  
Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang khai thác khá thành công thị trường đầy tiềm năng này, hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, điện thoại các loại... ngày càng khẳng định chỗ đứng tại thị trường Mỹ. Trong bối cảnh, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn có những diễn biến khó lường, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ cũng đứng trước những cơ hội mới khi các đối tác co xu hướng thận trọng hơn trong việc đặt hàng từ thị trường Trung Quốc, chia nhỏ đơn hàng và mở rộng đối tác để giảm thiểu rủi ro.
Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế không cạnh tranh, mà có tính bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Việt Nam có thế mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng chế biến như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản của khu vực nhiệt đới tới Mỹ và nhập khẩu các mặt hàng như bông, thiết bị máy móc, công nghệ có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao... từ Mỹ.
Bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ cũng đối mặt với không ít khó khăn như:
- Trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi hàng loạt các chính sách kinh tế với mục tiêu duy nhất là bảo hộ nền kinh tế Mỹ và chống toàn cầu hóa, vấn đề thâm hụt thương mại liên tục gia tăng giữa Mỹ - Việt Nam có thể tạo ra "thách thức" mới trong quan hệ thương mại song phương.
Trên thực tế, nhiều hàng rào thuế quan, kỹ thuật đã được phía Mỹ dựng lên nhằm giảm mức thâm hụt nói trên, đồng nghĩa với việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể sẽ ngày càng khó khăn. Xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sang Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với nhiều biện pháp chống bán phá giá, rồi cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt là trong lĩnh vực thuỷ sản.
Trong thời gian ngắn Mỹ đã khởi xướng hơn 100 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của nhiều quốc gia khác nhau, trong đó Việt Nam chiếm đến 25 vụ, từ các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu rất ít như túi dệt, đinh thép hay móc áo...
Trong bối cảnh này, các hợp đồng nhập khẩu hàng hoá Mỹ có giá trị lớn từ phía doanh nghiệp Việt Nam được cho là có tác động tích cực, góp phần cân bằng cán cân thương mại song phương.      
- Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, khả năng sẽ xuất hiện tình trạng hàng hóa Trung Quốc mượn đường thông qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ có thể xảy ra. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Về nhập khẩu, năm 2018 nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Mỹ tăng mạnh với tốc độ tăng cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Nhưng về cơ bản, Việt Nam vẫn đẩy mạnh nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng nguyên liệu sản xuất mà trong nước chưa tự sản xuất được như: bông các loại, đậu tương, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường khác... Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện xu hướng nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu đang tăng mạnh như nhập khẩu hàng rau quả tăng tới 98,22%; nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng khác tăng 62,9%; hàng thủy sản tăng 42%; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh tăng 22,09%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc tăng 49,34%...

3.2. Đề xuất giải pháp
Mặc dù Việt Nam vẫn xuất siêu cao sang thị trường Mỹ, nhưng xu hướng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đang cao hơn nhiều so với tốc độ tăng  xuất khẩu là một vấn đề cần được chú ý theo dõi, đặc biệt là nhập khẩu nhiều mặt hàng cần kiềm soát nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng rất cao.
Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, trước mắt, các doanh nghiệp lớn đã xuất khẩu tại Mỹ cần nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của đối tác, chớp cơ hội để gia tăng đơn hàng hoặc khai thác triệt để các thị trường ngách nhằm chiếm ưu thế về thị trường. Ngược lại, các doanh nghiệp nhỏ cần tăng cường liên kết, tổ chức lại hoạt động sản xuất, để tạo ra sức mạnh chung, thương hiệu chung cho từng ngành hàng.
Về phía Nhà nước, cần có sự định hướng và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh mới có thể tham gia vào thị trường Mỹ một cách bền vững, lâu dài.
Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào Mỹ, cơ quan quản lý của Việt Nam cũng cần có cơ chế để bảo vệ nền kinh tế Việt Nam trước nguy cơ chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Cụ thể, cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam, đặc biệt là các cửa khẩu trên đất liền; có tiêu chí cụ thể, chặt chẽ trong việc xác nhận hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu sang Mỹ để ngăn chặn các rủi ro không đáng có.

 
Phòng TT XNK
Tin cũ hơn
  • Báo cáo Diễn biến và triển vọng xuất nhập khẩu mặt hàng Cao su tháng 1/2019
    Về nguồn cung: Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su thiên nhiên (NR) trên thế giới có khả năng tăng nhanh hơn ở mức 6,6% lên 14.844 tấn trong năm 2019 so với mức tăng 4,3% ước tính sơ bộ cho năm 2018.
  • Báo cáo định kỳ về lĩnh vực Công nghiệp
    Cung cấp tư vấn thông tin các mặt hàng xuất nhập khẩu có chất lượng, đầy đủ và chính xác, đưa ra được những thông tin tổng hợp tình hình và dự báo kịp thời góp phần vào công tác điều hành quản lý, hoạch định chiến lược sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp
  • Báo cáo diễn biến thị trường trong tháng
    Các báo cáo cung cấp thông tin về tình hình cung - cầu, diễn biến giá cả, tình hình xuất nhập khẩu, hoạt động đầu tư, chính sách liên quan đến các mặt hàng thiết yếu
  • Báo cáo chỉ số giá hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại
    Trước yêu cầu thông tin về giá cả, thị trường xuất nhập khẩu ngày càng cao, việc đáp ứng thông tin đầy đủ, kịp thời là rất cần thiết, Bộ Công Thương giao Trung tâm thực hiện đề án “Thu thập giá, tính toán và công bố chỉ số giá hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại” phục vụ công tác điều hành, quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại của lãnh đạo Bộ và các cơ quan đơn vị chức năng trong và ngoài Bộ Công Thương.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 121/GP-TTĐT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.095.304