Xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng, xuất siêu hơn 12 tỷ USD
Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng năm 2023 đã vượt 316 tỷ USD.
Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 29,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 2 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa có xu hướng tăng trưởng sau thời gian dài giảm sâu nhờ tác động của hoạt động xúc tiến thương mại được thúc đẩy mạnh mẽ.
Rau quả là một trong những mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh, đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thời gian qua với số liệu nửa đầu tháng 6 (1-15/6), kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 361 triệu USD, tăng tới 206,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong nửa đầu tháng 6 còn vượt thủy sản để trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của lĩnh vực nông thủy sản. Đặc biệt, sầu riêng là mặt hàng có sự tăng trưởng rất mạnh sau khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch.
Xuất siêu 12,25 tỷ USD
Mặc dù xuất khẩu tháng 6 có sự tăng trưởng tốt nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 164,45 tỷ USD.
Nguyên nhân của sự suy giảm này là do tình hình xuất nhập khẩu còn rất nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu chìm sâu vào lạm phát, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh ở nhiều mặt hàng chủ lực của nước ta.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,1 tỷ USD, chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 144,82 tỷ USD, chiếm 88,1%; nhóm hàng nông sản, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, chiếm 8,1%; nhóm hàng thủy sản ước đạt 4,13 tỷ USD, chiếm 2,5%.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,1 tỷ USD.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 6 ước tính xuất siêu 2,59 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD).
Đại diện Bộ Công Thương nhìn nhận: Con số kim ngạch xuất khẩu khởi sắc của tháng 6 cho thấy các giải pháp xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả. Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả xuất khẩu, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… cũng như các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan (ASEAN).
Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA); tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định FTA.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
-
Từ ngày 15/7/2023, Nghị định số 26/2023/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, điều kiện đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô; hàng hóa nhập khẩu là bộ linh kiện CKD và bộ linh kiện không đồng bộ của ô tô để sản xuất, lắp ráp ô tô thực hiện có một số thay đổi lớn.
-
Trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm mạnh, đơn hàng xuất khẩu nhỏ, thời gian giao hàng nhanh buộc doanh nghiệp ngành gỗ phải tìm kiếm công nghệ phù hợp.
-
Ngày 30 tháng 12 năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2954/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ, Cộng hòa In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã vụ việc: AR01.AD10).
-
Ngày 22 tháng 7 năm 2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1933/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hoà In-đô-nê-xi-a (mã vụ việc AD09).