VITIC
Thị trường thế giới

Xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam với Quy định chống mất rừng của EU

31/07/2024 15:23

Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành quy định chống mất rừng (EUDR) nhằm ngăn các mặt hàng nông sản không được kiểm soát hoặc bất hợp pháp thâm nhập vào thị trường châu Âu. Quy định này được áp dụng từ tháng 01/2025 với việc cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, ca cao và đậu) vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Theo Quy định EUDR, 100% các sản phẩm nông nghiệp trong quy định của Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn. Dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.


Ảnh minh hoạ, nguồn internet

EUDR đối với sản phẩm từ gỗ

Quy định phá rừng (EUDR) của EU sẽ đảm bảo rằng các sản phẩm bằng gỗ như đồ nội thất không góp phần gây ra nạn phá rừng và suy thoái rừng. Các sản phẩm đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu vào thị trường EU sẽ phải truy tìm nguồn gốc đến lô đất khai thác.

Để được phép vào thị trường Châu Âu, các sản phẩm phải được đảm bảo:

- Không phá rừng (từ đất chưa bị mất rừng hoặc suy thoái rừng sau ngày 31 tháng 12 năm 2020);

- Được sản xuất theo quy định của nước sản xuất;

- Được công bố đã thẩm định.

Quy định này sẽ được áp dụng từ tháng 12/2024 trở đi. EUDR cũng phải công nhận các sản phẩm được cấp phép FLEGT.

Theo EUDR, hàng hóa nông, lâm sản và sản phẩm liên quan chỉ được phép lưu thông tại EU khi đảm bảo được yếu tố không làm mất rừng và hợp pháp. Để chứng minh sản phẩm thỏa mãn cả hai điều kiện trên, doanh nghiệp đưa sản phẩm vào lưu thông tại thị trường EU cần nộp due diligence statement (tạm dịch là Cam kết thẩm định chuỗi cung ứng) kèm theo sản phẩm và sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ thông tin trong văn bản này. Bản cam kết này phải được nộp tới cơ quan quản lý nhập khẩu để đánh giá trước khi sản phẩm được nhập khẩu vào EU. Trong khuôn khổ EUDR, cách tiếp cận quản lý dựa trên rủi ro (risk-based management) sẽ được các cơ quan quản lý nhập khẩu của EU áp dụng. Ví dụ, các loại hàng hóa nhập khẩu sẽ được phân loại theo các luồng như xanh (ít rủi ro), vàng (rủi ro an toàn) và đỏ (rủi ro cao), với tần suất và mức độ kiểm tra đối với nhóm hàng hóa rủi ro cao lớn hơn so với nhóm hàng hóa rủi ro thấp.

Ngoài các yêu cầu quản lý rủi ro thông thường này, EU sẽ sử dụng phương pháp bao trùm để phân loại quốc gia/vùng sản xuất. Các quốc gia/vùng sản xuất cung cấp các mặt hàng cho EU sẽ được phân loại theo 1 trong 3 mức rủi ro mất rừng gồm: thấp, trung bình và cao. Hàng hóa từ các quốc gia/vùng thuộc nhóm rủi ro cao sẽ phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn so với hàng hóa từ các quốc gia/vùng thuộc nhóm rủi ro trung bình và thấp. Cụ thể, tỷ lệ kiểm tra hàng năm với hàng hóa và nhà nhập khẩu sẽ tăng dần theo mức độ rủi ro, tương ứng là 1%, 3% và 9%. Hiện tại, EU vẫn đang tham vấn với các quốc gia và sẽ công bố danh sách phân loại các quốc gia theo từng nhóm rủi ro gây mất rừng chậm nhất vào ngày 30/12/2024. Các tiêu chí chính được EU áp dụng để phân loại quốc gia/vùng theo mức độ rủi ro bao gồm:

- Tốc độ mất rừng và suy thoái rừng tại quốc gia/vùng này

- Tốc độ mở rộng diện tích đất nông nghiệp cho các loại sản phẩm liên quan

- Các xu thế sản xuất các sản phẩm liên quan

EU cũng có thể quan tâm đến các thông tin đầu vào phục vụ quá trình phân loại quốc gia/vùng sản xuất, bao gồm:

- Thông tin cung cấp bởi cơ quan quản lý từ quốc gia /vùng sản xuất, thông tin từ công ty, từ các tổ chức phi chính phủ, từ bên thứ ba… về nỗ lực giảm phát thải trong nông, lâm nghiệp và các loại hình sử dụng đất, bao gồm Đóng góp quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contribution) trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC)

- Các hiệp định hoặc cơ chế khác mà quốc gia đã ký với EU có liên quan tới khía cạnh nhằm giải quyết nguyên nhân làm mất rừng và suy thoái rừng

- Quốc gia có đang thực hiện Điều 5 Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (chống mất rừng và suy thoái rừng qua vận hành của thị trường các-bon) hay không

- Mức độ chia sẻ và phổ cập thông tin về các hoạt động thực thi pháp luật, bao gồm cả việc bảo vệ quyền của cộng đồng, quyền người bản địa.

EU sẽ đính kèm với thông báo lý do định thay đổi kết quả của phân loại rủi ro, đề nghị quốc gia phản hồi lại với EU về ý định này và kết quả của việc quốc gia đó được phân loại là rủi ro cao hay thấp. Các quốc gia sẽ có thời gian để phản hồi với EU về kết quả phân loại. Trong trường hợp EU có ý định xếp một quốc gia (vùng) vào nhóm rủi ro cao, quốc gia này có thể cung cấp thông tin về các biện pháp được thực hiện để khắc phục tình hình.

Khi cơ quan thẩm quyền EU xác định doanh nghiệp không tuân thủ quy định của EUDR hay sản phẩm đang được kinh doanh hay xuất khẩu vào thị trường EU không tuân thủ EUDR, cơ quan này sẽ yêu cầu doanh nghiệp hay thương nhân thực hiện ít nhất một trong số những biện pháp khắc phục sau:

- Khắc phục các điểm không tuân thủ, đặc biệt là các điểm về nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm giải trình;

- Ngăn chặn việc đưa sản phẩm ra lưu thông tại thị trường EU;

- Rút lại hoặc thu hồi sản phẩm ngay lập tức;

- Quyên góp sản phẩm cho mục đích từ thiện hoặc công cộng, hoặc nếu điều này không khả thi thì hủy bỏ sản phẩm theo quy định của EU.

Các hành vi vi phạm và không khắc phục vi phạm có thể dẫn tới việc DN phải nộp phạt (tối đa 4% tổng doanh thu của DN trong năm trước đó tại EU), tịch thu tiền và hàng hóa trong giao dịch vi phạm, cấm tham gia trong thời hạn 12 tháng vào các gói mua sắm công hoặc các hoạt động sử dụng ngân sách công, thậm chí là cấm tạm thời không cho phép DN đưa sản phẩm đó vào thị trường EU nếu vi phạm nặng.

Đối với việc truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu, EU yêu cầu về vị trí địa lý. Vị trí địa lý của một thửa đất được mô tả bằng kinh độ và vĩ độ tương ứng với ít nhất một điểm có kinh độ và vĩ độ sử dụng ít nhất 6 chữ số thập phân. Gỗ nguyên liệu phải có định vị khu vực khai thác và EU sẽ thẩm định vùng khai thác gỗ nguyên liệu đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) chưa, hay đó là vùng vi phạm phá rừng, làm suy thoái rừng. Trường hợp gỗ nguyên liệu được khai thác trong diện tích dưới 4 ha thì truy xuất điểm, còn trên 4 ha là truy xuất vùng. Việc thẩm định sẽ diễn ra trước khi doanh nghiệp đặt hàng hoặc trước khi hàng xuất đi và doanh nghiệp phải gửi các thông tin liên quan sau thẩm định cho các cơ quan có thẩm quyền của EU… Theo Điều 9 khoản d của EUDR, doanh nghiệp cần thu thập và lưu trữ các thông tin liên quan đến sản phẩm nhằm chứng minh sản phẩm hợp pháp và không gây mất rừng trong vòng 5 năm, đồng thời khai báo với cơ quan thẩm quyền khi được yêu cầu. Trong đó, quy định thông tin đối với nơi sản xuất ra sản phẩm được ban hành như sau:

Các quy định của EUDR chính thức có hiệu lực với nhà nhập khẩu lớn vào tháng 1/2025 và với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ vào tháng 6/2025.

Cơ hội và thách thức từ EUDR với ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam

EU là một trong những thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì thế, quy định EUDR của EU tác động nhiều mặt đối với ngành gỗ Việt Nam.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 256 triệu USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

- Xem chi tiết tại đây;

 

Trần Thị Huyền (VITIC) thực hiện


Ngày 28/02/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững;
Một trong những định hướng chiến lược của Đề án là nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các bon thấp, lao động và công đoàn.

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.746.365