VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc giảm sau nhiều năm tăng trưởng

16/09/2019 11:07
NHỮNG THÔNG TIN ĐÁNG LƯU Ý TRONG TUẦN & DỰ BÁO
I. Kinh tế thế giới
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm của kinh tế thế giới tuần qua với hàng loạt diễn biến mới. Theo đó, trong ngày 23/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan từ 5-10% lên 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Kế hoạch này sẽ được chia thành hai phần, một phần thực thi từ ngày 1/9, một phần thực thi từ ngày 15/12/2019, đồng thời, thuế quan 25% sẽ được áp lên ôtô Mỹ và thuế quan 5% sẽ áp lên phụ tùng ôtô Mỹ, có hiệu lực từ ngày 15/12/2019.
Trước động thái này của Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức trả đũa với tuyên bố thuế quan 25% hiện đang áp lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ tăng lên 30% kể từ ngày 1/10 - đúng ngày Quốc khánh Trung Quốc. Cùng với đó, thuế quan 10% mà Mỹ dự kiến áp lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ được nâng lên mức 15%. Nửa đầu tiên của kế hoạch 300 tỷ USD này sẽ triển khai từ ngày 1/9, phần còn lại được thực thi từ ngày 15/12. 550 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế là gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hàng năm, đồng thời Tổng thống Mỹ cũng yêu cầu các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Những bước leo thang mới nhất của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khiến khả năng đạt được thỏa thuận kết thúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng xa vời, đồng thời làm tăng khả năng kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái.
Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu xuống những mức thấp kỷ lục nhằm hỗ trợ nền kinh tế và đối phó với mức tăng thuế quan của chính quyền Mỹ. Tính đến phiên giao dịch ngày 29/8, tỷ giá tham chiếu của đồng Nhân dân tệ đã giảm xuống mức 7,0858 NDT/USD, đánh dấu mức thấp nhất của đồng tiền này trong 11 năm qua. Tính chung trong tháng 8/2019, giá trị của đồng Nhân dân tệ đã giảm khoảng 4%, ghi nhận tháng giảm mạnh nhất của đồng tiền này kể từ tháng 1/1994 - thời điểm chế độ tỷ giá hối đoái hiện tại của Trung Quốc bắt đầu được áp dụng.
Đồng Nhân dân tệ giảm giá giúp hàng hóa Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường thế giới, nhờ đó có thể phần nào bù đắp được ảnh hưởng của thuế quan Mỹ. Nhưng mặt khác, tình trạng giảm giá liên tiếp của Nhân dân tệ cộng với chính sách nới lỏng của chính quyền Trung Quốc thông qua hàng loạt biện pháp như hạ lãi suất, “bơm” tiền vào nền kinh tế ... cũng dẫn tới khả năng các dòng vốn rút mạnh khỏi Trung Quốc, khiến đồng tiền này tiếp tục giảm giá mạnh hơn, kéo theo “làn sóng” giảm lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng tại hàng loạt Ngân hàng trung ương, gia tăng rủi ro về cuộc chiến tiền tệ trên thị trường tài chính toàn cầu.
Trước xu hướng leo thang trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc, chính quyền Mỹ đang nỗ lực đạt được các thỏa thuận thương mại  với các đối tác lớn khác nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tại thượng đỉnh G7 vừa kết thúc ngày 26/8, Mỹ và Nhật Bản đã "nhất trí về nguyên tắc" một thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước. Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kỳ vọng ở Nhật Bản một thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại giữa nước này với Nhật Bản, đồng thời đòi hỏi quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho sản phẩm thịt bò, thịt lợn, lúa mì và các sản phẩm sữa của Mỹ. Về phía Nhật Bản, nước này đặt mục tiêu xóa bỏ các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô. 
Trong khi đó, kinh tế Mỹ tiếp tục cho thấy những tín hiệu giảm tốc. Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ số PMI theo tính toán của IHS Markit đã giảm từ 50,5 điểm trong tháng 7/2019 xuống còn 49,9 điểm trong tháng 8/2019, đánh dấu mức thấp nhất của chỉ số này trong 10 năm qua và cho thấy lĩnh vực sản xuất của Mỹ chính thức bị thu hẹp và nguyên nhân chủ yếu là do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, số đơn đặt hàng hóa lâu bền (ngoại trừ hàng hóa phục vụ quốc phòng) của Mỹ chỉ tăng nhẹ 1,4% trong tháng 7/2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% trong tháng trước. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ tiếp tục sụt giảm. Trong phiên giao dịch ngày 27/8, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,481%, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm và lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã giảm xuống -5 điểm cơ bản, mức thấp nhất kể từ năm 2007. Diễn biến này củng cố thêm khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9/2019.
II. Kinh tế trong nước
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8/2019 ghi nhận diễn biến tích cực với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2019 đạt mức cao kỷ lục, ước tính đạt khoảng 24,5 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu giảm 0,6% so với tháng 7/2019 nhưng lại tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018, ước đạt 22,8 tỷ USD. Tính chung 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 166,58 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2018 tăng 8,5%. Với diễn biến này, trong tháng 8/2019, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 1,7 tỷ USD, qua đó đưa tổng kim ngạch xuất siêu của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019 lên 3,4 tỷ USD. Trong những tháng tới, dự báo xuất khẩu sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khá do bước vào giai đoạn cao điểm trong năm, tuy nhiên sẽ khó bứt phá trước tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và xu hướng giảm tốc của thương mại toàn cầu.
Theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng trong  6 tháng đầu năm 2019 đạt 7,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (7,8%). Trong những tháng cuối năm 2019, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng giảm ở nhiều ngành nghề kinh doanh đang gặp khó khăn (như bất động sản, thép,...) và dự báo nhu cầu tín dụng mảng khách hàng cá nhân có thể bị ảnh hưởng do nền kinh tế đang giảm tốc, dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khó có thể bứt phá, đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2019 chỉ đạt khoảng 12-13%. 
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng chậm lại, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh tăng tại nhiều ngân hàng thương mại nhằm bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh cuối năm của các ngân hàng thương mại, đồng thời cũng đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Trong bối cảnh này, ngày 26/8/2019, NHNN đã ban hành văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng VND nhanh và khá lớn ở một số kỳ hạn, đồng thời khẳng định sẽ theo dõi sát việc triển khai giải pháp về lãi suất và tín dụng của các tổ chức tín dụng và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN. Trước định hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên cộng với nỗ lực của NHNN trong việc kiểm soát mặt bằng lãi suất huy động và xu hướng giảm lãi suất cho vay tại một số ngân hàng, dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ổn định trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng trưởng GDP những tháng cuối năm 2019.

Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ;
Phòng Thông tin Xuất nhập khẩu
- Địa chỉ:               Phòng 603 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.
- Điện thoại:          024 3715 2584/ 371525 85/ 3715 2586            Fax: 024 3715 2574
Người liên hệ:      
- Mrs Huyền;         0912 077 382    ( thuhuyenvitic@gmail.com)
- Mrs Nhuận;         0982 198 206    (hongnhuan82@gmail.com)
- Mrs Kiều Anh;     0912 253 188    (kieuanhvitic@gmail.com)

Để có thông tin đầy đủ Quý độc giả vui lòng tải mẫu phiếu đăng ký sử dụng bản tin tại đây; 

Phòng TTXNK

 

 
Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.770.205