Xuất khẩu giày dép sang Ấn Độ nỗ lực đáp ứng những quy định mới
Hiện nay, Ấn Độ là một trong 7 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương chiếm 80% tổng kim ngạch của Việt Nam so với các nước Nam Á khác. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 trên thế giới và lớn thứ 5 trong khu vực ASEAN của Ấn Độ.
Trong số 30 mặt hàng xuất khẩu sang Ấn Độ, giày dép được nhận định là một mặt hàng có nhiều tiềm năng phát triển. Số liệu thống kê từ Tổng Cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng năm 2024 các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu hơn 93 triệu USD mặt hàng giày dép sang Ấn Độ, cùng hơn 77 triệu USD mặt hàng nguyên phụ liệu da giày, dệt may.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Trong thời gian gần đây, Ấn Độ đã tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất trong; đơn giản hoá hoạt động kinh doanh thông qua quản lý cấp phép, phê duyệt các giấy tờ trực tuyến, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ hơn.
Những năm qua, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp da giày nói riêng, doanh nghiệp các ngành hàng nói chung khai thác cơ hội, mở rộng xuất khẩu sang Ấn Độ, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường này:
-
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã khai trương khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Giày dép Quốc tế Ấn Độ (IIFF) lần thứ 7 ở Trung tâm triển lãm Pragati Maidan, thủ đô New Delhi. Đây là sự kiện hàng đầu trong ngành công nghiệp giày dép tại khu vực Nam Á, cũng là hội chợ lớn và quan trọng trong ngành công nghiệp giày dép tại Ấn Độ;
-
Tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương nhằm giúp doanh nghiệp hai nước có cơ hội tìm hiểu sâu về nhu cầu của nhau, tiến tới hợp tác đầu tư và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đang nỗ lực triển khai việc mở rộng quan hệ hợp tác với Ấn Độ. Từ ngày 30/7 – 1/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Việt Nam chính thức thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ thảo luận, đề ra phương hướng đưa quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại – đầu tư, với các ngành năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics, hàng không, công nghiệp ô tô, khoa học công nghệ, thông tin-viễn thông, công nghệ số, giáo dục – đào tạo, văn hóa – du lịch, giao lưu nhân dân, nông nghiệp...
Hiện nay, việc xuất khẩu giày dép sang Ấn Độ phải đối mặt với những thách thức mới, trong đó có những yêu cầu mới liên quan đến thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững và yêu cầu kỹ thuật với hàng xuất khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, Chính phủ cần tiếp tục có tiếng nói để Ấn Độ giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, từ đó giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, các doanh nghiệp giày dép Việt Nam cũng cần tìm hiểu kỹ hơn về các quy định mới, đồng thời có chiến lược cụ thể để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu mới của người tiêu dùng tại quốc gia này.
Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp
-
Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019. Sau hơn 5 năm thực thi, CPTPP đã đem lại một số kết quả tích cực và được đánh giá là Hiệp định đầu tiên đưa Việt Nam lên vị trí mới trong quá trình hội nhập kinh tế, góp phần giúp hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương tăng trưởng tương đối khả quan
-
Thống kê từ số liệu hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 5/2024 đạt 827,89 triệu USD, tăng 6,69% so với tháng 4/2024 và tăng 2,28% so với tháng 5/2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 3,55 tỷ USD, tăng 4,91% so với cùng kỳ năm ngoái.
-
Xuất khẩu cá tra sang thị trường Mercosur, đặc biệt là tại Brazil, đang có những bước tiến vượt bậc nhờ việc đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam - Mercosur, mở ra triển vọng ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục "lội ngược dòng" và chinh phục thị trường Mỹ Latinh đầy tiềm năng.
-
Quý 1/ 2024, kinh tế Malaysia tăng trưởng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với ước tính 3,9% và tăng tốc rõ rệt từ mức tăng 2,9% trong quý 3/2023, chủ yếu nhờ đóng góp tích cực từ hầu hết các lĩnh vực, dẫn đầu là ngành xây dựng (11,9% so với mức tăng 3,6% trong quý 4/2023), tiếp theo là khai thác mỏ và khai thác đá (5,7% so với 3,5% trong quý 4/2023), và dịch vụ (4,7% so với 4,1%).