VITIC
THỊ TRƯỜNG - NGÀNH HÀNG

Xuất khẩu dệt may hậu dịch Covid-19 - Thách thức và cơ hội để duy trì tăng trưởng

29/05/2020 10:39

Xuất khẩu dệt may hậu dịch Covid-19 - Thách thức và cơ hội để duy trì tăng trưởng        
Những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 đang đặt ra cho một ngành có mức độ hội nhập cao như dệt may những thách thức to lớn từ những khó khăn cả về phía cung và cầu. Tuy nhiên, lửa thử vàng gian nan thử sức, là một trong những ngành tiên phong về tốc độ bứt phá trong thập kỷ vừa qua, ngành dệt may cần những giải pháp nào để hồi phục sau dịch bệnh?
 
1. Xuất khẩu dệt may Việt Nam quý I/2020
Sau nhiều năm, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng âm với kim ngạch Quý I/2020 đạt 8,4 tỷ USD, giảm 2,02% so với cùng kỳ 2019, riêng tháng 3/2020, kim ngạch giảm 7,42%. Con số này giảm chưa mạnh do tác động của dịch bệnh Covid 19 bởi thực tế các thị trường EU, Mỹ mới có chủ trương đóng cửa từ giữa tháng 3, cho nên quý I chưa thể hiện hết các khó khăn như hiện nay. Đến tháng 4, xuất khẩu dệt may của Việt Nam bắt đầu “ngấm” tác động tiêu cực từ đại dịch với kim ngạch hàng dệt và may mặc giảm 18,8%, đạt 1,9 tỷ USD; tính chung 4 tháng xuất khẩu hàng dệt may giảm 5,8%.

Khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong quý I bị gián đoạn mới được phục hồi trở lại thì từ giữa tháng 3/2020 tới nay, xuất khẩu dệt may của nước ta lại phải đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do các nước áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Nhiều đơn hàng bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã chứng kiến ngay mức doanh thu giảm 20% trong quý I/2020, thời gian mở LC cũng kéo dài, trước kia là 60 ngày thì nay là 120 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều hàng FOB thì càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. Nhiều doanh nghiệp trở thành khách nợ khó đòi của ngân hàng. Cùng với tình trạng hủy đơn hàng là tình trạng giãn đơn hàng, với các đơn hàng giao trong tháng 3 đều bị lùi xuống tháng 4, tháng 5. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu giờ chỉ hoạt động trong trạng thái cầm cự, chưa có đơn hàng mới.

Mặc dù tăng trưởng âm nhưng so với dự báo được đưa ra từ đầu tháng 3 là kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 4 sẽ giảm 40-50% so với tháng 3 và sau 4 tháng KNXK giảm trên 10% thì những chỉ đạo của Chính phủ, Bộ ngành và nỗ lực tự thân của doanh nghiệp đã ít nhiều khắc phục được 50% mức suy giảm so với dự kiến. Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu 4 tháng giảm trên 7,6% cũng cho thấy nỗ lực sử dụng nguyên liệu trong nước, nhất là cho mặt hàng khẩu trang, quần áo y tế đã có kết quả. Mức độ suy giảm của dệt may Việt Nam so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh chỉ bằng ~50% cho thấy việc kiểm soát tốt dịch bệnh và nỗ lực sáng tạo của doanh nghiệp cũng đã hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực chung của thị trường.
 
Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang các thị trường lớn
(ĐVT: Triệu USD; nguồn: Vinatex)

Thị trường

Quý I/2018

Qúy I/2019

Qúy I/2020

Qúy I/2019 so với
Qúy I/2018

Qúy I/2020 so với
Qúy I/2019

Mỹ

3096

3405

3558

10,05

4,49

EU (28)

1329

1486

1413

11,81

-4,90

Nhật Bản

904,41

948

967

4,82

2,00

Hàn Quốc

837,32

876

889

4,62

1,48

Trung Quốc

794,79

913

785

14,87

-14,02

Khác

848,5

953

795,8

12,32

-16,49

Tổng

7808

8581

8408

9,90

-2,02

 
2. Thị trường dệt may thế giới
 
2.1. Bối cảnh kinh tế thế giới
Đại dịch Covid-19 lan ra khắp thế giới đã dập tắt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong năm 2020, trái lại, nó khiến kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 rơi vào tình trạng gần như đình trệ vì dịch Covid-19. Việc phong tỏa nhiều thành phố do dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển, khiến cho nguyên vật liệu sản xuất bị ách tắc, nhiều công nhân Trung Quốc không thể trở về nơi làm việc sau Tết, khiến cho các chuỗi cung ứng bị gián đoạn nghiêm trọng.

Mỹ, Nhật Bản, Anh và nhiều nước G20 đang thâm hụt ngân sách nặng nề và nợ công đã ở mức rất cao. Đồng thời, lãi suất ở các nền kinh tế quan trọng nhất trong G20 đều đang rất thấp, thậm chí bằng 0 ở nhiều nước EU và âm ở Nhật Bản. Hệ quả là Chính phủ các nước có rất ít dư địa để can thiệp về tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích nền kinh tế khi đại dịch toàn cầu hoành hành.
 
2.2. Thị trường dệt may thế giới những tháng đầu năm 2020
Về cung, trong tháng 1 và tháng 2/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều nhà máy sợi, dệt đã bị đóng cửa, công nhân nghỉ kéo dài. Tình trạng này khiến tình hình cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may trên toàn thế giới bị ảnh hưởng, nhất là những quốc gia chuyên sản xuất gia công như Việt Nam, Bangladesh.

Với các nước xuất khẩu hàng dệt may lớn như Ấn Độ và Bangladesh, tình trạng hủy đơn, giãn đơn hàng xảy ra nhiều. Xuất khẩu dệt may của Ấn Độ và Bangladesh trong quý I/2020 giảm mạnh, với Ấn Độ giảm tới 12% về khối lượng. Hiện tại Liên đoàn Công nghiệp dệt may Ấn Độ đang kêu gọi Chính phủ nước này có gói cứu trợ cho ngành dệt may để giảm thiểu khủng hoảng do virus Corona gây ra. Các biện pháp được đề cập đến là giảm lãi suất ngân hàng, gia hạn các khoản vay, tạm ngừng thu các khoản nợ gốc và lãi, miễn thuế nhập khẩu tất cả các nguyên liệu đầu vào…

Về cầu, bước sang tháng 3, khi dịch bệnh lan rộng ra các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu và Mỹ, lập tức nhu cầu tiêu dùng toàn thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Cầu bị ảnh hưởng tiêu cực do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, kinh tế bất ổn khiến người tiêu dùng chỉ tập trung vào các sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay. Thứ hai, dịch bệnh khiến dân chúng hạn chế tụ tập đám đông, không đi lại khiến người dân không đi mua sắm ở các cửa hàng truyền thống, mà thay vào đó chỉ ở nhà. Kinh tế suy thoái và sự không chắc chắn khi nào hồi phục do dịch bệnh không có dấu hiệu ngừng lại cũng kéo theo tâm lý thắt chặt hầu bao. Vì lẽ đó nhà nhập khẩu và người mua hàng đều có xu hướng giãn hoặc hủy đơn hàng đã đặt. Do kinh tế toàn cầu suy yếu, tình hình nhập khẩu dệt may quý I/2020 tại các quốc gia nhập khẩu lớn cũng giảm rõ rệt.
 
Kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may của các thị trường lớn
(ĐVT: Triệu USD; nguồn: Vinatex)

Thị trường

Quý I/2018

Quý I/2019

Quý I/2020

Quý I/2019 so với
Quý I/2018

Quý I/2020 so với
Quý I/2019

Thế giới

160.180

152.309

136.557

-4,91

-10,34

Mỹ

27.607

28.959

25.831

4,90

-10,80

EU

72.930

70.410

62.031

-3,46

-11,90

Trung Quốc

7.747

8.164

6.629

5,38

-18,80

Nhật Bản

8.914

9.049

9.257

1,51

2,30

Hàn Quốc

3.746

3.849

3.433

2,75

-10,80

Khác

39.236

31.878

29.375

-18,75

-7,85

 2.3. Dự báo thời gian tới
 
Ngày 14/4/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo mới nhất cho biết kinh tế toàn cầu có thể phải trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái diễn ra vào những năm 1930, khi nhiều nước phải vật lộn để chống đại dịch Covid-19. Theo đó, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, giảm 6,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 1/2020. Trong đó, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,9% trong năm 2020, khu vực đồng tiền chung euro giảm 7,5%, và Nhật Bản giảm 5,2%.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cảnh báo cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu có nguy cơ khiến thương mại quốc tế trong năm 2020 sụt giảm ở mức kỷ lục. Theo ước tính, khối lượng giao dịch toàn cầu có thể giảm 13 - 32% trong năm 2020, sau khi đạt mức tăng 2,9% trong năm 2018 và giảm 0,1% trong năm 2019.

Hãng McKinsey đưa ra dự báo các phương án phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong đó, phương án phục hồi nhanh: GDP toàn cầu chỉ tăng 2% từ mức dự kiến 2,5%, trong đó USA giảm từ 1,74%, xuống 1,34%; EU giảm từ 1,29% xuống 0,99%, Trung Quốc giảm từ 5,99% xuống 4,68%. Phương án phục hồi chậm: GDP toàn cầu chỉ tăng từ 1-1,5%, trong đó USA tăng 0,45%, EU không tăng, Trung Quốc tăng 3,82%.

Trong cả 2 phương án thì tổng cầu đều giảm mạnh, phương án phục hồi nhanh thì ngành sản xuất hàng tiêu dùng vẫn giảm từ nay đến hết Qúy II, sau đó mới dần phục hồi. Phương án chậm thì sau Qúy III mới có khả năng dần phục hồi. Kinh doanh online tăng trưởng trong khi kinh doanh offline sẽ khó khăn kéo dài ít nhất đến hết Quý III.

Đối với kinh tế thế giới nói chung, ngành Dệt may thế giới nói riêng, hiện chưa thể đưa ra dự báo hoặc tín hiệu nào cho thấy sự trở lại trạng thái bình thường như trước khi có đại dịch Covid-10 hay là “bình thường mới”. Chưa thể kiểm chứng được tâm lý và hành vi tiêu dùng sẽ thay đổi như thế nào, nhất là với các mặt hàng tiêu dùng cũng như ảnh hưởng của nó với tổng cầu trong tương lai.

Nhiều dự báo cho biết, tổng cầu dệt may toàn thế giới năm 2020 có nguy cơ sụt giảm. Năm 2019 mức nhập khẩu dệt may thế giới là 780 tỷ USD. Nếu dịch bệnh không được đẩy lùi hết quý II/2020 mà kéo dài đến Quý III/2020, dự báo cầu nhập khẩu dệt may thế giới sẽ xuống đến ngưỡng 600 - 680 tỷ USD, giảm từ 15-25% so với mức 780 tỷ USD của năm 2019 do nhu cầu trang phục xuân hè đã qua đi, thị trường mất mùa một vụ thời trang. Khảo sát của Liên đoàn các nhà sản xuất thiết bị và hàng hoá dệt may cũng dự báo về khả năng suy giảm 25% tổng cầu 2020 toàn thế giới.

Ngành Dệt may Việt Nam chưa thực sự hồi phục khi bị ảnh hưởng gián tiếp từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung thì đã phải bước qua tiếp một thực tế không mấy khả quan do dịch bệnh Covid-19 mang lại.

Hiện tại với ngành may, tình trạng hủy đơn hàng hoặc không đặt hàng bắt đầu diễn ra, khi người tiêu dùng tại Mỹ, EU thắt chặt chi tiêu bởi dịch bệnh. Với ngành Sợi, tình hình cũng không diễn biến khá hơn do cầu từ Trung Quốc cũng sụt giảm mạnh. Với tình trạng hủy đơn hàng ngày càng lan rộng, áp lực về tài chính và lao động là rất lớn đối với doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực của Chính phủ các nước, dịch bệnh có thể sớm được đẩy lùi vào cuối quý II/2020, những khó khăn của ngành Dệt may cũng sẽ được giảm bớt.
Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành đang phát huy cao độ tinh thần gắn kết giữa người lao động với DN, giữa các thành phần của chuỗi cung ứng, nhất là với DN sản xuất nguyên liệu trong nước được nâng cao, tỷ lệ khai thác nguyên phụ liệu sản xuất trong nước được nâng cao. Các doanh nghiệp đầu mối cũng tập trung làm việc với các nhà cung cấp để chuyển chuỗi cung ứng nguyên liệu vào VN đáp ứng Hiệp định EVFTA như Uniqlo, H&M, Zara; làm các đơn hàng thử nghiệm, nhỏ, yêu cầu cao cũng như tiếp tục làm mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế dự báo có thể có nhu cầu cao hết quý 2; duy trì trạng thái sẵn sàng hoạt động bình thường ngay khi thị trường trở lại.

Với các kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới thì chắc chắn Dệt may Việt Nam sẽ có một năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu, trong đó kịch bản cao là đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 35 tỷ USD giảm 10% so với năm trước, và kịch bản hiện thực là khoảng 33,5 tỷ USD, kịch bản thấp chỉ đạt 30-31 tỷ USD. Trong tình hình hiện nay, việc bảo toàn mọi nguồn lực của doanh nghiệp từ nhân lực, thị trường, tài chính là yếu tố quyết định chờ vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

PV.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
* Bộ Công Thương: Báo cáo tình hình hoạt động ngành công nghiệp và thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2020.
* Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2020: Tham luận của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (9/5/2020)
* Tập đoàn Dệt may Việt Nam: Ngành dệt may thế giới và Việt Nam 3 tháng đầu năm 2020 (27/4/2020)
https://vinatex.com.vn/nganh-det-may-the-gioi-va-viet-nam-3-thang-dau-nam-2020/
 
---------------******-------------
 
Bên cạnh đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại số tháng 5/2020 còn có những thông tin đáng chú ý như:
 
Vấn đề - Sự kiện
- Học tập tấm gương Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và phát triển đất nước
 
Môi trường kinh doanh
- Giải pháp thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh mới
- Nghiên cứu và đề xuất giải pháp phát triển bền vững doanh nghiệp hậu Covid-19
 
Thị trường - Ngành hàng
- Xuất khẩu dệt may hậu dịch Covid-19 thách thức và cơ hội để duy trì tăng trưởng
- Chống buôn lậu và gian lận thương mại phối hợp đồng bộ, đấu tranh chủ động
 
Người Việt - Hàng Việt
- Liên kết vùng, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương
 
Quốc tế - Hội nhập
- Nghiên cứu nâng cao hiệu quả kết nối giao thương Việt Nam - Ấn Độ
 
Doanh nghiệp - Doanh nhân
- Khai trương trung tâm phân phối Maccaca+ tại Hòa Bình và Thanh Hóa
- Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: Đào tạo trực tuyến là hướng đi lâu dài
 
Khuyến công
- Hà Nội: Phát triển du lịch làng nghề, tăng đầu ra cho sản phẩm truyền thống
- Hải Phòng: Đầu tư lớn cho phát triển hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
- Quảng Ninh: Hiệu quả từ những điều chỉnh chính sách khuyến công
- Bến Tre: Thiếu vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp
 
Trên đường phát triển
- Đắk Lắk: Quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng
 
Mọi thông tin Quý độc giả vui lòng liên hệ:
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại
- Địa chỉ: Phòng 509 Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 đường Phạm Văn
Đồng, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội
- Điện thoại:  024 3715 2179/ 37152202; Fax: 024 3715 2202
Người liên hệ:    
- Mr. Tuấn;                 0913535939   (tuanvq.vtic@gmail.com)
- Mrs Việt Hằng;        0989153746  ( hanglecnvn@gmail.com)

 

Tạp chí DNTM

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.001.023