Xây dựng chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
Ngày 12/9, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Hội thảo được tổ chức nhằm hoàn thiện Báo cáo Tổng kết cũng như những đề xuất về chủ trương, chính sách mới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 39-NQ/TW chủ trì Hội thảo.
Có cải thiện nhưng chưa bứt phá
Phát biểu định hướng Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (Vùng) là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước; gồm có 14 tỉnh, thành phố từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận.
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương cùng sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong Vùng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Một số tiềm năng, lợi thế của Vùng được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân trong Vùng không ngừng được cải thiện; một số địa phương đã bứt phá, vươn lên và trở thành các điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước…
Có thể nói, Nghị quyết 39-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, phần lớn các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã cơ bản được hoàn thành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Vùng. Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước; một số lợi thế về địa kinh tế và kinh tế biển chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế của vùng có tỉ trọng nhỏ, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP/người của vùng thấp, chỉ bằng bằng 0,69 lần bình quân của cả nước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách Nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng còn chậm, chưa có sự đột phá…
Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu phát triển; hạ tầng kinh tế, xã hội còn thiếu, yếu, chưa liên thông; đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển còn hạn chế; các trung tâm logistics, cảng cạn ICD phát triển chậm; hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp chưa cao; một số dự án lớn, dở dang chậm được xử lý. Tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết…
Đề xuất định hướng trong bối cảnh mới
Đại diện các bộ, ngành, địa phương, các viện, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận để có giải pháp phát triển các địa phương, bổ sung các thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực nhằm phát triển Vùng, các địa phương và tăng cường liên kết Vùng thời gian tới…
TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần tập trung vào những thách thức đối với Vùng mà trong đó, thách thức lớn nhất của Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Cần cải thiện mạnh mẽ, nhất quán môi trường kinh doanh. Chủ tịch tỉnh phải thường xuyên quan tâm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của cá nhân và lãnh đạo tỉnh; liên tục theo dõi, đánh giá và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ đạo xử lý các vấn đề, tháo bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Trong kế hoạch 5 năm và hằng năm, phải có chỉ tiêu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Các doanh nghiệp thành lập trong lĩnh vực sản xuất, chế tác chế tạo sẽ kéo theo thành lập mới trong các ngành hạ nguồn và dịch vụ hỗ trợ khác...
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Nghị quyết 39-NQ/TW là chủ trương, định hướng đúng đắn của Đảng; là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương ban hành các cơ chế, chính sách và bổ sung nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội Vùng.
Cần chú ý các tiềm năng, lợi thế đặc thù của Vùng, từng địa phương trong Vùng, nhất là các lợi thế về phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, các khu kinh tế biển; phát triển hệ thống đô thị ven biển và các tổ hợp du lịch - dịch vụ, cảng biển… Trên cơ sở đó, một số đại biểu đã đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cho từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể trong Vùng nhằm vừa quản lý chặt chẽ, vừa gia tăng lợi thế quy mô, khơi thông, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực, địa bàn, địa phương trong Vùng.
Liên kết phát triển vùng là tất yếu khách quan, là một trong những động lực tăng trưởng phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, liên kết phát triển Vùng cần thay đổi về nhận thức, tư duy và hành động của cả hệ thống chính trị…
Các đại biểu thống nhất đề xuất xây dựng và ban hành một thể chế đủ mạnh kèm theo một cơ chế điều phối, liên kết hiệu quả, thực chất trong đó Nhà nước đóng vai trò điều phối, định hướng thông qua quy hoạch và các chính sách trong quản lý và phân bổ nguồn lực.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ
Link nguồn
-
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững” dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được tổ chức vào ngày 18/9 tại Hà Nội.
-
Trong hai ngày 8-9 tháng 9 năm 2022, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF)
-
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022.
-
Ngày 6/9, thông tin về kết quả thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 8/2022, đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 52.000 tỷ đồng, tương đương 38,5% kế hoạch.