VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Xác định lộ trình cho chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

02/07/2022 14:37

Ngày 29/6, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức Đoàn nghiên cứu, khảo sát thực tế, tọa đàm, trao đổi khoa học tại Bộ Công Thương, nhằm mục đích nắm bắt thông tin, quan điểm của Bộ về thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian vừa qua, cũng như các đề xuất của Bộ Công Thương trong thời gian tới. GS.TS.Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm về phía Hội đồng Lý luận Trung ương, có Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành - nguyên Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương; TS. Cao Đức Phát -  Phó Trưởng Tiểu ban Kinh tế Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cùng các chuyên gia trong đoàn công tác;

Về phía Bộ Công Thương, có Lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ gồm Văn phòng Bộ; các Vụ: Kế hoạch, Pháp chế, Khoa học và Công nghệ, Chính sách thương mại đa biên, Dầu khí và Than, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; các Cục: Công nghiệp, Kế hoạch, Pháp chế, Khoa học và Công nghệ, Chính sách thương mại đa biên, Dầu khí và Than, Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; các Viện: Năng lượng, Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công Thương.

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển biến tích cực trong bối cảnh đầy khó khăn

Phát biểu tại tọa đàm Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là mục tiêu xuyên suốt của Đảng và Nhà nước từ Đại hội III đến nay. Qua 35 năm kiên trì thực hiện mục tiêu này, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, với mức đóng góp trong GDP tăng từ 13% năm 2010 lên 16,7% năm 2020.

“Cơ cấu ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỉ trọng các ngành thâm dụng tài nguyên, các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghệ trung bình và công nghệ cao. Năng lực cạnh tranh công nghiệp đã được cải thiện đáng kể, Báo cáo cạnh tranh công nghiệp của UNIDO đã đưa Việt Nam từ nhóm “các nền kinh tế đang phát triển” lên nhóm “các nền kinh tế công nghiệp mới nổi”- Thứ trưởng khẳng định.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Tuy vậy, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra rằng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn vừa qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cụ thể:

Thứ nhất, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trong nước chưa cao, giá trị gia tăng tạo còn thấp, nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài.

Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo, đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghiệp còn thiếu kinh nghiệm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, thiếu nền tảng lý thuyết khoa học về quản trị sản xuất, không có cơ hội tiếp cận với các phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả.

Thứ ba, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, với sự tiếp cận ở mức độ thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh

Thứ tư, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn. Bản chất của khu vực sản xuất đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đầu tư vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác như bất động sản, tài chính.


GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương

Nhìn nhận về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nhiều mục tiêu, chính sách, giải pháp chưa đáp ứng được yêu cầu. “Đơn cử doanh nghiệp - thành phần kinh tế tham gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại các địa phương như ở Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương phát triển công nghiệp rất tốt trên mọi phương diện. Nhưng những địa phương này chủ yếu là doanh nghiệp FDI chiếm trên 70% xuất nhập khẩu. Như vậy, nếu xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa chủ yếu dựa vào FDI thì liệu có vững chắc không?”- GS.TS Nguyễn Quang Thuấn đặt câu hỏi.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho biết, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam. Trong khi đó, mối liên hệ, kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước lỏng lẻo, không tạo ra tác động lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.

Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương còn thụ động trong việc triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp quốc gia. Thậm chí, còn có tình trạng địa phương còn có các chủ trương, chính sách chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương về phát triển các ngành công nghiệp, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho hay.

Liên quan đến vấn đề thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp, bà Đỗ Anh Thư - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, việc thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp thời gian qua còn nhiều hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Liên kết của khu vực đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa chưa cao. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Đầu tư nước ngoài từ các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) vào lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến còn hạn chế.

Phân tích về chính sách phát triển công nghiệp, ông Ngô Đức Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế  cho rằng, do thiếu cơ sở pháp lý ở tầm quốc gia, việc phân bổ nguồn lực cho cơ chế, chính sách cho phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, chủ lực là rất thấp, có nơi thậm chí không có cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc phân bổ nguồn lực hoặc nếu có thì nguồn lực không tạo đủ xung lực cần thiết để thúc đẩy phát triển đột phá. Ngoài ra, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị ngành đối với một số hoạt động phát triển công nghiệp gắn với điều tiết nguồn lực, sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo ông Ngô Đức Minh, pháp luật hiện hành về nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp nền tảng thông qua đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng.

Đồng thời chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.

Theo ông Ngô Đức Minh, pháp luật hiện hành về nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp nền tảng thông qua đẩy mạnh áp dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số còn rời rạc, hiệu lực pháp lý thấp hoặc chưa được xây dựng. Đồng thời chưa có quy định cụ thể về cơ chế thúc đẩy, phối hợp chính sách một cách có lộ trình theo hướng phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp phù hợp với xu hướng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, bền vững.

Cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt 25%, và đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, và “Cơ cấu lại công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu”. Đây là mục tiêu khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thời kỳ mới”- Thứ trưởng nhấn mạnh.

Do đó, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu.


Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài

Theo đó, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cũng đã chỉ ra một số giải pháp, cần quán triệt tới từng cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, từ Trung ương đến địa phương về tầm quan trọng của công nghiệp hóa trong quá trình hiện đại hóa đất nước, xác định tập trung các nguồn lực của quốc gia để phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm đòn bẩy kéo theo sự phát triển của các ngành kinh tế khác, thay vì các chính sách dàn trải cho các ngành kinh tế như hiện nay. “Xác định rõ các tiêu chí về công nghiệp hoá để làm căn cứ xây dựng các mục tiêu cụ thể và lộ trình rõ ràng cho giai đoạn tới. Các tiêu chí phải đảm bảo cả về quy mô và chất lượng của phát triển công nghiệp, đồng thời cũng phải định vị được Việt Nam trong bức tranh toàn cầu.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan Nhà nước về phát triển công nghiệp, thực hiện nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính” theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, đối tượng hướng đến của các chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam cần đặt trọng tâm vào thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp lớn tiềm năng và hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% số lượng doanh nghiệp trong nước. Tập trung các nguồn lực để thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt hệ thống doanh nghiệp công nghiệp nội địa và vươn ra thị trường khu vực.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đã cùng làm rõ những vấn đề lý luận - thực tiễn nổi bật, những điểm nghẽn, vướng mắc, vấn đề đặt ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Công Thương. Các nội dung được trao đổi tại buổi Tọa đàm được kỳ vọng sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, kiến nghị phù hợp về chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.932.849