VITIC
TIN TỨC- SỰ KIỆN

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ: Cần đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh và công nghiệp trọng điểm có lợi thế

14/08/2023 08:33

Sáng ngày 12/8, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương; Bí thư tỉnh, thành ủy; Chủ tịch UBND 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và một số tỉnh, thành phố lân cận; đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đã trình bày các tham luận nhằm tìm ra các phương hướng, giải pháp khả thi để tạo nên sự phát triển đột phá cho các tỉnh trong vùng.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ là Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; là “xương sống” kết nối về hạ tầng giao thông của miền Bắc và miền Nam; đồng thời cũng là Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, luyện kim và thương mại, dịch vụ logistics.

Với nhận thức đó, ngay sau khi có Nghị quyết số 26/NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 168/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ, Bộ Công Thương đã khẩn trương ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.

Tại Hội nghị, dưới góc độ ngành Công Thương và Phó Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất một số định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Vùng và các địa phương, đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng xanh và các ngành công nghiệp trọng điểm gắn với các trung tâm logistics, các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế. Theo đó các địa phương cần khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (nhất là điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng và điện mặt trời) phù hợp với Quy hoạch điện VIII, trong đó ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để tiêu thụ tại chỗ, đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà theo phương thức tự sản, tự tiêu; Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong Vùng, bảo đảm cung cấp điện tin cậy, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa; Đồng thời, phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện và nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, chú trọng phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn; Thúc đẩy mạnh mẽ việc thăm dò, khai thác các mỏ khí trong Vùng, góp phần tạo nguồn nhiên liệu khí tự nhiên phục vụ cho các nhà máy điện khí; Chú trọng thu hút đầu tư hình thành, phát triển một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ NLTT liên vùng ở những khu vực có lợi thế nhằm tạo lập hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo hoàn chỉnh, gắn với sản xuất, chế tạo và các dịch vụ phụ trợ; kết hợp các loại hình năng lượng tái tạo để sản xuất hydro, ammoniac xanh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Khuyến khích phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng các-bon... để chủ động khai thác tiềm năng sẵn có trong nước, tăng tính độc lập tự chủ, giảm giá thành sản xuất điện năng từ năng lượng tái tạo…

Đối với định hướng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển các ngành chủ lực mà Vùng có lợi thế; Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp công nghệ cao và sử dụng năng lượng sạch; Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp chuyên biệt tại các khu vực trọng điểm và có lợi thế ở các địa phương nhằm thu hút đầu tư chiều sâu, từng bước phát triển, nâng cao trình độ các ngành công nghiệp có tính nền tảng, hướng tới tạo ra một số thương hiệu sản phẩm riêng có, đặc trưng cho Vùng và cả nước; Phân bố không gian phát triển công nghiệp Vùng theo các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các tuyến quốc lộ kết nối với vùng Tây Nguyên và các hành lang kinh tế ven biển gắn với hệ thống dịch vụ Logistic tại các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, trung tâm kinh tế và cực tăng trưởng trong Vùng.

Để thực hiện có hiệu quả các định hướng trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương trong Vùng quan tâm, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là: Đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các Quy hoạch tỉnh, thành phố và Quy hoạch phát triển Vùng thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cân đối vùng, miền; rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, nhất là Quy hoạch điện lực, Quy hoạch hạ tầng xăng dầu, khí đốt, Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và Quy hoạch năng lượng quốc gia để kịp thời tích hợp, hoàn thiện quy hoạch tỉnh, thành phố và quy hoạch phát triển Vùng, tạo cơ sở pháp lý cho triển khai các dự án công nghiệp, năng lượng trên địa bàn, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm; tổ chức không gian phát triển hợp lý và bố trí quỹ đất phù hợp, tạo điều kiện hình thành, phát triển các hệ sinh thái công nghiệp, năng lượng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của cả Vùng cũng như của từng địa phương.

Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để huy động tối đa nguồn nội lực, kết hợp hài hoà với ngoại lực, tạo đột phá, thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kết nối quan trọng, quy mô lớn nhằm tăng cường liên kết giữa các địa phương trong Vùng, các tiểu vùng và với các vùng kinh tế khác; chủ động tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ tại các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu gắn với cảng biển và các tuyến hành lang kinh tế Đông- Tây, trục giao thông Bắc - Nam để sẵn sàng thu hút, phát triển các dự án công nghiệp và năng lượng theo định hướng quy hoạch được duyệt.

Tập trung cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng; đồng thời, trên cơ sở các tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương trong Vùng để xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách đồng bộ, đủ mạnh và khả thi, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành chủ lực mà Vùng và các địa phương có thế mạnh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển một số trung tâm logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế Đông - Tây (trong đó, ưu tiên phát triển các trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí phù hợp) nhằm nâng cao tính kết nối, tạo luồng lưu chuyển hàng hóa thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy giao thương nội vùng, liên vùng và quốc tế.

Chú trọng quy hoạch và đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, năng lượng chủ lực, có thế mạnh của Vùng. Ưu tiên hỗ trợ, đầu tư cho một số trường đại học, cao đẳng nghề trọng điểm ở các địa phương trung tâm tiểu vùng để nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ (nhất là các công nghệ cơ bản); xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động để hình thành đội ngũ người lao động tinh thông về nghiệp vụ, có tay nghề, kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số. Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp. Chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở hầu hết các thủ tục nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng.

Trước đó, ngày 11/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước). Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối ngoại và quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế...

 

Nguồn: Moit.gov

Tin cũ hơn
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 4.102.484