Vĩnh Phúc: Hiệu quả mô hình xã hội hóa xử lý rác thải tại Hương Canh
Với công suất xử lý từ 25 - 30 tấn rác thải/ngày, lò đốt rác BM – SH1000 thuộc Dự án xây dựng thí điểm mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt được UBND tỉnh phê duyệt tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên đã xử lý triệt để lượng rác thải lớn phát sinh tại địa phương, góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho bộ mặt đô thị.
Trước thực trạng rác thải sinh hoạt phát sinh ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, năm 2016, thị trấn Hương Canh được UBND tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng thí điểm mô hình xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt bằng lò đốt công nghệ cao.
Mô hình xử lý rác được xây dựng tại Tổ dân phố (TDP) Đồng Mướp, thị trấn Hương Canh trên tổng diện tích hơn 5.300 m2, do Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina đầu tư.
Trước đó, dự án lò đốt rác công nghệ cao đã được Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina bắt đầu triển khai từ năm 2014, sau 2 năm hoạt động hiệu quả, mô hình được UBND tỉnh đưa vào là một trong những dự án thí điểm để nhân rộng tại nhiều địa phương nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng rác thải quá tải, đặc biệt tại khu vực nông thôn.
Theo thống kê, thị trấn Hương Canh có khoảng 4.800 hộ dân, lượng rác thải phát sinh trung bình lên tới 20 tấn/ngày.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Trước khi được đầu tư lò đốt rác, do bãi rác tập trung quá tải, tình trạng người dân xả rác ra các trục đường chính, điểm công cộng diễn ra khá phổ biến, gây ô nhiễm môi trường, mất mĩ quan đô thị.
Nhiều thời điểm, địa phương phải thuê đơn vị bên ngoài đến dọn dẹp, đem rác đi xử lý. Sau khi mô hình xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Xây dựng Century Vina đi vào hoạt động, phần lớn rác thải sinh hoạt của người dân đã được xử lý triệt để, chấm dứt tình trạng đổ rác bừa bãi.
Bên cạnh đó, mô hình xử lý rác cũng tạo việc làm cho khoảng 20 lao động địa phương, thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng, giảm tải bớt khối lượng công việc cho HTX môi trường của thị trấn”.
Tìm hiểu tại mô hình xử lý rác thải của Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina, được biết, lò đốt BM – SH1000 được đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 6 tỷ đồng, vận hành bán tự động với quy trình khép kín từ khâu cấp nguyên liệu vào cho tới khâu đẩy nguyên liệu và phân loại sau khi đốt.
Lò không sử dụng nhiên liệu để đốt, rác thải sau khi cho vào lò sẽ sinh ra phản ứng cháy tạo nhiệt năng, nhiệt được tích lũy và dùng để tiêu hủy, xử lý rác thải.
Bên cạnh đó, quy trình xử lý khí thải, tiếng ồn, độ rung trong quá trình hoạt động của lò được chứng nhận đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ TN&MT; các công đoạn thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình vận hành được xử lý theo quy định. Trung bình mỗi ngày, lò đốt BM – SH1000 có thể xử lý được từ 25 - 30 tấn rác thải.
Ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng TDP Đồng Mướp cho biết: “Trước đó, mặc dù TDP thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức trong việc phân loại rác thải tại nguồn, song ít được người dân quan tâm, thực hiện.
Vấn đề này gây khó khăn cho hoạt động của HTX môi trường của thị trấn bởi nhân lực có hạn, trong khi các bãi rác tập trung quá tải.
Sau khi dự án xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina đi vào hoạt động, người dân chỉ việc tập trung rác thải tại một điểm nhất định, HTX môi trường và công ty sẽ vận chuyển số rác này về bãi và làm luôn công việc phân loại để xử lý”.
Để nâng cao hiệu quả mô hình xử lý rác thải theo hình thức xã hội hóa, Công ty cổ phần Xây dựng Century Vina đã đề xuất với UBND huyện Bình Xuyên trình UBND tỉnh xem xét, có cơ chế hỗ trợ để công ty bảo đảm nguồn kinh phí duy trì hoạt động của tổ thu gom rác, định kỳ bố trí kinh phí bảo dưỡng, nâng độ bền của lò đốt.
Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch mở rộng thêm diện tích, đầu tư máy móc nâng công suất xử lý rác của dự án lên 60 tấn/ngày, không chỉ đáp ứng nhu cầu xử lý rác tại thị trấn Hương Canh mà mở rộng xử lý rác thải tại các địa phương lân cận, góp phần làm sạch môi trường, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.
-
Diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước tới nay, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đạt được những kết quả có ý nghĩa chiến lược
-
Đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế biến; đặc biệt là sự thành công của ngành công nghiệp hóa dầu tại Khu kinh tế Dung Quất, sản xuất công nghiệp đã trở thành lĩnh vực mũi nhọn, trọng tâm phát triển của tỉnh Quảng Ngãi.
-
Ngày 25/11/2021, tiếp nối các chương trình làm việc bên lề chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 22-25 tháng 11 năm 2021,
-
Từ năm 2020 đến nay, 16 doanh nghiệp Bắc Ninh được tư vấn cải tiến, giúp tăng năng suất, giảm tỷ lệ lỗi, giảm thiểu tồn kho; 47 nhà cung ứng của Samsung tại Bắc Ninh đã tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng