VITIC
Thị trường thế giới

Việt Nam và Phần Lan tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại

16/09/2024 09:59

Việt Nam và Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Năm 2023 đánh dấu chặng đường 50 năm thiết lập quan hệ đối ngoại giữa hai nước, theo thời gian, mối quan hệ hữu nghị truyền thống ngày càng phát triển mạnh mẽ, được duy trì thường niên thông hoạt động trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao và các cơ quan của Quốc hội. Hơn nửa thế kỷ qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư được xem là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Phần Lan, với nhiều thành tựu và dấu ấn nổi bật.

Phía Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Phần Lan. Trong khi đó, Phần Lan cũng xem Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong khu vực ASEAN của nước này, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 34 trên thế giới và lớn thứ 6 tại khu vực châu Á của Phần Lan (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản). Trong những năm qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Phần Lan có sự gia tăng lớn, đặc biệt là từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực.. Bên cạnh đó, Phần Lan còn có riêng một Hiệp định bảo hộ đầu tư sản phẩm với Việt Nam. Hai bên vẫn còn rất nhiều tiềm năng và cơ hội hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực thương mại.

Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2024, Phần Lan có 36 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 48,40 triệu USD. Hợp tác trong các lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, môi trường, năng lượng sạch, giáo dục đào tạo được đẩy mạnh trong thời gian gần đây, phù hợp thế mạnh và nhu cầu của hai bên. Phía Phần Lan cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Phần Lan mở rộng hoạt động hợp tác đầu tư vào thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Phần Lan trong 5 tháng đầu năm 2024 (Việt Nam xếp thứ 34)
ĐVT: %

Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam -  Phần Lan đạt 376 triệu USD, giảm 12,98% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 196 triệu USD, giảm 12,32% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 180 triệu USD, giảm 13,68%.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam –  Phần Lan trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD

                                                                                                      Nguồn: Tổng cục Hải quan
Mặc dù có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi, song quan hệ thương mại Việt Nam – Phần Lan vẫn bị ảnh hưởng do những tác động từ đại dịch Covid-19; bên cạnh đó tình hình kinh tế - chính trị khu vực và toàn cầu trong giai đoạn 2022 – 2024 có nhiều biến động lớn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai quốc gia. Ngoài ra, Phần Lan là thành viên của khối EU, do đó các tiêu chuẩn về chất lượng đòi hỏi rất cao, các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường này cần phải tuân thủ theo những quy định chung của EU.

Theo số liệu từ Trading Economics, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Phần Lan trong quý II/2024 đạt 0,3%, không thay đổi so với quý trước đó nhưng thấp hơn so với ước tính ban đầu là tăng 0,4%. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Phần Lan trong tháng 8/2024 tăng lên 1,2%, chi phí tiếp tục tăng đối với các lĩnh vực thời trang, nhà ở và tiện ích, văn hóa và giải trí ... Năm 2023 nền kinh tế Phần Lan rơi vào tình trạng suy thoái, lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hơn 60 năm, chi phí điện, lương thực cao và lãi suất cho vay tăng là những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát hàng năm tăng ở nước này.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Phần Lan trong giai đoạn 2013 – 2023

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Năm 2013 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sang Phần Lan thấp nhất trong giai đoạn 10 năm, với trị giá 79 triệu USD, trong khi đó năm 2021 là năm có kim ngạch xuất khẩu giữ vị trí cao nhất, với trị giá 267 triệu USD, tăng mạnh 89,16% so với năm 2020 và tăng rất mạnh 237,79% so với 08 năm trước đó; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 10,96%.

Hiệp định EVFTA đi vào thực thi đã tạo điều kiện và cơ hội cho nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nhờ được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Trong khối EU, Phần Lan là một trong những thị trường quan trọng và có mức tăng trưởng thương mại vượt bậc với Việt Nam kể từ sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, nhiều mã hàng trong nhóm sản phẩm từ sắt thép, giày dép các loại… có thuế về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Nhờ đó, thị phần nhiều mặt hàng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Phần Lan đã cải thiện.

Trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Phần Lan đạt 22,54 triệu USD, giảm 17,09% so với tháng trước đó nhưng tăng 43,96% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng nhẹ so với 8 tháng đầu năm 2023 là 0,45%, đạt 159,62 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Sản phẩm từ sắt thép (chiếm tỷ trọng 63,82%); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (chiếm tỷ trọng 6,86%) và Phương tiện vận tải và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 4,33%).

Những ưu đãi về thuế quan theo cam kết của Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục là động lực hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới. Mặc dù có nhiều cải thiện so với giai đoạn trước song thị phần hàng hóa Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Phần Lan vẫn còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ hợp tác giữa hai bên. Vì vậy, lộ trình giảm thuế theo cam kết trong EVFTA sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt hơn nữa cơ hội tại thị trường Phần Lan. Đặc biệt là với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: giày dép các loại, hàng dệt may, sản phẩm từ chất dẻo… Ngành công nghiệp dệt may của Phần Lan hiện nay rất hạn chế do hầu hết quá trình sản xuất đã được chuyển đến các nước có chi phí thấp ở Đông Âu và Châu Á. Do đó, Phần Lan chủ yếu nhập khẩu quần áo cho tiêu dùng. Về lâu dài, mặt hàng may mặc của Việt Nam sẽ tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường này.

Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang  Phần Lan trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
 (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong tháng 8/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ  Phần Lan đạt 36,36 triệu USD, tăng mạnh 50,73% so với tháng trước đó và tăng 17,87% so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức tăng là 23,72% so với 8 tháng đầu năm 2023, đạt 149,36 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 52,92%); Sản phẩm hóa chất (chiếm tỷ trọng 7,46%) và Giấy các loại (chiếm tỷ trọng 5,42%).

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang  Phần Lan trong tháng 8/2024 và 8 tháng đầu năm 2024
 (ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Trong năm 2024, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Phần Lan luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:

Tháng 3/2024: Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Phần Lan Jussi Halla-aho là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan ngoài khu vực châu Âu kể từ khi nhậm chức và chỉ đi thăm Việt Nam mà không kết hợp thăm nước khác. Qua đó cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Phần Lan cũng như quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa cơ quan nghị viện hai nước. Đồng thời, đây cũng là hoạt động trao đổi đoàn cấp cao mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Phần Lan - Việt Nam (1973-2023).

Tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Jussi Halla-Aho đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Phần Lan. Thủ tướng cũng đề nghị Quốc hội Phần Lan ủng hộ việc Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" (IUU) đối với thủy sản Việt Nam; thúc đẩy Quốc hội các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVIPA) và tin tưởng EVIPA sẽ giúp doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường của nhau và khu vực. Về phía Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội Jussi Halla-Aho khẳng định Phần Lan coi Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong ASEAN và mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam nhằm phát huy tối đa tiềm năng to lớn giữa hai nước. Phần Lan sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện khát vọng mạnh mẽ trở thành quốc gia thu nhập cao trong những năm tới.

Về trụ cột hợp tác kinh tế, hai bên hoan nghênh trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư song phương phát triển vượt bậc, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, hai nước sẽ tiếp tục tạo thuận lợi và khuyến khích kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhất là trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu, thế mạnh như công nghệ cao, phát triển xanh, môi trường, nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghệ thông tin...

Một số lưu ý về việc nắm bắt tiêu chuẩn, thị hiếu để đẩy mạnh xuất khẩu sang Phần Lan:

  • Thời gian gần đây xu hướng tiêu dùng trên thị trường Phần Lan có sự thay đổi, người dân chú ý hơn tới sản phẩm giảm giá, cùng đó là xu hướng muốn trải nghiệm món ăn mới, trách nhiệm về tính bền vững ... Đây là những thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam cần nắm vững khi xuất khẩu hàng hóa sang Phần Lan;

  • Nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ cũng là sản phẩm có tiềm năng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Theo kinh nghiệm của các doanh nghiệp Phần Lan, việc tạo ra câu chuyện và tạo dựng hình ảnh là rất quan trọng để bán được hàng tại EU, cần kể câu chuyện minh bạch và chia sẻ cho người tiêu dùng biết đâu là nhà cung ứng và chuỗi sản xuất ra sản phẩm bán cho khách;

  • Sản phẩm bền vững giá trị cao luôn được đề cao hơn và là xu hướng ngày một phổ biến. Thiết kế sản phẩm rất quan trọng có thể không cần hiện đại nhưng cần tồn tại lâu dài với thời gian. Hình ảnh sản phẩm phải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhìn.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Phần Lan phát triển liên tục và bền vững trong nhiều năm qua. Đặc biệt, nhờ những ưu đãi thuế quan thuận lợi của EVFTA, với nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp hai nước, thương mại và đầu tư song phương Việt Nam - Phần Lan sẽ tiếp tục được phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Thông tin chi tiết xem tại đây;



 

Quang Chiến (VITIC) tổng hợp

Tin cũ hơn
  • “Chương trình giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt Nam, Trung Quốc (Quảng Tây) năm 2024” lần đầu tiên được tổ chức tại Quảng Tây
    Trong khuôn khổ triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 06/9/2024, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các cơ quan liên quan tại Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Chương trình giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt Nam, Trung Quốc (Quảng Tây) tại phố đi bộ “Đêm Nam Ninh” thuộc thành phố Nam Ninh, thủ phủ của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
  • Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới đồng loạt giảm sâu
    Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết giá hàng hóa nguyên liệu thế giới vừa trải qua một tuần giảm sâu (2-8/9). Lực bán rất mạnh kéo chỉ số MXV-Index rơi gần 3,5% xuống 2.061 điểm – thấp hơn cả mức đáy trong gần 4 năm đã được ghi nhận vào tháng 6/2023. Đóng cửa tuần, ngoại trừ thị trường nông sản giữ được đà phục hồi, các nhóm hàng còn lại đều sụt sâu. Trong đó, nhiều mặt hàng năng lượng và kim loại cơ bản chứng kiến giá lao dốc từ 3-10%.
  • Sắp diễn ra sự kiện xúc tiến thương mại đối với củ, quả tươi Việt Nam tại thị trường Trung Quốc
    Ngày 29-30/9/2024 tới đây, Lễ hội trái cây Việt Nam sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp nông sản lớn tại Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu, cung tiêu của Trung Quốc.
  • Đưa nông sản Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Úc
    Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Úc phục hồi tích cực, trong đó đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh (tăng 31,1% trong 5 tháng đầu năm). Việt Nam và Úc có nhiều dư địa để gia tăng thương mại song phương, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường của nhau.
Trụ sở chính
Địa chỉ: Tầng 5-6, Tòa nhà Bộ Công Thương, 655 Phạm Văn Đồng, P.Cổ Nhuế I, Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 0243.8262316 - 0243.9393360 
Email: ttthongtin@moit.gov.vn
Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Tầng 11, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 12 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Đa Kao, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 028.3823 7216
Email: duy.doanh@yahoo.com.vn
Chi nhánh Đà Nẵng
Địa chỉ: Tầng 4, Trụ sở Bộ Công Thương - Số 7B, đường CMT8, P.Hòa Cường Nam, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02511.38356
Email: anhtuan7702@yahoo.com
Giấy phép số 153/GP-TTĐT ngày 5 tháng 7 năm 2024 của Bộ Thông tin Truyền thông.
Số người truy cập: 3.784.866