Việt Nam và Đức tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động
Năm 1975, Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao; năm 2011, hai nước nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược. Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương.
Hiện nay, Việt Nam và Đức đều là những đối tác quan trọng của nhau trong nhiều lĩnh vực, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định thương mại nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác về kinh tế như Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư … phía Đức luôn đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Tính đến nay, có 350 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, có thể kể đến như Mercedes-Benz (ô tô), Siemens (thiết bị, y tế), Allianz (bảo hiểm), Deutsche Bank (ngân hàng) … Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 3/2024, Đức có 469 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến 2,752 tỷ USD, đứng thứ 17 trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hầu hết các dự án của Đức đều tập trung ở các tỉnh thành lớn với cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương … chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất, phân phối điện, khí; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa … Tháng 6/2020, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký kết Bản ghi nhớ về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế với mục đích thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Đức là nền kinh tế lớn hàng đầu tại châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này chỉ đứng sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, vì vậy Đức là một trong những thị trường có sức mua lớn nhất trên thế giới. Trong hai năm trở lại đây, do những tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu (Anh rời EU, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, xung đột Nga – Ukraine) nên nền kinh tế Đức có xu hướng suy giảm. Theo số liệu từ Eurostat, dân số Đức trong độ tuổi có nhu cầu tiêu dùng cao, chiếm khoảng 65%, phần lớn chi tiêu về hàng hóa của người tiêu dùng tại quốc gia này là dành cho ăn – mặc - ở. Đáng chú ý, thói quen mua sắm của người Đức rất đa dạng và phong phú, từ các sản phẩm thiết yếu như đồ ăn, quần áo, giày dép … cho đến các sản phẩm xa xỉ như trang sức, xe cộ …
Nhóm 10 thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất của Đức trong năm 2023
ĐVT: phần trăm
Nguồn: Trademap
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Đức đạt 11,1 tỷ USD, giảm 11,87% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,40 tỷ USD, giảm 17,49% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD, tăng nhẹ 2,08%. Hiện nay, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Âu còn Việt Nam nằm trong tốp 30 đối tác thương mại lớn nhất thế giới của Đức và là đối tác hàng đầu của Đức tại khu vực châu Á.
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết chính là cơ hội để hàng hóa Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị phần tại thị trường Đức. Các cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan, chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh ... đã tạo thuận lợi cho các mặt hàng của Việt Nam thâm nhập vào thị trường Đức. Trong cuốn "Sổ tay doanh nghiệp Tận dụng EVFTA để xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Đức" do Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) biên soạn, một trong những cơ hội lớn nhất mà EVFTA đem lại cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Đức chính là các cam kết ưu đãi thuế quan của EU (bao gồm Đức) trong Hiệp định này.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Đức trong giai đoạn 2019 – 2023
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Theo Trading Economics, trong quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của Đức giảm 0,3% sau các quý liên tiếp trì trệ. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải vật lộn với tác động của giá cả tăng, chi phí vay tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và xây dựng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Lạm phát tiêu dùng của Đức được xác nhận ở mức 2,2% vào tháng 3/2024, giảm so với mức 2,5% của tháng liền trước, đây là tỷ lệ thấp nhất kể từ tháng 5/2021, gần đạt mục tiêu 2,0% của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn với kinh tế Đức, nền sản xuất lớn có mức độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu của quốc gia này đã hứng chịu thiệt hại nặng nề khi mất đi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga và đối mặt với sự giảm tốc của nhu cầu ở Trung Quốc. Đầu năm 2024, Đức lại phải đối mặt với cuộc đình công toàn quốc của nhân viên đường sắt về thời gian làm việc và các cuộc biểu tình của nông dân phản đối việc Chính phủ cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đức trong giai đoạn 2013 – 2023
(ĐVT: Triệu USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong nhiều năm qua, Đức luôn là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Việt Nam và Đức có cơ cấu sản phẩm bổ sung cho nhau, trong khi Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm công nghiệp nhẹ, sản phẩm tiêu dùng và nông sản thực phẩm, thì Đức lại là cường quốc công nghiệp nặng, xuất khẩu nhiều nguyên nhiên liệu và máy móc thiết bị và cũng nhập khẩu nhiều hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức được hưởng cơ hội lớn từ EVFTA bao gồm giày dép, quần áo, thủy sản, các sản phẩm nhựa, hoa quả và các loại hạt, và một số sản phẩm nông sản khác như gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm …
Bên cạnh đó, logistics cũng là một lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Đức. Đức là trung tâm địa lý của khu vực EU, có thị trường logistics lớn nhất châu Âu và cơ sở hạ tầng giao thông tiên tiến nhất giúp tiếp cận dễ dàng các thị trường khác trong khu vực. Vì vậy để tăng cường khả năng hợp tác trong lĩnh vực này trong thời gian tới, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa các hoạt động kết nối nhằm phát triển dịch vụ logistics, đa dạng hóa phương thức vận tải để mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh với thị trường Đức, tận dụng tối đa các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại.
Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Đức trong tháng 3/2024 và tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023
(ĐVT: Nghìn USD)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Đức đạt 650,6 triệu USD, tăng đáng kể 35,42% so với tháng liền trước nhưng giảm 7,015 so với tháng cùng kỳ năm 2023; tính riêng ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này ghi nhận mức tăng rất nhẹ so với 3 tháng đầu năm 2023 là 0,6%, đạt 1,90 tỷ USD. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 16,42%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 15,42%) và Cà phê (chiếm tỷ trọng 12,05%).
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Đức trong tháng 3/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 3/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Đức đạt 279,5 triệu USD, giảm 19,28% so với cùng kỳ năm 2023; tính riêng trong ba tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này ghi nhận mức giảm nhẹ là 0,37% so với ba tháng đầu năm 2023, đạt 796,9 triệu USD. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 35,23%); Hóa chất (chiếm tỷ trọng 13,59%) và Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 9,22%).
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Đức trong tháng 3/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong những năm qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Đức luôn được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng:
Năm 2023, trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2023, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tổ chức Đoàn xúc tiến thương mại Việt Nam tham gia các chương trình giao thương tại Đức. Đoàn xúc tiến thương mại Việt Nam đã tới thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, trong đó có các hoạt động tham quan, khảo sát hệ thống siêu thị Selgros, chuỗi đại siêu thị Cash & Carry ở châu Âu, nơi phân phối hơn 60.000 mặt hàng từ hoa quả tươi, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, dệt may, giày dép…
Nhân chuyến tham quan, đoàn doanh nghiệp Việt đã có cơ hội trao đổi với đại diện của Selgros, tìm hiểu về quy trình nhập khẩu hàng hóa, cách thức phân phối cũng như nhu cầu tiêu dùng của thị trường Đức. Bên cạnh đó, đoàn doanh nghiệp Việt Nam cũng tham dự Hội nghị hợp tác kinh tế Việt Nam - Đức và Chương trình giao thương doanh nghiệp; Hội chợ Quốc tế Công nghiệp thực phẩm Anuga được tổ chức 2 năm 1 lần tại Koelnmesse, Cologne, Đức; gặp mặt, trao đổi, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp Đức …
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, các doanh nghiệp Đức vẫn coi Việt Nam là một trong các thị trường có tiềm năng phát triển nhất ở Châu Á (chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ); đồng thời, với chiến lược đa dạng hóa đầu tư của Đức, Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư tiềm năng và tin cậy của các doanh nghiệp Đức. Bộ Công thương Việt Nam mong muốn phía Đức tiếp tục hỗ trợ Bộ Công Thương trong lĩnh vực năng lượng nhằm cụ thể hóa Tuyên bố chung về Hợp tác năng lượng giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Báo vệ khí hậu liên bang Đức đã được ký vào ngày 13/11/2022. Việt Nam và Đức luôn xem trọng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sản xuất tại Việt Nam bao gồm các ngành nghề mà Đức có thế mạnh như điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phía Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp Đức tăng cường sản xuất và mở rộng đầu tư kinh doanh hơn nữa vào Việt Nam để tận dụng tối đa những ưu đãi của Chính phủ Việt Nam trong đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp.
Đầu năm 2024, chuyến thăm của Tổng thống Frank - Walter Steinmeier – chuyến thăm đầu tiên một Tổng thống Đức đến Việt Nam sau 17 năm, được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới đẩy mạnh hợp tác trong một số trụ cột chính, trong đó có hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã trao đổi tình hình thực thi Hiệp định EVFTA và tác động của hiệp định tới quan hệ song phương, đặc biệt là trong việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Đức cũng như tạo thuận lợi cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại từ Đức, qua đó tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường. Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, hai bên điểm lại nhiều dự án hợp tác hiệu quả trong thời gian qua, trong thời gian tới, Bộ Công Thương Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Chính phủ Đức trong lĩnh vực năng lượng như: công nghệ năng lượng tái tạo (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt,...) và năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,…); chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng; công nghệ tích trữ năng lượng tiên tiến, pin nhiên liệu hiệu suất cao; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Trong bối cảnh thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đức có sự chững lại do nhiều nguyên nhân khách quan đến từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các bất ổn địa chính trị như xung đột Nga – Ukaine, xung đột Israel – Hamas..., việc nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Đức tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài tại Việt Nam tiếp tục là tiền đề xây chắc mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, thiết thực trong nhiều lĩnh vực liên quan, là điểm sáng trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thông tin chi tiết xem tại đây;
Quang Chiến (VITIC) tổng hợp
-
Xuất khẩu ớt trong tháng 3 đạt 1.523 tấn với trị giá 4,2 triệu USD, tăng mạnh 72,3% so với tháng 2/2024.Trung Quốc nhập khẩu 1.339 tấn, chiếm gần 88% sản lượng.
-
Hai tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tôm vào Trung Quốc tăng cả về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá trung bình vẫn giảm.
-
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, hết quý I/2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944.930 tấn, giá trị lên tới 430,44 triệu USD, tuy giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái; giá xuất khẩu bình quân của nhóm hàng này đạt 455,5 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
-
Hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 2,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,4 tỷ USD, tăng khoảng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.